Giáo sư Mỹ: 'Đừng cấm sinh viên dùng ChatGPT, cần đổi cách dạy để ngăn đạo văn'

10/02/2023 16:40

GS Michael I. Kotlikoff, Hiệu trưởng ĐH Cornell (Mỹ) cho rằng, không nên cấm sinh viên dùng ChatGPT, muốn ngăn gian lận thi cử, đạo văn cần thay đổi cách dạy.

Chia sẻ với phóng viên VTC News, GS Michael I. Kotlikoff, Hiệu trưởng Đại học Cornell - Mỹ (đại học thuộc khối Ivy League - trường trong top 20 đại học xuất sắc nhất thế giới 2023) cho rằng, việc các trường cấm học sinh, sinh viên dùng ChatGPT là không khả thi. Ai cũng có quyền sử dụng ChatGPI nên thay vào đó thầy cô hãy định hướng các em dùng đúng cách, hiệu quả.

"Khi sinh viên nộp bài luận, giáo viên hãy yêu cầu ghi rõ nguồn trích nội dung trong bài, kể cả trích từ ChatGPT cũng được, miễn kiến thức đó là đúng", GS Michael I. Kotlikoff dẫn chứng.

Giáo sư Mỹ: 'Đừng cấm sinh viên dùng ChatGPT, cần đổi cách dạy để ngăn đạo văn' - 1

GS Michael I. Kotlikoff, Hiệu trưởng Đại học Cornell - Mỹ.

Phân tích kỹ hơn về điều này, Hiệu trưởng Đại học Cornell so sánh ChatGPT với máy tính cầm tay. Cách đây vài thập kỷ, khi máy tính ra đời, nhiều người lo ngại việc tính toán của con người sẽ bị thay thế hoàn toàn. Thậm chí để ngăn việc đó, nhiều trường học cấm học sinh không dùng máy tính để giải Toán.

Thực tế chứng minh, máy tính chỉ là công cụ giúp con người tính toán nhanh hơn, các phép tính phức tạp, nhiều công thức giải vẫn cần đến sự phân tích của con người. Cùng với đó, việc dùng máy tính trong trường học không ảnh hưởng chất lượng giáo dục học sinh.

Theo GS Michael I. Kotlikoff, thay vì cấm, chúng ta nên tập trung vào việc sử dụng ChatGPT và các trí tuệ nhân tạo đúng cách, văn minh và hiệu quả cao nhất.

Để ngăn gian lận, đạo văn trong giáo dục khi AI, ChatGPT... ngày càng phát triển thì người thầy cần đưa ra các biện pháp khắc chế. "Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận trong việc giao bài tập, kiểm tra, đề cao suy nghĩ, độ hiểu biết của học sinh, sinh viên. Giáo viên đừng ra những bài tập, câu hỏi đóng khung theo sách giáo khoa", ông nói.

Đồng quan điểm, GS Wray Buntine, Giám đốc Chương trình Khoa học Máy tính, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, trường Đại học VinUni cho rằng, không nên tránh né ChatGPT mà cần biết cách sử dụng công cụ này. Hiện nhiều trường đại học ở Mỹ và thế giới đã đồng ý cho sinh viên dùng ChatGPT.

"Cũng như Google, chúng ta không thể cấm sinh viên sử dụng ChatGPT. Thực tế khi trong phòng thi chúng ta có thể cấm, nhưng ngoài phòng thi sẽ không cấm được", ông nói và dự báo, chỉ 5-10 năm tới, sinh viên Y khoa cũng sử dụng ChatGPT phục vụ chuyên môn nói riêng và sử dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ công việc nói chung sẽ là xu hướng tất yếu.

Để tránh tình trạng sinh viên gian lận, các bài luận hay các yêu cầu của giảng viên đưa ra nên có độ khó nhất định. Điều này sẽ buộc lòng sinh viên vẫn phải tự làm, thay vì hoàn toàn sử dụng ChatGPT. Bên cạnh đó, ông suy nghĩ đến phương án phân loại các bài kiểm tra theo cấp độ khác nhau, có bài kiểm tra được phép sử dụng ChatGPT và có bài không được phép sử dụng.

Ông cũng nhấn mạnh tới việc sẽ không sử dụng phần mềm ChatGPT miễn phí để ứng dụng vào quá trình đào tạo cũng như kiểm tra sinh viên. "Chúng tôi sẽ sử dụng phần mềm trả phí, là những phiên bản đặc biệt để đảm bảo nội dung tuân thủ nhất, hiệu quả nhất", GS Wray Buntine nói.

Giáo sư Mỹ: 'Đừng cấm sinh viên dùng ChatGPT, cần đổi cách dạy để ngăn đạo văn' - 2

Nhiều người lo ngại sinh viên dùng ChatGPT để gian lận.

TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục - Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm, ChatGPT là giải pháp công nghệ mới, được đánh giá là mô hình Chatbot xử lý ngôn ngữ tự nhiên hiện đại, cách xử lý tạo ra văn bản, hội thoại rất gần với ngôn ngữ của con người.

Nhiều người dùng nhất là giới trẻ, tìm đến ChatGPT vì tò mò. Tò mò gắn với nhu cầu tìm kiếm thông tin, tương tác xã hội để tìm cơ hội ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống nên ChatGPT tạo sức hút mãnh liệt. Ông cũng cho rằng không cần lo lắng sinh viên sẽ dùng ChatGPT để gian lận thi cử vì sẽ có những biện pháp khắc chế tiêu cực. ChatGPT xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo lập văn bản thì cũng có mô hình kiểm chứng tính xác thực của văn bản đó để khẳng định nó không phải do máy mà do con người thực hiện.

Đã đến lúc giáo viên phải thay đổi cách kiểm tra đánh giá. Giáo viên không thể kiểm tra đánh giá theo kiểu mô tả, trình bày hay tái hiện lại nữa mà cần có công cụ, hình thức, cách thức như kết hợp nhiều hình thức kiểm tra với nhau.

Đáng lo ngại hơn, ChatGPT sẽ khiến nhiều người dạy và học lười suy nghĩ. "Khi người học lười suy nghĩ và quá lệ thuộc và giải pháp phần mềm như thế này thì người thầy phải thay đổi cách dạy để người học biết cách đặt vấn đề, tư duy phản biện chứ không phải chỉ đưa ra những mệnh lệnh mang tính tìm kiếm, tập hợp thông tin.

Trước đây chúng ta dạy theo kiểu cung cấp thông tin thì giờ phải dạy theo con đường tìm kiếm, tạo ra thông tin, phân tích, xử lý thông tin và câu trả lời không quan trọng bằng cách tìm ra câu trả lời...", ông Cường chia sẻ.

Ra mắt cuối tháng 11/2022, ChatGPT là ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) được đào tạo để đưa ra câu trả lời giống một cuộc trò chuyện với người thật. Đến 31/1, ChatGPT đạt 100 triệu người dùng trên toàn cầu.

Theo thống kê của Similarweb, website của OpenAI có hơn 304 triệu lượt truy cập trong tháng 12, tăng hơn 1.500% so với tháng trước đó. Tại Việt Nam, chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo Google Trends, những ngày qua, "ChatGPT", "OpenAI" liên tục nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều; những người nhận mở tài khoản nhận được hàng trăm yêu cầu mỗi ngày, cho thấy sự quan tâm của người Việt với công cụ này.

Hà Cường

Theo vtc.vn
https://vtc.vn/giao-su-my-dung-cam-sinh-vien-dung-chatgpt-can-doi-cach-day-de-ngan-dao-van-ar740908.html
Copy Link
https://vtc.vn/giao-su-my-dung-cam-sinh-vien-dung-chatgpt-can-doi-cach-day-de-ngan-dao-van-ar740908.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giáo sư Mỹ: 'Đừng cấm sinh viên dùng ChatGPT, cần đổi cách dạy để ngăn đạo văn'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO