Giáo viên "giỏi nhất thế giới" không quan tâm đến điểm số của học sinh

Vĩnh Ngọc| 13/03/2023 14:15

Nancie Atwell là một nhà giáo dục nổi tiếng nước Mỹ, người đầu tiên nhận giải thưởng Giáo viên Toàn cầu vào năm 2015, giải thưởng trị giá một triệu USD.

Báo Dân trí triển khai tuyến bài về con đường học vấn, giáo dục của các thần đồng, người nổi tiếng trên khắp thế giới. Hy vọng rằng, những câu chuyện thú vị, ít người biết về những nhân vật truyền cảm hứng này sẽ nhận được sự quan tâm của độc giả.

Cô giáo Nancie Atwell, sinh năm 1952, nổi tiếng sau khi giành giải thưởng Giáo viên Toàn cầu, được mệnh danh là giải Nobel về giảng dạy, vào năm 2015. Giải thưởng trị giá một triệu USD do quỹ Varkey trao tặng cho giáo viên sáng tạo và tận tâm, người đã truyền cảm hứng cho học sinh và cộng đồng.

Là giáo viên từ năm 1973, Atwell bắt đầu sự nghiệp của mình ở phía tây New York, Mỹ, nhưng cô sớm nhận thấy các phương pháp giảng dạy truyền thống có nhiều hạn chế.

Năm 1990, Atwell thành lập trung tâm Dạy và Học phi lợi nhuận, một trường học tại Edgecomb ở vùng nông thôn Maine, Mỹ, nơi học sinh đọc trung bình 40 cuốn sách mỗi năm và viết rất nhiều.

Sau khi giành giải thưởng Giáo viên Toàn cầu, cô giáo Nancie Atwell đã tặng một triệu USD cho việc bảo trì, phát triển và cấp học bổng cho trung tâm Dạy và Học, đây cũng là trường điển hình về phát triển và phổ biến các phương pháp giảng dạy mới.

Atwell là tác giả của 9 cuốn sách bán chạy tại Mỹ trong đó riêng cuốn Những hiểu biết mới về viết, đọc và học (xuất bản năm 1987) đã bán được hơn nửa triệu bản.

Trường học của cô Atwell ở thị trấn nông thôn Edgecomb, Maine, không phải là một nơi học tập bình thường.

Ở trường của Nancie Atwell, tất cả các lớp học đều có thư viện, các bài kiểm tra tiêu chuẩn không được khuyến khích, lớp học có sĩ số nhỏ, mỗi ngày lễ và ngày văn hóa đều được tổ chức, học sinh chọn chủ đề để viết và sách mà mình đọc.

Giáo viên giỏi nhất thế giới không quan tâm đến điểm số của học sinh - 1

Giáo viên Nancie Atwell bên học sinh của mình (Ảnh: Books Make a Difference).

Atwell dành toàn bộ giải thưởng trị giá một triệu USD cho Trung tâm Dạy và Học (CTL), ngôi trường do cô thành lập. Cô Nancie Atwell cho biết, cô muốn sửa chữa trường học và mua thêm sách cho học sinh vì "đó là thứ chúng ta không bao giờ có đủ".

Sự nghiệp giảng dạy phong phú của Atwell kéo dài hàng chục thập kỷ và nhà giáo kỳ cựu từng nói đơn giản, mục tiêu của cô là biến lớp học thành nơi trí tuệ và hạnh phúc, thay vì tạo cho học sinh sự căng thẳng và thất vọng.

Tuy nhiên, một trong những nhà giáo dục hàng đầu nước Mỹ cho biết, khi còn trẻ, cô chưa bao giờ có ý định trở thành giáo viên. Thay vào đó, cô rơi vào tình huống cố gắng tìm hiểu xem phải làm gì với tấm bằng tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô nhận công việc giảng dạy như một "phương án dự phòng".

"Tôi dần yêu công việc giảng dạy. Ở trường, tôi cảm thấy như mình đang ở nhà. Tôi yêu văn học và tôi thực sự yêu tuổi mới lớn. Tôi phát hiện ra, có mối liên hệ với những đứa trẻ xung quanh vấn đề về sách và nói chuyện với bọn trẻ về sách dường như là điều tuyệt vời nhất trên thế giới", cô Nancie tâm sự.

Nancie Atwell bắt đầu dạy học ở phía tây New York, Mỹ, vào năm 1973. Cô dạy học sinh lớp bảy và lớp tám. Atwell nói: "Khi bạn có thể lôi kéo học sinh lớp bảy và lớp tám vào một thứ gì đó, chúng sẽ quan tâm tới vấn đề đó suốt đời.

Đó là một độ tuổi quan trọng đối với việc trẻ thiết lập thế giới quan của chúng và tìm hiểu cách mà cuộc sống được vận hành".

Trong những năm đầu tiên dạy học, Atwell nhận ra rằng học sinh không bị cuốn hút vào những cuốn sách hay.

Vì thế, Nancie bắt đầu nghiên cứu các phương pháp giảng dạy thay thế và tình cờ biết đến Donald Graves, giáo sư giáo dục mầm non của Đại học New Hampshire, người được cho là đã đi tiên phong trong phương pháp giảng dạy "Hội thảo Viết".

"Hội thảo Viết" ủng hộ sự lựa chọn và thể hiện bản thân của học sinh. Trong lớp học của Atwell, trẻ em chọn sách và chủ đề viết của riêng mình, tiến bộ theo tốc độ của riêng chúng và dành thời gian trao đổi trực tiếp với giáo viên.

Khám phá này đã cách mạng hóa lớp học của Nancie Atwell. Nữ nhà giáo ngay lập tức nhận thấy học sinh quan tâm hơn khi bọn trẻ được phép chọn những gì chúng muốn đọc và viết.

"Khi tôi từ bỏ quyền kiểm soát của mình đối với mọi thứ trong lớp học và để học sinh quyết định, chúng đã đưa ra những lựa chọn tuyệt vời, những lựa chọn thông minh", cô Nancie Atwell nói.

Khi vẫn làm việc trong giới hạn của hệ thống trường công lập, Atwell tiết lộ rằng: "Tôi đóng cửa lớp học và nói chuyện với bọn trẻ. Tôi luôn nhận thấy rằng trẻ em biết điều gì là thú vị và điều gì có giá trị nếu chúng ta để chúng có tiếng nói".

Sau khi giảng dạy ở New York, Atwell chuyển đến Maine, nơi cô thành lập trung tâm Dạy và Học phi lợi nhuận vào năm 1990 để thử nghiệm và chia sẻ những ý tưởng mới về dạy viết và đọc. Trường phục vụ tối đa 80 học sinh từ mẫu giáo đến lớp tám.

Tại trường, giáo viên tương tác với học sinh với tư cách là người viết và đọc, chứ không phải là mối quan hệ truyền thống giữa giáo viên và học sinh.

Mỗi ngày học sinh dành thời gian đọc những cuốn sách mà chúng đã chọn. Chúng thậm chí còn quản lý một trang web gồm những cuốn sách được đề xuất cho những độc giả trẻ tuổi khác. Cô giáo Atwell đưa ra quan điểm là cho học sinh tiếp xúc với càng nhiều nền văn hóa và hiểu về nhiều truyền thống càng tốt.

"Chúng tôi ăn mừng Tết Nguyên Đán, Mùa Chay, kết thúc tháng Ramadan... Tôi muốn học sinh của mình có kiến thức và niềm đam mê đối với mọi vấn đề xã hội, chứ không chỉ là học".

Hàng năm, các giáo viên trên khắp đất nước Mỹ đến thăm trường của cô Atwell để quan sát hoạt động của phương pháp "Hội thảo Viết". Cô giáo Atwell hy vọng, các đồng nghiệp sẽ tích hợp nó vào lớp học của chính họ.

Cô cho biết, phương pháp này đã được chứng minh là có hiệu quả trong các lớp học đa dạng gồm nhiều học sinh đến từ mọi nền văn hóa và kinh tế xã hội khác nhau.

Phần lớn học sinh của cô Nancie Atwell đều học giỏi ở trường trung học và 97% trúng tuyển vào cao đẳng hoặc đại học. Khi Nancie Atwell nhìn vào hệ thống trường công lập, cô cảm thấy có quá nhiều yêu cầu cứng nhắc và chỉ tập trung vào các bài kiểm tra tiêu chuẩn.

Atwell nói: "Các giáo viên về cơ bản được yêu cầu trở thành kỹ thuật viên. Họ đọc mọi thứ theo kịch bản và điểm kiểm tra là quan trọng nhất".

Atwell không đồng ý với các tiêu chuẩn giáo dục kiểu cũ. Theo cô, tập trung quá nhiều vào điểm kiểm tra, thay vì các bài học kinh nghiệm hoặc sách đã đọc, là dấu hiệu của bệnh thành tích. Nancie Atwell nói, mỗi học sinh có cách học khác nhau và phương pháp giáo dục chỉ chú trọng vào điểm số buộc mọi học sinh phải trở nên giống nhau.

Khi nhận được giải thưởng Giáo viên Toàn cầu, Atwell cho biết, cô đã rất ngạc nhiên. Cô hạnh phúc bởi, giải thưởng là lời khẳng định rằng, các phương pháp giảng dạy phi truyền thống mà cô đã bảo vệ không chỉ được coi trọng và đánh giá cao mà quan trọng hơn là đã thật sự thành công.

Atwell nói: "Chúng ta đang nói về việc tạo ra những thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống của bọn trẻ. Tôi rất tự hào là thành viên của một nhóm những người làm giáo dục chuyên nghiệp - theo mọi phương diện của từ này. Bạn sẽ cảm thấy tự hào khi là một giáo viên được chọn là gương mặt đại diện cho nghề này".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giáo viên "giỏi nhất thế giới" không quan tâm đến điểm số của học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO