Giữ uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt: Gỡ 'điểm nghẽn' về chất lượng

11/09/2024 11:07

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, trong phát triển ngành hàng sầu riêng, tỉnh xác định chất lượng sản phẩm và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là quan trọng nhất.

Nông dân huyện Krông Pắc - 'thủ phủ' sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng năm 2024. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)
Nông dân huyện Krông Pắc - 'thủ phủ' sầu riêng của tỉnh Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng năm 2024. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Năm 2024, người trồng sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk gặp nhiều bất lợi do thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất sản phẩm và giá cả mua bán.

Một vụ mùa sắp đi qua cho thấy vấn đề sống còn của ngành hàng sầu riêng hiện nay là phải đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Không đạt kỳ vọng

Tỉnh Đắk Lắk có gần 32.800ha sầu riêng; trong đó, diện tích cho thu hoạch sản phẩm là 15.852ha (chiếm 48,35%). Sản lượng sầu riêng năm 2024 của tỉnh khoảng trên 300.000 tấn. Như vậy, trong tương lai không xa, khi 100% diện tích sầu riêng cho thu hoạch, tỉnh Đắk Lắk sẽ có sản lượng sầu riêng vượt trội.

Lợi thế là vậy song vào đầu vụ mùa năm nay, nông dân Đắk Lắk gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn khiến cây sầu riêng bị sốc nhiệt trong quá trình ra hoa, rụng trái non. Vào mùa vụ thu hoạch, mưa liên tục và kéo dài trong nhiều ngày khiến cơm sầu riêng bị sượng, giá mua giảm dần.

Anh Trần Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xanh Krông Pắc, huyện Krông Pắc cho biết năm 2023, giá sầu riêng Dona của thành viên hợp tác xã bán xô 70.000-80.000 đồng/kg, có những nhà vườn bán được giá 92.000-93.000 đồng/kg.

Năm nay, vào đầu vụ thu hoạch, giá mua xô tại vườn dao động khoảng 70.000-80.000 đồng/kg sầu riêng Dona, sau đó giảm xuống còn 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch, chất lượng sầu riêng không đạt như kỳ vọng nên thương lái, hợp tác xã không thể mua giá cao cho nông dân.

Ngoài chất lượng cơm sầu riêng, theo anh Phạm Văn Lượng, Giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn, tỷ lệ sầu riêng hạng A (hàng xuất khẩu) năm nay thấp hơn so với năm 2023.

Bên cạnh vấn đề về thời tiết, nông dân đang lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vào vườn cây, dẫn đến trái sầu riêng bị sượng do dư chất dinh dưỡng.

"Một thực tế là sầu riêng vùng Tây Nguyên bị sượng, sầu riêng ở các vùng khác như: Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ không gặp hiện tượng này," anh Phạm Văn Lượng nhấn mạnh.

Cũng theo anh Lượng, hiện nay, vẫn có một số nông dân chạy theo sản lượng, không quan tâm đến chất lượng, ảnh hưởng đến ngành hàng sầu riêng. Mặt khác, thị trường Trung Quốc sẽ ngày càng khó tính hơn, chặt chẽ hơn trong vấn đề xuất khẩu. Do đó, người nông dân phải nâng cao ý thức trong việc sản xuất sầu riêng, lấy chất lượng làm đầu.

ttxvn_thu hoach sau rieng 3.jpg
Công nhân dán tem sầu riêng để phục vụ cho công tác xuất khẩu. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Cùng quan điểm, Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Hâu, cựu giảng viên cao cấp, Trường Đại học Cần Thơ phân tích cây sầu riêng chỉ mới phát triển rộ ở tỉnh Đắk Lắk trong vòng khoảng 5 năm trở lại đây. Số người có kinh nghiệm trồng, quản lý vườn sầu riêng đạt hiệu quả và đối phó với sự biến đổi thất thường của thời tiết là chưa nhiều. Thực tế, nông dân sẵn sàng đầu tư, ai chỉ gì làm nấy, tuy nhiên, vì chưa thông thạo kỹ thuật nên nhiều khi sự đầu tư không mang lại hiệu quả, ngược lại còn gây tổn hại cho vườn cây.

Bên cạnh đó, trong sản xuất sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk còn tồn tại những vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm như: nông dân chưa nhận diện được sâu bệnh và quản lý sâu bệnh; nhiều vùng trồng phân tán nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều; việc tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu chưa cao; tình trạng thu hoạch sớm, trái chưa đủ tuổi, chưa chất lũy đủ chất khô vẫn còn diễn ra ở một số nơi…

Đã đến lúc cần những giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm đồng nhất sản phẩm với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, qua đó giữ uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt.

Gỡ “điểm nghẽn” về chất lượng

Để nâng cao chất lượng sầu riêng, nông dân cần thay đổi tư duy, từ chú trọng vào sản lượng, ồ ạt mở rộng diện tích chuyển sang chú trọng đảm bảo chất lượng sản phẩm; đồng thời, nông dân cần am hiểu quy trình kỹ thuật, thấu hiểu vườn cây của mình để quản lý bệnh và chữa bệnh đúng thuốc. Cùng với đó, các bên liên quan trong ngành hàng cần đoàn kết, xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ vững thị trường xuất khẩu.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xanh Krông Pắc Trần Văn Thắng cho rằng để xuất khẩu đi một thị trường lâu dài, nông dân phải nghĩ đến khách hàng, nỗ lực để khách hàng sử dụng được sản phẩm có chất lượng. Nếu sản phẩm không đáp ứng được thị trường nhập khẩu, thậm chí người dân trong nước cũng quay lưng không dùng thì thiệt hại lớn nhất là người nông dân.

Để hỗ trợ nông dân, các cơ quan chức năng cần phối hợp với nhà khoa học xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác chuẩn trên cây sầu riêng cho vùng Krông Pắc nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung.

Theo ý kiến của Tiến sỹ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, để khắc phục và ứng phó với ảnh hưởng của biến đối thời tiết, đầu tiên, nông dân cần thiết lập vườn cây như thiết lập đai rừng chắn gió và thiết lập hệ thống thoát nước. Đồng thời, nông dân nên xác định cần sản xuất sản phẩm như thế nào, bán cho ai để lựa chọn giống phù hợp và tiếp cận canh tác theo hướng quản lý cây trồng tổng hợp.

"Xây dựng hệ sinh thái vườn sầu riêng bền vững, các chăm sóc đều liên quan với nhau, như vậy sẽ chống chọi được khí hậu khắc nghiệt và sâu bệnh hại, tạo sản phẩm chất lượng cao, đồng đều," Tiến sỹ Phan Việt Hà nhấn mạnh.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xem xét xây dựng, ban hành Quy chuẩn quốc gia về sầu riêng. Việc xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác và tiêu chuẩn thu hoạch là vấn đề cấp thiết. Ngành hàng sầu riêng cần phải chuẩn hóa quy trình từ khâu đầu vào, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến quy trình chăm sóc và khâu thu hoạch, sau thu hoạch.

ttxvn_thu hoach sau rieng 2.jpg
Nông dân thu hoạch sầu riêng năm 2024. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Về vấn đề này, theo chia sẻ của Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Hâu, phải nhìn nhận thực tế, hiện nay, tất cả các con đường của trái sầu riêng đều đi đến Trung Quốc.

Để đảm bảo sầu riêng xuất bán đạt chuẩn, Thái Lan đã xây dựng chương trình giám sát chất lượng đặc biệt, áp dụng quy trình canh tác chặt chẽ, tăng yêu cầu chất lượng bằng cách quy định quả sầu riêng thu hoạch phải đạt 32% chất khô. Thậm chí, Thái Lan còn phạt tù những người mà thu hoạch sầu riêng kém chất lượng.

Do đó, trong bối cảnh cạnh tranh tương đối khốc liệt, Việt Nam phải xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác từng nơi, xây dựng tiêu chuẩn ngành hàng, trong đó vai trò của nhà nước để quản lý chất lượng sầu riêng và xây dựng thương hiệu là cực kỳ quan trọng.

Về góc độ của địa phương, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Hà, trong phát triển ngành hàng sầu riêng, tỉnh xác định chất lượng sản phẩm và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là quan trọng nhất.

Tỉnh đang xây dựng Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng, bơ đến năm 2030; trong đó, tỉnh xác định, hình thành những vùng sản xuất sầu riêng tập trung, chuyên canh cao. Nông dân liên kết với nhau, tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, kết nối doanh nghiệp và sản xuất theo một quy trình, tiêu chuẩn, tự kiểm soát lẫn nhau; đồng thời kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào để đảm bảo sản phẩm đầu ra.

Tỉnh Đắk Lắk đang có nhiều lợi thế trong phát triển ngành hàng sầu riêng như: đất đai, thổ nhưỡng phù hợp; nông dân sáng tạo trong canh tác; mùa vụ thu hoạch ít bị cạnh tranh về đầu ra, ngành hàng đang có doanh thu cao... Do đó, việc cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm cùng với tuân thủ yêu cầu nghiêm ngặt của nước nhập khẩu là yêu cầu bắt buộc, đòi hỏi các bên phải triển khai ngay để đảm bảo chất lượng từ mùa vụ sau, góp phần thúc đẩy xuất khẩu và đảm bảo tính bền vững cho ngành hàng./.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giữ uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt: Gỡ 'điểm nghẽn' về chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO