'Giết con chim nhại' và số phận trái chiều của tác phẩm được bán hơn 40 triệu bản

An Nhiên (Tổng hợp)| 14/07/2022 10:30

“Giết con chim nhại” của nhà văn Harper Lee từ khi được phát hành vào năm 1960 đến nay đã bán được hơn 40 triệu bản, lọt Top 100 Tiểu thuyết hay nhất thế kỳ 20, giành được nhiều giải thưởng danh giá nhưng lại có những ý kiến trái chiều.

Giết con chim nhại (To Kill A Mockingbird) của nhà văn Harper Lee được xuất bản vào ngày 14/7/1960. Sau 22 năm, Harper Lee đã qua đời nhưng tác phẩm của bà vẫn rất ăn khách.

Alix Wilber ca ngợi: “Vừa dí dỏm vừa hiền minh vừa đau đớn xé lòng, Giết con chim nhại là một tác phẩm kinh điển sẽ mãi còn nói nhiều điều với thế hệ sau và xứng đáng được đọc đi đọc lại”.

gcnn-vb2.jpeg
Tác phẩm Giết con chim nhại được yêu thích ở Việt Nam

Giết con chim nhại qua cách nhìn non nớt, vụng dại nhưng cũng rất đỗi văn minh của cô bé Scout kể về cha mình, luật sư Atticus Finch nhận nhiệm vụ bào chữa cho một người làm công da đen Tom Robinson bị buộc tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng. Vì vụ kiện này, gia đình Atticus Finch bị cả thị trấn những người da trắng phỉ báng, khinh rẻ và thậm chí còn đe doạ tính mạng của cả nhà Atticus Finch.

Một tác phẩm lừng danh…

Giết con chim nhại được xuất bản năm 1960. Một năm sau, tác phẩm nhận được giải thưởng Pulitzer (một giải thưởng lớn của Mỹ, chủ yếu trong lĩnh vực báo chí và văn học). Và sau đó, tiểu thuyết được đánh giá là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ hiện đại, được đưa vào giảng dạy ở các trường trung học, đại học của Mỹ (hơn 70% số trường ở Mỹ). Nhiều quốc gia khác cũng đưa tác phẩm vào chương trình dạy tiếng Anh như một sinh ngữ. Tác phẩm cũng được dịch ra hơn 40 thứ tiếng.

gccn-vb13-1-.jpg
Nhà văn Harper Lee lúc sinh thời

Năm 1962, tác phẩm được Horton Foote chuyển thành phim cùng tên, do Robert Mulligan đạo diễn. Thành công của phim được ghi nhận khi lọt vào đề cử Oscar, giành được giải thưởng Kịch bản hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Ngoài ra, tác phẩm còn được dựng thành kịch trên sân khấu Broadway.

Tổng thống George W.Bush tặng nhà văn Harper Lee Huân chương Tự do vào năm 2007. Đây là giải thưởng dân sự cao nhất ở Hoa Kỳ, công nhận những cá nhân đã có “đóng góp đặc biệt xứng đáng cho an ninh hoặc lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, hòa bình thế giới, văn hóa hoặc những nỗ lực công cộng hoặc tư nhân quan trọng khác”.

gccn-vb9.jpg
Tác phẩm được dựng thành phim...
gccn-vb7.jpg
... và kịch

Cựu tổng thống Bush nhận xét về tác phẩm: "Câu chuyện về một trật tự cũ, nhưng sớm muộn gì cũng bị chủ nghĩa nhân văn xóa bỏ, đã được kể một cách hấp dẫn, không thể quên nổi trong cuốn sách của bà Harper Lee".

Theo ông, tác phẩm là một "món quà dành tặng cho cả thế giới", và "có tác động khiến nước Mỹ biến chuyển theo chiều hướng tốt hơn".

Chưa hết, tổng thống Barack Obama tiếp tục trao Huân chương Nghệ thuật Quốc gia cho Harper Lee vào năm 2010, công nhận sức ảnh hưởng của bà trên nền văn học nghệ thuật Mỹ.

Năm 1991, Mỹ làm một cuộc khảo sát những “quyển sách làm thay đổi cuộc sống”, ngoài các tác phẩm của đại thi hào William Shakespeare và Mark Twain, Giết con chim nhại của Harper Lee cũng góp mặt. Tác phẩm tiếp tục được độc giả bình chọn là Tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 trong một cuộc thăm dò của tờ Literary Journal tổ chức vào năm 1999 hay những cuộc bình chọn khác.

gccn-vb16.jpg
Tổng thống George W.Bush tặng nhà văn Harper Lee huân chương

Năm 2006, trong Ngày sách thế giới, tác phẩm lại được độc giả bình chọn là Top 1“quyển sách nên đọc trước khi chết”, sau đó mới đến Kinh Thánh Chúa tể những chiếc nhẫn. Từ khi ra đời đến nay, tác phẩm được bán hơn 40 triệu bản.

Thế nhưng, ngay từ khi soạn thảo, Harper Lee chỉ mong muốn có được sự khích lệ từ người đọc, bởi bà không hy vọng sẽ thành công, ngược lại còn lo lắng sẽ bị chết yểu bởi các nhà phê bình. Và khi sách được bán chạy, cố nhà văn trả lời phỏng vấn vào năm 1964 rằng“sự thành công này trong chừng mực nào đó thì cũng đáng sợ như là cái chết yểu”.

Trên thực tế, dù nổi tiếng và giàu có sau đó, Harper Lee lại sống rất khép kín đến mức có nhiều tin đồn lo ngại rằng bà đang bị lợi dụng. Bà có cuộc sống lặng lẽ ở nước Mỹ và những năm cuối đời, bà dành thời gian tại nhà dưỡng lão Monroeville.

Đến những đòn công kích…

Mặc cho những giải thưởng danh giá, cho cả sự ăn khách, Giết con chim nhại vẫn bị công kích bởi nội dung. Tác phẩm đứng thứ 41 trong 100 quyển sách thường bị xét lại giá trị nhất trong khoảng năm 1900-2000. Đây là cuộc khảo sát từ Hiệp hội thư viện Mỹ được công bố.

gccn-vb12.jpg
Harper Lee bị nói rằng tác phẩm mang tính tự truyện

Cuối thập niên 1990, hội đồng giáo dục New Brunswich và Nova Scotia (Canada) đã vận động để rút cuốn này khỏi giáo trình tiêu chuẩn vì ngôn ngữ có thể làm học sinh mất đi lòng tự trọng, sự tôn trọng đối với bè bạn.

Tiểu thuyết lấy bối cảnh từ Alabama, một tiểu bang rất nặng về thành kiến phân biệt chủng tộc. Điều đáng nói, những người da màu cũng phản ứng lại tác phẩm. Nhiều nhà phê bình đồng ý rằng tuy nhiều nhân vật da đen được miêu tả tốt đẹp nhưng cái nhìn của tác giả đối với họ vẫn mang tính hạ cố.

gccn-vb6.jpg
Các nhân vật da đen cũng bị cho là mang tính hạ cố

Tờ báo The English Journal ghi nhận một cảm xúc khác về tác phẩm: "Điều có lẽ là tuyệt vời hay đầy sức mạnh đối với một nhóm học sinh lại dường như bị một nhóm khác hạ thấp giá trị".

Một nhà chuyên môn nghệ thuật ngôn ngữ người Canada nhận thấy rằng quyển sách được các em học sinh da trắng hưởng ứng tốt, nhưng các em da màu lại thấy nó gây nản lòng".

vì quyển sách là từ quan điểm của người da trắng về phân biệt chủng tộc nên “bạn không tìm thấy gì nhiều ở các nhân vật Mỹ da màu; bạn không biết về nhân cách của họ rõ. Nhưng chắc chắn có một thông điệp đằng sau nó. Tôi biết cơ bản quyển sách nói về nạn phân biệt chủng tộc nhưng đó không phải là tất cả bạn có thể cảm nhận từ nó".

Điều đầu tiên phải kể đến, câu chuyện được kể lại qua góc nhìn của Scout, một cô bé 9 tuổi, nên nhiều ý kiến lúc đó cho rằng chưa đủ khách quan, trưởng thành. Thêm vào đó, tác phẩm đề cập đến nạn phân biệt chủng tộc trong bối cảnh miền Nam nước Mỹ vào năm 1930, khi đó vấn nạn này còn rất gay gắt (bối cảnh xuất bản vào năm 1960).

gccn-vb4.jpg
Quá nhiều sự tấn công nhắm vào nội dung

Tiểu thuyết ra đời được xem là đòn đau giáng xuống những người cực đoan, bảo vệ quyền của người da trắng khi ấy. Bởi thế, nó vấp phải phản ứng nặng nề, kỳ thị của những người da trắng. Có những thời điểm, Giết con chim nhại bị cấm phát hành, bị xoá khỏi thư viện của trường hay những nơi công cộng.

Dù từng đoạt giải Pulitzer năm 1961, tác phẩm của Harper Lee bị cáo buộc là tiểu thuyết “vô đạo đức” vì đề cập đến vấn đề cưỡng hiếp vào năm 1996. Vì sự nhạy cảm này mà các bậc phụ huynh sống trong giai đoạn ấy đã không cho con trẻ đọc vì “khó chấp nhận”.

Ông Kenny Holloway, phó chủ tịch ban điều hành trường Biloxi đã phát biểuCó một số ngôn từ trong cuốn sách khiến người đọc cảm thấy khó chịu, chúng tôi có thể dạy cùng một bài học với những cuốn sách khác” và “cuốn sách có thể vẫn sẽ nằm trong thư viện nhưng chúng tôi không thể chờ lâu hơn để đưa một cuốn sách khác vào chương trình lớp 8”.

Chưa hết, tác phẩm còn được xem mang tính tự truyện, phần nào ghi nhận của tác giả về gia đình, thị trấn nơi bà lớn lên có phần tương đồng với nhân vật Scout, cả một vụ án chấn động một gã da đen hiếp dâm một phụ nữ da trắng khi bà lên 10 cũng có phần giống.

Harper Lee có mẹ là một phụ nữ nội trợ còn cha bà - Amasa Coleman Lee - là một biên tập viên tờ báo địa phương, sau đó làm luật sư, từng công tác trong Cơ quan lập pháp bang Alabama từ năm 1926 đến 1938. Đặc biệt, cha bà từng biện hộ cho 2 người da đen bị kết tội sát nhân và ông đã thua kiện, từ đó không nhận vụ kiện hình sự nào nữa (khá giống nhân vật chính Atticus).

Khi trả lời về những chi tiết này, Harper Lee nói đương nhiên các nhà văn thường “viết về những điều họ hiểu rõ và có thể mô tả trung thực nhất”. Mặc dù bà đã phủ nhận tính tương đồng giữa tiểu thuyết và cuộc đời thật, nhiều ý kiến vẫn cho rằng tác phẩm giảm đi giá trị thật.

… đến những lời tán dương

Khác với những lời chỉ trích, tác phẩm được các nhà nghiên cứu văn học nhận xét: "Giết con chim nhại đã được viết và xuất bản ngay giữa thời kỳ xã hội thay đổi nổi bật nhất và nhiều tranh cãi nhất ở miền Tây kể từ cuộc Nội chiến và tái thiết. Không thể tránh khỏi, dù được bắt đầu từ giữa thập niên 30, nhưng câu chuyện vẫn kể từ quan điểm của những năm 50, với các bất bình, căng thẳng và nỗi sợ do cuộc chuyển đổi gây ra".

gccn-vb3.jpeg
Harper Lee sống khép kín, tránh xa mọi hư danh

Hay:Ảnh hưởng của quyển tiểu thuyết đối với các mối quan hệ chủng tộc ở Mỹ đã được ghi nhận như một thành công, rằng quyển sách đã "xuất hiện đúng lúc để giúp cho cuộc đấu tranh của miền Nam và quốc gia về tình trạng căng thẳng chủng tộc của luật dân quyền có bước tiến triển nhanh hơn”.

Nhà phê bình sách Harding Lemy gọi là "nỗi ô nhục gặm mòn tinh thần của những người da trắng miền Nam đã được khai sáng trong vấn đề đối xử với người da đen".

Việc xuất bản quyển sách được đánh giá là tạo ra bước tiến của dân quyền, một thời khắc quan trọng trong giai đoạn này.

gccn-vb8.jpeg
Câu chuyện qua góc nhìn của cô bé Scout 9 tuổi được cho là nhẹ nhàng hơn

Phạm Viêm Phương, một trong 2 dịch giả Giết con chim nhại do Nhã Nam và Hội xuất bản Hội nhà văn phát hành tại Việt Nam, đã thay lời bạt: “Có một thời chúng ta quen xếp loại những tiểu thuyết như thế này là tố cáo bất công xã hội, lại còn chê bai là không vạch ra được hướng giải quyết vấn đề (tựa như chê bai đức hạnh của người khác để có cảm giác mình đức hạnh hơn họ). Theo thiển ý, đó không phải công việc của nhà văn. Khi nhìn ra và vạch trần được bất công xã hội, nhà văn đã hoàn tất công việc của mình. Tác phẩm của họ giúp độc giả nhìn ra vấn đề và thúc đẩy xã hội tìm ra giải pháp”.

gccn-vb5.jpg
Giết con chim nhại bán được hơn 40 triệu bảng

Theo chị, nước Mỹ có nạn phân biệt chủng tộc trầm trọng và văn học, báo chí đã tích cực phơi bày, kịch liệt lên án chuyện này thay vì ém nhẹm hay giả vờ như nó không tồn tại. Do đó, chắc chắn dân chúng Mỹ có nhiều cơ hội ý thức về vấn nạn này và hình thành những cách ứng xử ít phân biệt chủng tộc hơn. Với một cuộc chiến được công khai như thế, Phạm Viêm Phương cho rằng nước Mỹ đã tiến những bước dài trong việc chống phân biệt chủng tộc nói chung, và chắc chắn dài hơn rất nhiều so với những xã hội lãng tránh không dám đề cập tới những khuyết tật của mình.

Năm 2015, tác phẩm thứ 2 – Set A Watchman của Harper Lee được xuất bản nhưng không gây tiếng vang như tuyệt tác đầu tiên. Năm 2016, bà qua đời, hưởng thọ 89 tuổi.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
'Giết con chim nhại' và số phận trái chiều của tác phẩm được bán hơn 40 triệu bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO