Kết thúc chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhận được cam kết rằng Mỹ sẽ viện trợ thêm hàng tỷ USD cho Kiev. Tuy nhiên đây vẫn chưa phải là những gì ông mong muốn nhất. Washington vẫn do dự trong việc gửi xe tăng, máy bay chiến đấu và tên lửa chính xác tầm xa cho Kiev.
Mỹ nhiều lần nhấn mạnh, có những loại vũ khí Washington sẽ không gửi cho Ukraine để chống lại Nga. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài 10 tháng, giới hạn hỗ trợ của Mỹ đã thay đổi theo hướng có lợi hơn cho Ukraine.
Mặc dù ông Zelensky không có được tất cả mọi thứ trong danh sách mong muốn, nhưng Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 22/12 nói rằng, Washington cam kết cung cấp các thiết bị mà Kiev cần. Ông Kirby từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
“Bất kỳ tổng thống nào, bất kỳ tổng tư lệnh nào ở trong hoàn cảnh tương tự đều muốn nhận được nhiều nhất có thể, nhanh nhất có thể. Chúng tôi cam kết thực hiện phần việc của mình và giúp đỡ trong vấn đề này”, ông Kirby nói.
Ông Kirby cho biết thêm, trong cuộc gặp ngày 21/12 tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden và Tổng thống Zelensky không tập trung quá nhiều vào danh sách yêu cầu của Kiev mà thảo luận sâu rộng hơn về tình hình ở Ukraine hiện nay cũng như trong thời gian tới.
“Chắc chắn sẽ có viện trợ bổ sung cho Ukraine. Tuy nhiên, việc viện trợ những gì và viện trợ bao nhiêu vẫn chưa được xác định”, ông Kirby nói.
Đánh giá của Mỹ về xung đột Nga-Ukraine đang thay đổi?
Chuyến đi của ông Zelensky cho thấy chiến lược của Ukraine trong việc lôi kéo và gây sức ép với các đồng minh. Ông đánh giá cao sự hỗ trợ của Mỹ dù biết sẽ không có được tất cả những gì mình muốn. Tuy nhiên, ông tin rằng việc liên tục đưa ra yêu cầu, cùng với những thay đổi trên chiến trường sẽ khiến Washington phải đánh giá lại về những loại vũ khí có thể viện trợ cho Ukraine mà không dẫn đến nguy cơ leo thang nguy hiểm với Nga.
Các quan chức Ukraine đã công bố bản danh sách những thứ họ cần suốt nhiều tháng. Gần đây nhất, cố vấn của Tổng thống Zelensky, ông Mykhailo Podolyak đã đăng tải danh sách tương tự có tên “Mong ước Giáng sinh của tôi” trên Twitter.
Ông Biden đã phê chuẩn một hạng mục trong danh sách đó: hệ thống phòng không Patriot. Tuy nhiên Washington từ chối cung cấp hoặc giúp cung cấp 4 hạng mục khác, bao gồm cả xe tăng chiến đấu và tên lửa tầm xa.
Ở một số khía cạnh, mức độ chấp nhận rủi ro của chính quyền Biden đã tăng lên khi xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn. Một số hệ thống vũ khí ban đầu bị loại khỏi dánh sách viện trợ cho Ukraine như pháo phản lực HIMARS và hệ thống phòng không Patriot. Tuy nhiên sau đó, các hệ thống này đã được phê duyệt và triển khai ở Ukraine, hoặc chuẩn bị được đưa tới Ukraine.
Một số quan chức Mỹ cho rằng, thực tế, bản chất của cuộc xung đột đã thay đổi chứ không phải mức độ chấp nhận rủi ro của Nhà Trắng đã thay đổi. Ukraine có nhu cầu lớn hơn về hệ thống HIMARS khi cuộc xung đột trở thành trận chiến của pháo binh và các sở chỉ huy của Nga rút khỏi tiền tuyến. Chính quyền ông Biden đã cân nhắc việc gửi hệ thống Patriot khi Nga liên tục tấn công bằng tên lửa và UAV vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.
Cả HIMARS và Patriot đều đòi hỏi phải có các nhóm được huấn luyện để vận hành chúng. Do đó, Ukraine phải đánh đổi bằng cách rút một số binh sỹ dày dặn kinh nghiệm khỏi tiền tuyến để đưa họ tham gia các khóa huấn luyện. Mỹ sẽ chỉ cung cấp các hệ thống đó một khi họ chắc chắn rằng chúng có thể tạo ra sự khác biệt thực sự.
Giới hạn của Mỹ
Theo giới chức Mỹ, các loại vũ khí mà Mỹ sẽ không viện trợ cho Ukraine hiện nay được chia thành 3 nhóm cơ bản.
Nhóm thứ nhất bao gồm các vũ khí tầm xa như tên lửa ATACMS có tầm bắn khoảng 305km. Chính quyền Tổng thống Biden lo ngại rằng nếu Ukraine rơi vào tình thế tồi tệ, họ có thể sử dụng tên lửa này để tấn công các mục tiêu ở Nga, khiến cuộc chiến leo thang và lan rộng.
Khi được hỏi về tên lửa tại cuộc họp báo chung với ông Zelensky hôm 21/12, ông Biden cảnh báo rằng việc gửi ATACMS có thể phá vỡ sự thống nhất của NATO trong việc ủng hộ Ukraine.
“Họ không muốn gây chiến với Nga. Họ không tìm kiếm một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”, ông Biden nói.
Loại thứ hai bao gồm các loại vũ khí như máy bay không người lái (UAV) MQ-1C Grey Eagle và MQ-9 Reaper. Những người ủng hộ cho rằng, các UAV này sẽ cho phép Ukraine tấn công nhiều mục tiêu hơn hoặc giúp phát hiện mục tiêu cho các cuộc tấn công khác của Kiev. Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc bày tỏ lo ngại, nếu những chiếc UAV đó bị bắn hạ hoặc gặp sự cố, Nga có thể thu được và khai thác công nghệ tiên tiến của chúng.
Loại thứ ba bao gồm các vũ khí như xe tăng chiến đấu Abrams và máy bay chiến đấu F-16, nằm trong số các vũ khí tiên tiến nhất trong kho của Mỹ. Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết Ukraine đã có đủ xe tăng và máy bay chiến đấu từ các nước khác. Quan trọng hơn, phải mất vài tháng để binh dyc Ukraine học cách sử dụng các hệ thống của Mỹ, trong khi yêu cầu bảo trì phức tạp và thường do các nhà thầu dân sự thực hiện. Họ có thể sẽ không an toàn nếu hoạt động ở Ukraine.
“Đây là những lựa chọn khó khăn,” Hạ nghị sỹ đảng Dân chủ Jason Crow, người phục vụ trong cả ủy ban tình báo và ủy ban quân vụ Hạ viện, cho biết. Ông Crow ủng hộ việc gửi ATACMS và F-16, nhưng không ủng hộ việc gửi xe tăng chiến đấu cho Ukraine.
Nghị sĩ Christopher Murphy (đảng Đảng Dân), thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cho biết, Ukraine cần thêm những loại đạn dược mà Mỹ không thể dễ dàng cung cấp.
“Đơn giản là chúng tôi không có đủ nguồn dự trữ để cung cấp cho họ. Chúng tôi cũng không chế tạo được các loại đạn mà phần lớn thiết bị của họ khai hỏa”, ông Murphy nói.
Ông Murphy cũng thừa, với một Quốc hội bị chia rẽ - đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng tới, trong khi đảng Dân chủ sẽ giữ thế đa số tại Thượng viện - việc hỗ trợ Ukraine có thể khó khăn hơn.
Thăm dò thái độ của Nga
Với mỗi yêu cầu mới từ Ukraine, Mỹ đều tìm cách thăm dò thái độ của Nga dựa trên các bình luận của Điện Kremlin và nhìn lại cách Nga đã phản ứng như thế nào trong quá khứ khi Mỹ hỗ trợ các đồng minh và đối tác ở châu Âu.
Yếu tố quan trọng nhất tác động đến quyết định của Mỹ trong việc nên cung cấp hệ thống vũ khí nào cho Ukraine chính là sự kiềm chế của Nga khi không để cuộc xung đột lan rộng.
Nga liên tục tập kích tên lửa vào Ukraine trong hơn 2 tháng qua, nhưng cho đến nay Moscow vẫn chưa để cuộc xung đột lan sang lãnh thổ NATO. Các quan chức Mỹ cũng khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy Nga muốn mở rộng các cuộc tấn công ra ngoài lãnh thổ Ukraine.
Việc ông Putin không muốn xung đột trực tiếp với NATO là yếu tố quan trọng để liên minh này quyết định cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine ở mức độ nào. Những tính toán của họ cần phải thận trọng để không trở thành lý do khiến Nga mở rộng cuộc xung đột./.