Ám ảnh, suy kiệt vì cố kiếm "đích tử"
Ngày chồng dọn ra khỏi nhà, chị Thúy Ngân, 37 tuổi, ở Hà Nội, đổ dòng trạng thái chát đắng trên trang cá nhân "Đẻ con gái cũng là một cái tội sao?".
Sau khi sinh hai cô con gái, cuộc hôn nhân của chị Ngân trở nên nặng nề. Chồng chị có học vị tiến sĩ, đang là Phó giám đốc tại một tập đoàn giáo dục, mang nặng tư tưởng nhất định phải có con trai nối dõi.
Chị Nga kể, ngày biết mình mang bầu bé thứ 2 là con gái, chị khóc luôn trên bàn khám thai. Chiều hôm đó, chồng chị hất cả mâm cơm rồi buông đủ lời đay nghiến, dè bỉu. Lần sinh nở thứ hai, bên nội không một ai ngó ngàng.
Nhà chồng chị trọng nam khinh nữ đến độ đàn ông không động vào bất cứ việc nhà nào. Từ khi cưới vợ, chồng chị buông đũa xong là đứng dậy, đưa chân hất cái ghế ra, lại lăn kềnh ra sofa. Chị nhờ chồng xách giúp nồi cơm anh cũng khinh khỉnh bước đi.
Bề ngoài, ông bố vẫn cưng hai cô con gái nhưng bất mãn về việc không có con trai luôn thể hiện ra mặt. Anh chê vợ không biết đẻ, so sánh với vợ người này người kia đẻ toàn trai để giày vò vợ.
Anh nói, sinh toàn gái thì vợ chồng chẳng cần phải làm lụng gì nhiều vì tài sản sau này cũng chẳng có người... thừa kế. Chị Ngân cũng phải đối mặt với áp lực khi gia đình chồng suốt ngày nhắc phải đẻ con trai. Thậm chí, gọi điện hay gửi đồ ăn sang, mẹ chồng luôn đính kèm câu "Nhớ bồi bổ để kiếm thằng cu".
Chồng chị mang tiếng trí thức, làm ra tiền nhưng trong nhà mọi việc đều một tay chị Ngân lo. Anh không góp tiền để nuôi con mà gửi hết về cho bố mẹ với tuyên bố "đẻ con gái thì cô tự nuôi". Mỗi khi vợ chồng cãi nhau vì tiền bạc, vị tiến sĩ vẻ ngoài lịch lãm trợn mắt: "Cô đẻ con trai đi rồi tôi nuôi".
Được hai cô con gái xinh đẹp, giỏi giang nhưng mỗi lần chị khoe con, anh đều bĩu môi đúng kiểu xem thường phụ nữ. Quan hệ vợ chồng ngày càng căng thẳng.
Người quen biết chuyện đều khuyên chị "bỏ đi cho khỏe thân". Nhưng khổ nỗi, chị Ngân thừa nhận mình vẫn có tình cảm với chồng, không dám nghĩ đến cảnh sống thiếu anh. Hơn nữa, trong thâm tâm, chị cũng tự trách mình không đẻ được con trai, không tròn vai làm vợ, làm dâu. Bạn bè sinh con trai, chị luôn xuýt xoa: "Sướng rồi, được chồng cưng!" và không khỏi tủi phận.
Gia đình chồng cả bố mẹ, mấy anh chị em có trình độ nhưng công khai ủng hộ con trai "đi tìm người biết đẻ". Hai cháu gái xinh đẹp, giỏi giang nhưng cũng chỉ để... cho vui.
Dù áp lực về kinh tế, sức khỏe tinh thần yếu nhưng khi đó chị Ngân quyết sinh thêm con, cố kiếm một bé trai như một hy vọng để níu kéo chồng. Trong hai năm, chị 3 lần bước lên bàn phá thai vì mang bầu nhưng tiếp tục là con gái. Lần thứ 3 do siêu âm không rõ, khi cái thai đến tháng thứ 6 mới bỏ, không khác nào trải qua một lần sinh nở.
Kế hoạch cố kiếm con trai không thành, chồng chị đã đến sống cùng một người phụ nữ khác trước khi ly hôn chính thức. Giờ đây, một mình chị lo cho hai con. Ngoài công việc kế toán, tối về, người mẹ còn nhận sửa quần áo cũ để kiếm thêm đồng ra đồng vào.
"Tôi sống trong nỗi ám ảnh tâm lý, suy kiệt tinh thần vì mình đã 3 lần bỏ con. Mỗi tối, nhìn hai con ngủ, tôi lại bật khóc nghĩ đến những sinh mệnh đã bị chính mẹ tước bỏ sự sống", chị dằn vặt.
Vòng luẩn quẩn
Phá thai, thậm chí phá thai nhiều lần vì lựa chọn giới tính không phải là câu chuyện riêng của chị Ngân. Rất nhiều người phụ nữ bước lên bàn phá thai sau khi biết em bé trong bụng là nữ, họ làm mọi cách để sinh bằng được một cậu con trai.
Một nghiên cứu về vấn nạn phá thai của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội chỉ ra, nhiều phụ nữ phá thai là những người có 2 con gái trở lên. Điều đáng lưu ý là họ thường phá thai khi tuổi thai đã lớn, khi đã biết giới tính thai nhi.
Và dù pháp luật nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức nhưng trên thực tế, tình trạng phá thai nhi nữ vẫn là một vấn nạn nhức nhối. Đây là hành vi bạo lực giới để lại hậu quả trên thể chất và tinh thần người phụ nữ.
Báo cáo Dân số thế giới năm 2020 cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.800 bé gái mất cơ hội chào đời, xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Theo Tổng cục dân số, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam năm 2022 ở được đánh giá là nghiêm trọng khi có khoảng 113,7 trẻ trai/100 bé gái. Ở nhiều địa phương, chênh lệch giới tính khi sinh còn cao hơn, như Sơn La 117 bé trai/100 bé gái, Nghệ An là 116,6 bé trai/100 bé gái...
Trước mức chênh lệch giới tính khi sinh ngày càng cao, Tổng cục Thống kê dự báo, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034. Riêng năm 2019, cả nước bị thiếu hụt 45.900 bé gái.
Nhiều bé gái là nạn nhân của tình trạng bất bình đẳng giới. Khi lập gia đình, người phụ nữ tiếp tục phải đối mắt với áp lực này. Sống trong môi trường trọng nam khinh nữ, nhiều phụ nữ kỳ thị chính giới tính của mình, cay nghiệt với con gái, cưng chiều con trai.
Sống trong gia đình có tư tưởng trọng nam khinh nữ, chị S.L, ở Vũng Tàu, cho biết, trong vô thức, mẹ chị luôn thể hiện việc yêu quý con trai út hơn con gái. Đôi lúc chị cũng rơi nước mắt tủi thân nhưng khi hiểu lý do, chị thương xót mẹ nhiều hơn.
Khi chưa sinh con trai, bên nội áp lực lên mẹ đến mức bà như rơi vào trầm cảm. Chỉ đến khi mẹ sinh em trai út thì vị thế và tiếng nói của bà mới tăng lên. Vậy nên, như một cách tự nhiên, mẹ coi con trai như tấm vé đảm bảo cuộc sống yên ổn.
Qua câu chuyện của mẹ mình, chị hiểu hơn nghịch lý qua bao thế hệ, chính phụ nữ cũng là người duy trì tư tưởng trọng nam khinh nữ. Bản thân chị lập gia đình, bố mẹ chồng muốn có cháu trai thì mẹ ruột chị cũng khuyên con cố gắng tính toán sinh cho được con trai để được coi trọng hơn.
Chị thương mẹ, thương những bé gái, thương những người phụ nữ phải sống trong vòng tròn tư tưởng cổ hủ. Dù còn rất nhiều áp lực lên vai người phụ nữ, nhưng theo chị L., thời đại bây giờ đã khác, tư tưởng "có con trai nối dõi" là lệch lạc. Mỗi người phụ nữ cần mạnh mẽ đấu tranh dẹp bỏ những tư tưởng lạc hậu để bảo vệ chính mình.
Theo Dân trí