Politico dẫn lời một quan chức giấu tên của Lầu Năm Góc và 2 nguồn thạo tin khác ngày 28/1 cho biết, nội bộ Lầu Năm Góc (Bộ Quốc phòng Mỹ) đang có một chiến dịch vận động viện trợ máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.
Chiến dịch này đang thu hút ngày càng nhiều người ủng hộ, đặc biệt sau khi chính phủ của Tổng thống Joe Biden quyết định cấp xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams và hệ thống phòng không cho Kiev.
"Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ không phản đối (ý tưởng cấp F-16 cho Ukraine)", một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, song nhấn mạnh giới chức quân sự nước này vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Một nguồn tin của Politico nói rằng, Mỹ có thể mất vài tuần để đưa ra quyết định có viện trợ trực tiếp hoặc cho phép bên thứ ba tái xuất F-16 cho Ukraine hay không. Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ Lockheed Martin đã phát tín hiệu sẵn sàng thúc đẩy sản xuất F-16 cho bất kỳ quốc gia Liên minh châu Âu (EU) nào muốn cung cấp chiến đấu cơ này cho Ukraine.
Tuần trước, Mỹ cam kết cung cấp 31xe tăng M1 Abrams trong khi Đức tuyên bố sẽ chuyển 14 xe tăng Leopard 2 đến Ukraine sau một thời gian dài do dự. Một số nước phương Tây cũng thông báo kế hoạch viện trợ. Theo giới chức Ukraine, tổng cộng các nước cam kết gửi 321 xe tăng.
Tuy nhiên, ngoài xe tăng, Ukraine cũng kêu gọi phương Tây hỗ trợ máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa. Hiện chưa có nước nào viện trợ chiến đấu cơ cho Ukraine, song giới quan sát tin rằng trong thời gian tới, phương Tây có thể đáp ứng đề nghị này của Kiev.
Cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, hôm qua cho hay Kiev và các đồng minh đang "tiến hành các cuộc đàm phán cấp tốc" để thảo luận về khả năng cung cấp tên lửa tầm xa cho nước này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, cần tên lửa tầm xa, như tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất, có tầm bắn 297km. Washington đến nay vẫn từ chối cung cấp vũ khí.