Nướng đá là một cách nướng có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo đó, món ăn được nướng trên một lớp đá sỏi, bên dưới sử dụng bếp điện để tạo nhiệt cho những viên sỏi ở trên. Theo lời của người bán hàng thì việc nướng trên đá (sỏi) như vậy sẽ tốt hơn cho sức khỏe so với nướng bằng than hay ga.
Thế nhưng, không ít người cũng lo lắng về chuyện món ăn này chứa nhiều chất béo không kém các món chiên, rán khác.
Lạp xưởng nướng đá đang là món ăn khiến giới trẻ rần rần.
WHO liệt vào nhóm gây ung thư, không nên quá lạm dụng kẻo "rước bệnh"
Theo thông tin từ Tiền Phong, TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lạp xưởng là loại thực phẩm cho giá trị dinh dưỡng cao. Trong 100g lạp xưởng có tới 20,8g protid, 55g lipid, 52mg can xi cùng nhiều dưỡng chất quan trọng khác.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Lâm cũng khuyến cáo không nên sử dụng loại thực phẩm này thường xuyên vì trong quá trình chế biến lạp xưởng từ thịt, nhà sản xuất phải cho vào một lượng sôdium-nitrat- chất chống thối, để giữ cho lạp xưởng được tươi ngon lâu hơn.
Chất này dễ dàng kết hợp với amin trong chất albumin có trong thịt hình thành nên một chất có hại cho cơ thể.
Để lạp xưởng có màu đỏ đẹp và bảo quản lâu, người sản xuất cũng phải dùng thêm các phụ gia tạo màu, tạo mùi, chống nấm mốc. Nếu nhà sản xuất sử dụng các loại phụ gia không nằm trong danh mục cho phép thì có thể nguy hiểm cho sức khỏe, không những tức thì mà còn về lâu dài.
Trong quá trình chế biến, các lò lạp xưởng thủ công thường dùng ánh nắng để làm khô, nếu không che chắn tốt lạp xưởng có thể bị bám bụi, khói, nhiễm vi khuẩn, trứng giun sán. Trong quá trình bảo quản tại gia đình nếu để lạp xưởng bị ẩm mốc cũng có thể gây ngộ độc.
Là món ăn thơm ngon, lạ miệng nhưng lạp xưởng tiềm ẩn nhiều vi khuẩn gây bệnh.
Ngoài ra, dẫn tin từ Tạp chí Phụ Nữ Mới, từ lâu, các món thịt chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng... đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách Nhóm 1 các tác nhân gây ung thư.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), một bộ phận của WHO đánh giá chỉ ăn 50 gam thịt chế biến mỗi ngày cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư lên 18%.
WHO định nghĩa rằng, thịt chế biến sẵn là các loại thịt đã bị biến đổi thông qua quá trình ướp muối, sấy khô, lên men, xông khói, hoặc các quá trình xử lý khác để tăng hương vị thịt hoặc để bảo quản được lâu hơn.
Một số loại thịt chế biến được nhiều người sử dụng là: Thịt nguội, xúc xích, lạp xưởng, thịt bò muối, thịt thú khô hoặc thịt bò khô, thịt đóng hộp, các loại nguyên vật liệu chế biến (chế phẩm) và nước sốt từ thịt.
Nguyên nhân khiến thịt chế biến sẵn tiềm ẩn nguy cơ ung thư là bởi chúng chứa nhiều chất phụ gia, có thể chứa các hóa chất hình thành trong quá trình chế biến hoặc nấu thịt, ví dụ như hợp chất N-nitroso và hydrocarbon thơm đa vòng, gây tổn thương ADN, phát triển ung thư.
Lạp xưởng là món ăn nằm trong nhóm thực phẩm gây ung thư được WHO cảnh báo.
Ăn lạp xưởng thế nào để đảm bảo sức khỏe?
Để an toàn cho sức khỏe, trả lời trên VnExpress, thạc sĩ Đào Thị Yến Phi, trưởng bộ môn Dinh dưỡng - an toàn thực phẩm, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM khuyên người tiêu dùng khi chọn mua lạp xưởng nên chọn loại đảm bảo vệ sinh như sản phẩm của các công ty lớn, có uy tín, có đăng ký chất lượng sản phẩm, thông tin sản phẩm được ghi rõ trên bao bì, được đóng gói cẩn thận, hút chân không để ngăn chặn nấm mốc và vi khuẩn.
Bác sĩ cũng khuyên không ăn quá nhiều lạp xưởng. Lượng đạm trong khẩu phần hàng ngày nếu ăn vào khoảng 150 g, và đã ăn 3 cây lạp xưởng thì ngày hôm đó không ăn thêm các thức ăn giàu đạm như cá, thịt, trứng...
Giảm bớt lượng chất béo no từ các món ăn khác (thức ăn chiên quay, các loại nhiều da, mỡ, phủ tạng động vật, bơ, margarine, shortening...) trong bữa ăn có lạp xưởng.
Bà nội trợ nên bảo quản lạp xưởng tại gia đình trong môi trường khô ráo, mát, tốt nhất là cho vào ngăn mát tủ lạnh, rửa sạch trước khi chế biến. Cuối cùng là áp dụng các phương pháp chế biến không thêm dầu mỡ như hấp, nướng, bỏ lò... thay vì chiên.
Theo Gia Đình Việt Nam