Duy trì sự tỉnh táo
Suốt một tháng nay, để giúp tinh thần tỉnh táo trong đợt ôn tập cho kỳ thi cuối học kỳ, Nguyễn Thị Cẩm Tú (sinh viên năm 3, trường ĐH Công Nghiệp TP.HCM) thường xuyên sử dụng cà phê.
Bởi, ngoài lên giảng đường, cô bạn còn tham gia hoạt động của các CLB và làm thêm nên thời gian ôn luyện của Tú chủ yếu vào đêm muộn.
Để tránh buồn ngủ và tăng sự tập trung, cô bạn uống 2 - 3 ly cà phê mỗi tối. “Phải uống 2 - 3 ly thì mình mới thấy tỉnh táo được, chỉ một ly thôi thì không đủ”, Tú nói.
Không chỉ sử dụng vào buổi tối trong lúc ôn tập, cô bạn còn sử dụng cà phê mỗi buổi sáng khi đến trường, đồng thời, pha cà phê vào bình giữ nhiệt để mang đi làm. “Có thể là vì quen rồi nên ngay cả lúc đi chơi, tụ tập với bạn bè mình cũng gọi cà phê. Hiện tại, một ngày không uống cà phê là mình thấy thiếu thốn, bồn chồn, không chịu được”, Cẩm Tú nói thêm.
Do tính chất công việc phải tiếp xúc với nhiều loại giấy tờ và hồ sơ, chị Nguyễn Thanh Mỹ (24 tuổi, nhân viên văn thư – lưu trữ) có thói quen uống nhiều cà phê mỗi ngày để duy trì tinh thần sảng khoái và năng suất cho công việc. “Có hôm mình uống đến 4 ly chỉ trong hai buổi sáng, trưa. Tại vì tối thức quá khuya, không uống cà phê thì mình tài nào tỉnh táo nổi, mắt nhắm mắt mở mà làm việc với nhiều giấy tờ thì dễ bị sai sót lắm. Với cả trong công ty luôn có sẵn nên rất tiện”, chị kể.
Cũng theo Mỹ, chị bắt đầu uống cà phê từ khi còn là sinh viên, do áp lực học tập, thi cử thường phải thức khuya để học bài và làm báo cáo nên cần cà phê để không bị buồn ngủ. Chị Mỹ nói rằng, chị cực kỳ yêu thích thích mùi vị của cà phê và không nghĩ uống nhiều cà phê có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. "Hiện tại, mình không có vấn đề gì về sức khỏe", Mỹ khẳng định.
Tương tự, Phạm Như Ngọc (sinh viên năm 4, trường ĐH FPT TP.HCM) cũng lựa chọn cà phê làm thức uống “ruột” trong nhiều năm nay. Ngọc cho hay, do thường xuyên phải thức khuya dậy sớm nên cô bạn luôn tình trạng thiếu ngủ. Để học tập và công việc đạt hiệu quả cao, Ngọc không bỏ đồ uống này một ngày nào.
“Lúc nào mình cũng trữ sẵn cà phê gói để ở nhà để tiện sử dụng. Sáng sớm mình sẽ uống một ly rồi mới đến lớp để tránh trường hợp đang chạy xe mà buồn ngủ. Trước các buổi học, mình luôn mua một ly cà phê hoặc cà phê lon để tiếp sức, không có cà phê là mình gục xuống bàn liền”, Ngọc cho hay.
Dù biết uống nhiều sẽ tổn hại đến sức khỏe nhưng cô bạn vẫn không có ý định dừng lại. Bởi vì đây là cách mà cô bạn cho là khả thi nhất để duy trì trạng thái tỉnh táo. Bên cạnh đó, Ngọc cũng chưa tìm được thức uống nào để thay thế.
“Mình không có ý định sẽ dừng uống cà phê vì vẫn đang thấy được những hiệu quả mà nó mang lại. Ngày nào không uống cà phê thì mình cứ gật gà gật gù mãi, tâm trạng cũng không tốt, dễ cáu gắt lắm”, Ngọc chia sẻ.
Ảnh hưởng đến sức khỏe
Ngày nay, cà phê là thức uống phổ biến và được nhiều người yêu thích, đặc biệt là giới làm việc văn phòng và sinh viên.
Theo ThS.BS Bùi Quang Đi, hiện đang công tác tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, uống cafe có tác dụng giúp thức tỉnh não, khiến con người tỉnh táo, nếu tiêu thụ ở mức vừa phải sẽ an toàn cho sức khỏe và mang lại một số ích lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ gây hại, thậm chí dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng.
BS Đi cho biết, ở dạng tự nhiên, cà phê có chứa một số thành phần hóa học như caffeine và chất chống oxy hóa như: polyphenol, catechin và flavonoid. Khi uống cà phê, caffeine được hấp thu nhanh chóng trong đường tiêu hóa và đến gan. Tại đây, caffeine sẽ trải qua quá trình khử methyl ở gan thông qua enzyme cytochrome P450 1A2 (CYP1A2), sau khi chuyển hóa sẽ vào máu sẽ tác dụng đến toàn cơ thể trên hệ thống thần kinh tâm thần, tim mạch, nội tiết và tiêu hóa.
Một trong những tác hại rõ rệt nhất của việc uống quá nhiều cà phê là gây mất ngủ. Cà phê chứa caffeine, một chất kích thích hệ thần kinh trung ương, làm giảm sự buồn ngủ và tăng sự tỉnh táo. Tuy nhiên, caffeine có thời gian bán hủy kéo dài 9 giờ, nghĩa là nếu uống cà phê vào buổi chiều hoặc tối sẽ khó ngủ vào ban đêm.
Mất ngủ không chỉ làm giảm năng suất làm việc, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Việc uống nhiều caffeine có liên quan đến một loạt các triệu chứng và rối loạn tâm thần, lượng caffeine cấp tính có liên quan đến lo lắng, căng thẳng, cáu kỉnh.
Bên cạnh đó, việc hấp thụ quá nhiều caffeine có trong cà phê có thể gây ra các vấn đề về tim mạch. Caffeine kích hoạt hệ thống giao cảm, có thể làm tăng huyết áp, mạch đập nhanh. Điều này làm tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ và nhồi máu cơ tim, đặc biệt là ở những người có tiền sử bệnh tim hoặc huyết áp cao. Tiêu thụ nhiều cà phê có thể gây ra các biến cố mạch vành và rối loạn nhịp tim ở những người nhạy cảm.
Việc thường xuyên uống cà phê, đặc biệt uống cà phê khi bụng đói sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Cà phê chứa một số hợp chất kích thích các tế bào trong dạ dày tăng tiết axit. Uống cà phê nhiều và liên tục có thể dẫn tới các bệnh như: viêm, loét dạ dày. Khi bị tiêu chảy, uống caffeine dẫn đến tình trạng nặng hơn.
Thêm vào đó, uống quá nhiều caffeine còn làm tăng lượng mỡ trong máu, đặc biệt là cà phê chưa được xử lý qua giấy lọc, do có chất Cafestol làm tăng LDL- C trong huyết tương và giảm HDL-C.
Ngoài ra, cà phê có thể làm giảm sự hấp thụ Alendronate, nếu uống quá nhiều cà phê, hoặc đồ uống chứa caffeine trong một ngày, rất có thể làm tăng nguy cơ suy yếu xương, cản trở sự hấp thu vitamin D trong cơ thể. Bên cạnh đó, cũng có thể làm giảm mật độ xương gây nguy cơ gãy xương ở phụ nữ, nhất là người có canxi máu thấp. Điều này còn làm tăng nguy cơ bị loãng xương và đau xương khớp.
Để cà phê không gây hại cho sức khỏe, BS Đi khuyên: “Thời gian bán thải của caffeine bình thường thời gian bán hủy trung bình 7-9 giờ. Mức độ an toàn đối với hầu hết người lớn là tiêu thụ 400 mg caffeine mỗi ngày. Một đánh giá có hệ thống cho thấy rằng việc tiêu thụ 2,5 mg caffeine/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày không liên quan đến các tác dụng phụ".
BS cho biết thêm, caffeine còn có trong nước uống như nước ngọt, trà, nước tăng lực, đồ ăn từ chocolate,... Do đó, thanh thiếu niên cần phải thận trọng về việc sử dụng nước tăng lực có chứa caffeine quá mức và không trộn chung với các chất khác.
Người mắc các bệnh như trầm cảm , rối loạn lo âu, viêm loét dạ dày tá tràng, bệnh trào ngược, hội chứng ruột kích thích, tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cơ tim… không nên sử dụng cà phê hay các loại thức uống, đồ ăn có chứa caffeine.