Giáo sư Pamela Ronald: Nghiên cứu khoa học không phải là sự hy sinh

Minh Sơn (Vietnam+)| 21/12/2022 16:55

Khi được hỏi về sự hy sinh khi làm nghiên cứu khoa học, chủ nhân Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ, Giáo sư Pamela Ronald nhấn mạnh bà chỉ đang làm nhiệm vụ của mình.

Giao su Pamela Ronald: Nghien cuu khoa hoc khong phai la su hy sinh hinh anh 1Giáo sư Pamela Christine Ronald đã có buổi trao đổi tại Đại học VinUni. (Ảnh: VinFuture)

Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ đã vinh danh Giáo sư Pamela Christine Ronald đến từ Viện Nghiên cứu thực phẩm và nông nghiệp, Đại học California Davis (Mỹ).

Giáo sư Pamela Christine Ronald được ghi nhận bởi những đóng góp tại công trình nghiên cứu đột phá trong việc phân lập gen Sub1A tạo điều kiện phát triển các giống lúa chịu ngập úng dài hạn. Từ gen lúa Sub1, Giáo sư Ronald và các cộng sự đã tạo ra các giống lúa biến đổi gen sinh trưởng tốt trong điều kiện ngập úng lâu ngày và cho năng suất cao.

Đây là nghiên cứu quan trọng, không chỉ giúp giải quyết nhu cầu lương thực cho hàng trăm triệu người mà còn mang tới giải pháp bền vững cho những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu trên thế giới.

Nông nghiệp bền vững là một trong những tiêu chí phù hợp với chủ đề "Hồi sinh và tái thiết" của Giải thưởng VinFuture năm 2022. Giáo sư Pamela Christine Ronald đã có buổi chia sẻ về phát triển nông nghiệp bền vững.

Ước mơ được giúp đỡ những người trồng lúa

- Vì sao bà chọn nghiên cứu về các giống gạo, và tác động từ nghiên cứu của bà là gì?

Giáo sư Pamela Christine Ronald: Tôi từng nghiên cứu về thực vật. Nhưng khi bắt đầu sự nghiệp sau này, tôi quyết định nghiên cứu về giống gạo, vì gạo là nguồn thực phẩm của một nửa dân số thế giới. Tôi hy vọng rằng một số đóng góp của tôi có thể hữu ích cho những người nông dân và gia đình họ, đôi khi là những người có mức sống dưới 3 USD/ngày. Vì vậy, đó là ước mơ của tôi: Giúp đỡ những người nông dân trồng lúa. Và tôi may mắn được làm việc với một nhóm các nhà khoa học quốc tế tuyệt vời để có thể đóng góp giúp đỡ nông dân ở Nam Á và Đông Nam Á.

- Bà có thể cho biết công trình của bà đã được ứng dụng ở những nước nào?

Giáo sư Pamela Christine Ronald: Những khám phá mà chúng tôi thực hiện trên cây lúa có thể hữu ích cho các loại cây trồng khác. Tôi chủ yếu thực hiện nghiên cứu do sự tò mò. Đôi khi điều đó dẫn đến khám phá thú vị, thường có thể áp dụng cho các loại cây khác nhau, ở những nơi khác nhau trên thế giới. Trong số này, đặc điểm chịu ngập là hữu ích nhất ở Nam và Đông Nam Á.

Giao su Pamela Ronald: Nghien cuu khoa hoc khong phai la su hy sinh hinh anh 2Giải Đặc biệt VinFuture 2022 dành cho Nhà khoa học nữ đã vinh danh Giáo sư Pamela Christine Ronald. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

- Đâu là những thách thức lớn nhất đối với công trình của bà, về giống gạo?

Giáo sư Pamela Christine Ronald: Có nhiều thách thức lớn nhất đối với nông dân trồng lúa. Ví dụ ở Việt Nam, không chỉ có lũ lụt, mà khi mực nước biển dâng cao sẽ dẫn đến xâm nhập mặn. Vì vậy, nông dân rất quan tâm đến các giống chịu mặn. Bạn có thể kết hợp những đặc điểm gồm khả năng chịu mặn và khả năng chịu ngập, đôi khi là khả năng chịu hạn, trong cùng một loại cây trồng, bởi vì thật khó biết điều gì xảy ra trong tương lai.

- Bà đến từ Hoa Kỳ là một nước phát triển, nhưng điều gì khiến bà hướng tới những nước đang phát triển?

Giáo sư Pamela Christine Ronald: Hệ thống kinh tế mỗi nước rất khác biệt đối với người nông dân. Ở hầu hết Hoa Kỳ và ở châu Âu, nông nghiệp là vì lợi nhuận. Nông dân trồng lương thực, đem bán ở các thị trường mở, kiếm tiền để có thể cho con đi học, xây nhà… Nhưng ở nhiều quốc gia thu nhập thấp, nông dân trồng lúa trước mắt là để nuôi sống chính gia đình họ. Họ không được kết nối với thị trường. Và vì vậy, những hộ nông dân nhỏ thực sự cần được bảo đảm an ninh lương thực địa phương, để vụ mùa của họ phát triển tốt. Và lý tưởng nhất là họ có thể sản xuất ra một khoản thặng dư để bán nhằm mua các loại thực phẩm khác và có tiền cho con đi học. Tôi nghĩ đó là khác biệt lớn giữa nhóm nước thu nhập cao và thấp khi nói đến nông nghiệp.

Không xem là một sự hy sinh

- Tại buổi lễ trao giải VinFuture 2022, bà nói rằng khoa học cần phụ nữ và phụ nữ cần khoa học. Bà vui lòng giải thích rõ thêm?

Giáo sư Pamela Christine Ronald: Tôi nghĩ là sau các phiên trao đổi như hôm nay, mọi người sẽ hình dung con đường làm khoa học như thế này: Bạn không thực sự biết bạn đang đi đâu, có rất nhiều công việc khó khăn, nhưng cũng có may mắn. Đôi khi bạn bỏ qua vấn đề. Nhưng sẽ ra sao nếu có nhiều người hơn đang cùng nỗ lực giải quyết vấn đề đó, và họ sẽ thành công. Nên chúng ta, cả phụ nữ lẫn đàn ông, đều cần tham gia vào khoa học. Tôi thực sự hy vọng rằng những phụ nữ trẻ tuổi sẽ quan tâm nhiều hơn đến khoa học, vì chúng ta thực sự cần nhiều bộ óc hơn, nhiều người hơn cùng suy nghĩ về cách giải quyết những thách thức to lớn của xã hội.

Giao su Pamela Ronald: Nghien cuu khoa hoc khong phai la su hy sinh hinh anh 3Giáo sư Pamela Christine Ronald phát biểu tại lễ trao giải. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

- Là một nhà khoa học nữ, bà có phải hy sinh điều gì để theo đuổi công việc của mình?

Giáo sư Pamela Christine Ronald: Tôi không xem đó là sự hy sinh. Ngành nghề nào cũng có những bận rộn riêng. (Như chính các bạn ở đây, phải chờ đợi trong khi chúng tôi đang trình bày). Khoa học không quá khác biệt. Tôi nghĩ sẽ có lúc trong đời bạn không bao giờ có đủ thời gian. Chỉ là khi có con, bạn phải thu xếp đưa con đến trường, hoặc các sinh viên cần sự hỗ trợ của bạn. Ngoài ra là giảm bớt thời gian gặp gỡ bạn bè hoặc đi dự các buổi tiệc vì quá bận rộn với gia đình và công việc. Nhưng bạn thật sự yêu cả 2 điều này (gia đình và công việc) rất nhiều. Sẽ tuyệt vời hơn nếu mọi người trong gia đình đều ủng hộ bạn. Nhưng tôi không nghĩ đó là sự hy sinh, mà bạn chỉ đang làm nhiệm vụ của mình.

- Bà ấn tượng với nền khoa học của Việt Nam như thế nào?

Giáo sư Pamela Christine Ronald: Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, nhưng tôi đã làm việc trong cộng đồng công nghệ sinh học chuyên về lúa gạo trong khoảng 30 năm. Vì vậy, tôi đã gặp gỡ những nhà nghiên cứu từ Việt Nam. Hôm qua tôi đã gặp lại một tiến sĩ người Việt mà tôi chưa gặp trong nhiều năm. Anh làm việc ở đồng bằng sông Cửu Long, giúp lai tạo các giống lúa đang phát triển rất tốt ở Việt Nam đã rất tiên tiến. Các nhà khoa học Việt Nam đã tạo ra được nguồn gen tốt cho các giống lúa khác nhau.

- Bà có gợi ý gì cho chính phủ Việt Nam hay không, trong việc kết nối với các nhà khoa học quốc tế để nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong nước?

Giáo sư Pamela Christine Ronald: Tôi nghĩ đến một số điều, có thể gồm học bổng cho sinh viên sang nước khác với tư cách nghiên cứu sinh. Sau đó khi học về nước thì cần cung cấp nguồn lực để họ lập phòng thí nghiệm. Các nguồn lực, sự hỗ trợ và mức lương cần thiết khiến khoa học trở nên hấp dẫn, không chỉ về mặt trí tuệ mà còn cho phép các nhà khoa học sống tốt, để hỗ trợ gia đình, trở thành cố vấn cho sinh viên. Nên việc chính phủ đầu tư vào khoa học là rất quan trọng, và cần phải liên tục, bởi đạt được hiệu quả thương mại từ khoa học cần nhiều thời gian.

- Bà có chia sẻ nào với các nhà khoa học Việt Nam không?

Giáo sư Pamela Christine Ronald: Nền khoa học đối với Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Chúng tôi cần sự chung tay của các nhà khoa học Việt Nam. Với dự án của mình, tôi không biết nó bắt đầu như thế nào nếu có nhà khoa học từ Việt Nam tham gia. Nhưng ở thời điểm đó, các nhà khoa học từ Bangladesh và Ấn Độ nói với tôi rằng hãy chú ý đến vẫn đề ngập lụt, đó thực sự là thách thức lớn. Vì vậy, các nhà khoa học trong nước hãy mạnh dạn mang những vấn đề cấp bách của nước mình đến với cộng đồng quốc tế, để có nhiều bộ óc cùng tham gia tìm kiếm giải pháp. Chúng ta thực sự cần làm việc cùng nhau.

- Xin cảm ơn bà!

Minh Sơn (Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/giao-su-pamela-ronald-nghien-cuu-khoa-hoc-khong-phai-la-su-hy-sinh/837110.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/giao-su-pamela-ronald-nghien-cuu-khoa-hoc-khong-phai-la-su-hy-sinh/837110.vnp
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giáo sư Pamela Ronald: Nghiên cứu khoa học không phải là sự hy sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO