Giật mình với con số mua sắm online

05/11/2024 13:29

Sản phẩm làm đẹp, giày dép, bách hóa - thực phẩm và phụ kiện thời trang là những mặt hàng được người Việt mua sắm trực tuyến nhiều nhất

Trước đại dịch COVID-19, bà Nguyễn Bảo Hân (42 tuổi, ngụ quận Tân Phú) hầu như không mua sắm online vì thích việc giao tiếp trực tiếp với người bán. Thế nhưng sau dịch, hầu như bà chỉ còn đi chợ để mua thực phẩm tươi sống cho bữa ăn hằng ngày, còn lại bà chuyển qua mua online cho tiết kiệm.

Mua không kiểm soát

"Trước đây, những chiếc váy tôi mua ở cửa hàng, thấp nhất cũng 400.000 đồng/chiếc thì nay lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) chỉ khoảng 200.000 - 300.000 đồng/chiếc, nếu canh khuyến mãi giá chỉ khoảng 150.000 đồng/chiếc mà chất lượng tương đương. Lúc đầu chưa quen về kích cỡ nhưng sau quen dần" - bà Hân kể.

Các mặt hàng dùng nhiều trong gia đình như: nước giặt, nước rửa chén, kem đánh răng... trước thường đi siêu thị mua trong đợt khuyến mãi thì nay bà cũng mua luôn trên kênh online của siêu thị để được giá tốt và nhận hàng tại nhà vì không mất thêm phí.

Người tiêu dùng “ngộp” với đơn hàng mua sắm trên các sàn thương mại điện tửẢnh: HOÀNG TRIỀU
Người tiêu dùng “ngộp” với đơn hàng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong khi đó, chị Thanh Hương, nhân viên văn phòng tại quận 1 (TP HCM), cho biết gần như tuần nào chị cũng đặt mua quần áo, giày dép hoặc dụng cụ bếp trên các sàn TMĐT như Shopee, TikTok Shop vì "thấy họ giảm giá nhiều quá" nhưng phần lớn mua rồi ít sử dụng. "Mỗi khi lướt điện thoại, nhất là các buổi livestream bán hàng trên TikTok, tôi bị cuốn hút bởi các mặt hàng thời trang, dụng cụ bếp hay phụ kiện có giá rất rẻ, hình ảnh, kiểu dáng rất thu hút. Không mua lại thấy tiếc hoặc bỏ phí mã giảm giá nên tôi liên tục "chốt đơn" trong vô thức dù thực tế không có nhu cầu.

Có nhiều sản phẩm đã nhận hàng hơn cả năm nhưng chưa khui hoặc khui rồi lại cất vào tủ đến lãng quên. Shipper giao hàng nhiều, quen mặt nên không cần gọi điện, chỉ cần quăng vào nhà là xong. Dù lương không cao nhưng mỗi tháng tôi đều chi trên dưới 4 triệu đồng để mua online và ít khi mua sắm bên ngoài" - chị Hương cười và nói.

Tương tự, chị Phi Nguyễn, nhân viên kế toán tại quận 3 (TP HCM), cho biết tần suất mua hàng online của chị hiện nay đã tăng lên 5-6 lần mỗi tuần do giá bán online ngày càng hấp dẫn, rẻ hơn trên thị trường 10%-15% và các sàn TMĐT cũng thường gợi ý mua thêm để được giảm giá và miễn phí vận chuyển.

Bên cạnh đó, một số sàn TMĐT như Shopee, TikTok Shop còn cho phép khách hàng sau khi nhận hàng nếu sử dụng gặp vấn đề hoặc không còn nhu cầu sử dụng có thể trả hàng hoàn tiền. Cũng từ những chính sách đó mà đã mua hàng một cách không kiểm soát.

"Hầu hết các cửa hàng offline không cho phép khách hàng trả lại hàng sau khi sử dụng trong khi sàn cho phép điều đó, có sàn cho đến 15 - 20 ngày. Vậy nên, cứ lướt trên sàn, cảm thấy vừa mắt là tôi mua, không ưng thì hủy hoặc nhận rồi không còn thích nữa cũng dễ trả hàng hơn trước. Biết là lãng phí nhưng do giá rẻ quá" - chị Phi phân trần.

Số liệu đáng lưu tâm

Trong báo cáo thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III và dự báo quý IV vừa được Metric - công ty dữ liệu TMĐT lớn tại Việt Nam - công bố, tổng doanh số toàn thị trường trong 9 tháng qua đạt tới 227.700 tỉ đồng, tương đương 8,9 tỉ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2023; với 2,43 triệu sản phẩm được bán ra, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng quý III, đóng góp 84.750 tỉ đồng (gần 3 tỉ USD), tăng 15,9% so với quý III/2023 với 897 triệu sản phẩm. Sản phẩm làm đẹp, giày dép, bách hóa - thực phẩm và phụ kiện thời trang là những mặt hàng được mua sắm trực tuyến nhiều nhất.

Đặc biệt, trong quý III, sản phẩm thuộc phân khúc giá rẻ dưới 200.000 đồng gia tăng mạnh, chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường, tăng 9% thị phần so với năm ngoái. Phân khúc dưới 100.000 đồng cũng tăng 5% thị phần, trong khi phân khúc 100.000 - 200.000 đồng tăng thêm 4%.

Chia sẻ tại sự kiện ra mắt YouTube Shopping cuối tuần qua tại TP HCM, bà Sarah Nguyễn, Giám đốc Marketing và tăng trưởng Shopee Việt Nam, tiết lộ thông tin gây "choáng", khi mỗi tháng có đến 22 triệu người mua hàng trên Shopee. "Có nghĩa là, cứ 4 người dân Việt Nam thì có 1 người chốt đơn trên Shopee hằng tháng" - bà Sarah Nguyễn nói rõ.

Kết quả này là nhờ Shopee liên tục tung ra các chương trình marketing lớn, đặc biệt là vào các ngày đôi mỗi tháng (9-9, 10-10, 11-11...) có sự nhận diện cao. Shopee cho biết đang chuẩn cho chiến dịch khuyến mãi ngày 11-11 và tin rằng sẽ tiếp tục lập kỷ lục trong ngày này.

Ngoài ra, vài năm gần đây các sàn cũng đầu tư mạnh cho shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) để thúc đẩy doanh số nên số lượng mua ở kênh này ngày càng lớn.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), TMĐT đã và đang trở thành động lực chủ chốt trong nền kinh tế số, dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025. Hiện, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển TMĐT thuộc top đầu trong Đông Nam Á.

Khảo sát cho thấy số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đang vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của 1 người trung bình vào khoảng 336 USD. Người Việt chủ yếu mua sắm online quần áo, giày dép và mỹ phẩm; thiết bị, đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; thực phẩm...

Ông Nguyễn Ngọc Luận, kiều bào Úc - chuyên gia về nghiên cứu thị trường, nói rằng Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ và thị trường mới, cởi mở với phương thức mua hàng mới thúc đẩy doanh số kênh online tăng. Ngay cả người trung niên, lớn tuổi hiện nay cũng mua hàng online nhiều vì quá tiện lợi.

"Kênh online phát triển nên các nhà sản xuất, các nhãn hàng cũng mở gian hàng trên các sàn và tập trung đầu tư khiến doanh số kênh này tăng và có tỉ lệ đóng góp vào doanh thu ngày càng tăng. Tương lai, TMĐT Việt Nam sẽ càng phát triển khi chuyển đổi số mạnh mẽ, đặc biệt là chuyển đổi số trong bán hàng" - ông Luận dự báo.

Về việc yếu tố người mua chọn kênh online vì giá rẻ, ông Luận cho hay đó chỉ là một phần trong quyết định của người dùng vì thực tế như sàn Amazon giá bán không hề rẻ nhưng vẫn rất thành công nhờ dịch vụ tốt.

Trước xu hướng bùng nổ mua sắm online, bà Nguyễn Phương Nga, đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, đề xuất doanh nghiệp (DN) cần tận dụng xu hướng đa kênh để tiếp cận nhiều người mua sắm hơn; tạo ra một trải nghiệm mua sắm xuyên suốt để thu hút và giữ chân người mua.

Cùng với đó, tốc độ hiện đại hóa nông thôn đang dần bắt kịp thành thị nhờ mức thu nhập và chất lượng sống nâng cao. Do vậy, sự du nhập của kênh online vào thị trường này sẽ mở ra nhiều cơ hội để nhà sản xuất tiếp cận với người tiêu dùng nông thôn một cách nhanh chóng.

Trong khi đó, ông Đỗ Hòa, nhà sáng lập Công ty Tinh Hoa Quản Trị, khuyến nghị DN Việt Nam cần phải có chiến lược xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh marketing để tận dụng lợi thế từ chính Trung Quốc.

"Chúng ta ở bên cạnh công xưởng sản xuất của thế giới, vì vậy cần phải biến nguy cơ thành cơ hội. Tại sao DN Việt không tận dụng lợi thế về thiết kế để đặt hàng chính DN của Trung Quốc gia công, sau đó về bán hàng cho thị trường Việt Nam và bán cả ra thế giới. Điều này sẽ giúp chúng ta không bị đè bẹp bởi hàng giá rẻ" - ông Hòa gợi ý.

Ngoài ra, ông cũng cảnh báo người dùng mua sắm online, đặc biệt là mua hàng ở những sàn TMĐT xuyên biên giới mà chưa đăng ký sẽ có rủi ro. Nếu may mắn, người dùng sẽ mua được hàng ưng ý, còn không may gặp phải sự cố, sẽ phát sinh nhiều tình huống khó khăn như khiếu nại, trả lại hàng tốn nhiều thời gian và công sức; nhiều món đồ rẻ, người dùng có thể chấp nhận mình "gặp xui" và bỏ đi.

Theo đó, ông Hòa kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần cấp thiết sửa chính sách để quản lý chặt các kênh bán hàng online, trong đó có sàn TMĐT xuyên biên giới, để bảo vệ người tiêu dùng, bên cạnh đó lồng thêm hàng rào kỹ thuật để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước sức ép hàng giá rẻ đổ về Việt Nam qua kênh online.

Ông Tô Tuấn Tài, nhà sáng lập Công ty CP Lemon Digital, dự báo ngành này sẽ còn bùng nổ hơn nữa khi các sàn TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc như Temu, 1688, Taobao bán hàng giá "siêu rẻ" lần lượt đổ bộ, mang theo những chính sách "giết" nhà bán hàng trong nước.

Tuy vậy, sự tăng trưởng này cũng gây ra nhiều hệ lụy, làm tăng thêm các loại chất thải như hộp giấy, túi ni-lông, đồ nhựa… gây ra ô nhiễm môi trường. Đồng thời có thể khiến hàng hóa trong nước bị đứt gãy chuỗi cung ứng do bị tấn công bởi hàng giá rẻ.

Temu đã đăng ký thuế tại Việt Nam

Ngày 4-11, thông tin từ Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết từ ngày 4-9-2024, sàn Temu đã được công ty chủ sở hữu là Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế. Temu được cấp mã số thuế số 9000001289. Cơ quan thuế cho biết theo quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC, sàn Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai từ thời điểm quý III/2024 kê khai cho doanh thu từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.

Như vậy, dự kiến tháng 10, sàn này mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý IV/2024 thời hạn nộp là ngày 31-1-2025 nếu được cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương cấp phép hoạt động.

M.Chiến

Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/giat-minh-voi-con-so-mua-sam-online-196241104210403488.htm
Copy Link
https://nld.com.vn/giat-minh-voi-con-so-mua-sam-online-196241104210403488.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giật mình với con số mua sắm online
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO