Sự việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự thiếu quan tâm của xã hội với vấn đề bạo hành trẻ em. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp trẻ em bị lạm dụng, ngược đãi mà chưa được phát hiện.
Cái chết thương tâm của bé gái với những vết bầm tím khắp người cũng đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Nhiều người cho rằng những đứa trẻ bị bạo hành vì “mẹ kế”, “cha dượng” cần lắm những người hàng xóm xung quanh hiểu luật để can thiệp kịp thời khi người thân vô cảm.
Những đứa trẻ không biết bấu víu vào đâu khi bị chính những người thân sống chung đánh đập. Trong nhiều trường hợp, nhờ những người hàng xóm với những kỹ năng bảo vệ mà đứa trẻ được giải cứu.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để xã hội và cộng đồng có thể nhận diện và đánh giá được đâu là đòn roi để dạy con và đâu là bạo hành trẻ?
Cộng đồng tưởng niệm bé gái trong vụ bạo hành gây rúng động dư luận vừa qua
Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Thị Loan - Học viện Quản lý Giáo dục cho biết một thực tế là có nhiều người không có kỹ năng nhận diện tổn thương sức khỏe tinh thần, thậm chí kỳ thị người khác nên họ không phân biệt được ranh giới giữa dạy con và bạo hành.
“Qua sự việc này chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền trẻ em, hành vi nào là vi phạm pháp luật về trẻ em, và đâu là dạy con.
Mục đích dạy dỗ con của những bậc làm cha mẹ là chính đáng và nhân văn là không dùng bạo lực và rất khác so với mục đích của những kẻ bạo hành. Đối với những đối tượng cụ thể là trẻ em vốn được xem là không có khả năng tự vệ, còn rất non nớt về nhận thức và yếu ớt về thể lực thì ranh giới giữa việc bạo hành với việc dạy dỗ trong nhiều trường hợp lại trở nên rất mong manh." - Bà Loan đánh giá
Theo vị chuyên gia ngay cả khi dạy con thì pháp luật cũng nghiêm cấm việc bố mẹ đánh đập, bạo hành con. Để tránh những trường hợp đau lòng như thế này, chúng ta phải tích cực tuyên truyền để việc bảo vệ trẻ em, số điện thoại về bảo vệ trẻ em phải được dán khắp nơi để mọi người có nhiều kênh phản ánh.
Từ đó, rất cần có sự thay đổi trong cách hành xử đối với trẻ em của mỗi cá nhân và cả cộng đồng, xã hội trong đó hoàn toàn không cần thiết phải sử dụng bạo lực cho việc giáo dục, muốn thế bố mẹ phải có hình thức kỷ luật văn minh như dùng thẻ thưởng, thẻ phạt.
"Trong phạm vi tuân thủ luật, tất cả các con đều được tôn trọng và mọi việc đều được tiến hành thuận lợi mà thậm chí không có cả những lời nói to trong nhà chứ đừng nói là quát mắng hay bạo hành. Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi quan niệm dạy con là phải dùng bạo lực vì dùng bạo lực là vi phạm pháp luật”, cô Loan cho hay.
Theo đánh giá của chuyên gia, tất cả những hành vi đánh đập trẻ, sỉ nhục trẻ dù nhân danh tình thương hay giáo dục và dạy con đều phải bị cấm.
Các nhà quản lý giáo dục, ban giám hiệu, giáo viên các trường cần đưa chương trình giáo dục trẻ về việc bạo hành, bạo lực để trẻ tự bảo vệ bản thân, đồng thời cũng không thực hiện hành vi này với bất cứ ai, nhất là người yếu thế hơn mình như trẻ em, người già.
“Trẻ em là đối tượng chưa phát triển hết về tâm sinh lý cũng như thể chất, nên đôi lúc tưởng chừng chỉ là cái đánh nhẹ nhưng sẽ lại ảnh hưởng tới thể chất và tâm lý của trẻ rất nhiều và chỉ cần gây thương tích cho trẻ sẽ trở thành bạo hành trẻ.
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Loan