Giáo sư dành cả sự nghiệp hồi sinh nhiều bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối

Nguyễn Ly| 25/02/2024 07:27

Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Sinh, không chỉ là người thầy ngành tiết niệu của các thế hệ sinh viên Việt Nam, mà vào năm 2017 ông còn được xác lập kỷ lục Việt Nam về "Người thực hiện ca phẫu thuật ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên tại Việt Nam" và "Người thực hiện ca phẫu thuật lấy và ghép thận từ người hiến thận tim ngừng đập đầu tiên tại Việt Nam".

Giáo sư dành cả sự nghiệp hồi sinh nhiều bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối
Giáo sư Trần Ngọc Sinh được xác lập 2 kỷ lục về ghép thận tại Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sự lựa chọn tình cờ nhưng lại hợp duyên

Ngay từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường, ước mơ trở thành bác sĩ đã luôn được chàng trai Trần Ngọc Sinh nuôi dưỡng trong hành trình tri thức của mình. Tuy nhiên, nguyện vọng của ông bị ba phản đối và muốn con theo học luật sư hoặc kỹ sư, với quan điểm "Nhất thế y, tam thế suy" - nghĩa là một đời làm nghề y, ba đời sau đó suy vong nếu không làm đúng đạo đức.

Vào năm 18 tuổi, sau khi thi đỗ Tú tài 2, ông từ quê hương Trảng Bàng đầy chiến tranh khói lửa đến Sài Gòn và thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Minh Đức (tư nhân) lúc đó, nhưng không theo học được vì ba mẹ không cho. Muốn thi và trường công ít tốn tiền là Đại Học Y Khoa Sài Gòn, phải theo học 1 năm lấy chứng chỉ theo học một ngành có liên quan y học (làm tương đương năm thứ nhất) tại Đại học Khoa học Sài Gòn. Sau đó mới được phép thi vào trường Y (học trình 6 năm), đó là học trình y khoa kéo dài tổng cộng 7 năm trước đây. Do vậy, nhiều người đã đỗ và trường Y nhưng nếu muốn vẫn có thể theo đuổi Đại học Khoa học để lấy các loại cử nhân Khoa học.

Ông cũng làm như vậy nhưng học trình chưa xong thì năm 1975 đến, việc học song song không được chấp nhận, nên chỉ tiếp tục với Đại học Y khoa Sài Gòn (lúc này đổi tên thành Đại Học Y Dược TPHCM như hiện nay). Tốt nghiệp Bác sĩ Y khoa năm 1980, người bác sĩ tân khoa này tiếp tục thực hiện thành công ước mơ trở thành Bác sĩ nội trú các bệnh viện (học trình 4 năm), sau đó trở thành Giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, với chuyên ngành Tiết Niệu học (Urology).

Chia sẻ về lý do chọn chuyên ngành thận - tiết niệu, ông Ngọc Sinh nhớ lại và cười. Thời điểm ra trường, ông rất say mê nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực thần kinh, nhưng khi đó chưa có chuyên ngành này. Ông cũng nằm trong ban cán sự lớp và đối mặt với sự tranh giành của các bạn học để vào các chuyên khoa được đánh giá cao. Cuối cùng, một người bạn nói với ông: "Nếu ông bị sỏi thận, hãy theo đuổi chuyên ngành thận - tiết niệu". Từ đó, ông quyết định theo đuổi con đường này.

Sau khi thi đỗ kỳ thi Bác sĩ nội trú các bệnh viện, ông được nhận vào giảng dạy tại Trường Đại học Y Dược TPHCM và tham gia giảng dạy lâm sàng tại Khoa Tiết niệu - Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong thời gian làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh suy thận và tử vong. Một lần, trong kho chứa trang thiết bị y tế của bệnh viện, ông thấy nhiều máy móc cũ, hóa chất và với kiến thức học được, ông đã sửa chữa những máy móc cũ đó, điều trị thành công cho nhiều trường hợp suy thận mạn biến chứng nguy hiểm là phù phổi cấp.

Ông Ngọc Sinh chia sẻ: "Tôi có thể nói mình là người đầu tiên đặt viên gạch cho đơn vị chạy thận nhân tạo, điều trị suy thận cấp và mạn, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tiền thân của Khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM".

Từ năm 1990, ông tham gia nhóm ghép tạng Việt Nam, và đến năm 1992, tham gia vào Kíp ghép Thận quốc gia, đã thực hiện 3 trường hợp ghép thận đầu tiên ở Học viện Quân Y (Hà Đông).

Sau đó, ông trở thành phẫu thuật viên ghép thận chính tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 1998. Năm 2004, ông phát triển kỹ thuật phẫu thuật nội soi sau phúc mạc lấy thận qua nội soi để ghép, kế thừa từ kỹ thuật Ấn Độ, đóng góp vào việc rút ngắn chiều dài vết thương và thời gian hồi phục của bệnh nhân, đồng thời đảm bảo thẩm mỹ vết thương sau quá trình hồi phục.

GS.TS. BS Trần Ngọc Sinh và cộng sự thực hiện ghép thận cho bệnh nhân.  Ảnh: Nhân vật cung cấp
GS.TS. BS Trần Ngọc Sinh và cộng sự thực hiện ghép thận cho bệnh nhân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giấc mơ ai cũng được ghép thận

Hiện nay, trên toàn quốc có 25 cơ sở đủ điều kiện để thực hiện ghép thận tại Việt Nam. Vấn đề lớn trong ghép thận hiện nay là lượng người được ghép thận rất ít, so với số đăng ký ghép thận, con số chờ ghép ngày càng tăng, mà số được ghép không đến 10%. Nhu cầu ghép rất bức thiếc, chuyện này đang gây ra những tệ nạn, đôi khi vi phạm nguyên tắc hiến tạng nhân đạo trong ghép tạng (không lấy tiền, không có yếu tố buôn bán trao đổi). Nguyên nhân chủ yếu cho hiện trạng này là do thiếu người hiến thận, hiến tạng để ghép.

Theo ông Ngọc Sinh, kể từ khi thực hiện ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1992, mà ông là người tham gia, rồi là phẫu thuật viên chính, đến nay, kỹ thuật ghép thận nói riêng, ghép tạng nói chung tại Việt Nam đã đạt đến mức độ ngang bằng khu vực, đem lại niềm tin tốt của công chúng, hy vọng thành công đó động viên công chúng tự nguyện hiến tạng nhân đạo nhiều hơn nữa.

Hiện nay, một nghịch lý phát sinh; thành công trong kỹ thuật cũng đi kèm với những thách thức, khi số lượng người đang chờ ghép thận lớn, dẫn đến tình trạng mua bán thận, tạng khác. Tệ nạn này cũng thường thấy không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới khi phát triển thành công kỹ thuật ghép tạng.

Theo tỉ lệ bệnh tật phát sinh tự nhiên trong xã hội, mỗi năm, Việt Nam ước tính có khoảng 5.000 trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối phát sinh, trong số đó có khoảng 1.500 trường hợp tiêu chuẩn khoa học có thể chịu đựng cuộc mổ ghép, và điều này làm gia tăng áp lực, nhu cầu ghép. Đồng thời cũng tăng tình trạng mua bán thận, gây tác động tiêu cực đến xã hội. "Cho nên chúng ta phải làm thế nào để tăng số lượng hiến tặng", ông Ngọc Sinh phân tích. Ông lưu ý rằng, mỗi năm có khoảng 10.000 vụ tai nạn giao thông tại Việt Nam, và chỉ cần 500 người trong số đó đồng ý hiến tặng, sẽ có 1.000 người được ghép thận mỗi năm. Điều này sẽ giúp hạn chế mua bán thận và ổn định xã hội. Để đạt được mục tiêu này, ông Ngọc Sinh nhấn mạnh sự cần thiết của ý thức trong cộng đồng về tầm quan trọng của việc hiến tạng sau khi qua đời.

Theo ông Trần Ngọc Sinh, làm ngành y, nghĩa là làm nghề trên sự sống, y đức là điều tiên quyết, và điều này đã được ghi rõ trong công ước quốc tế. Việc ghép tạng cũng liên quan đến tâm linh, và ông nhấn mạnh rằng nếu người hiến tặng không thoải mái, hoặc dùng các kiểu không minh bạch khiên cưỡng người cho tạng thì người nhận sau này cũng không thể cảm thấy an tâm, nhất là có hành động thiếu minh bạch với người hiến sau khi chết."Ngoài công việc trực tiếp phẫu thuật và khám chữa bệnh, tôi còn là một giáo viên. Tôi luôn dạy những nguyên tắc y đức cho thế hệ sinh viên của mình rằng: Ghép thận nói riêng hay ghép tạng, mô, nói chung, là một lĩnh vực đặc thù, vì nó liên quan đến việc lấy mô, tạng từ cơ thể của con người để ghép cho người khác. Điều đó cần cẩn trọng về mặt đạo đức xã hội và cả y đức nữa. Trong thực hành ghép tạng, người thầy thuốc, nhân viên y tế cần giữ vững chuẩn mực y đức, không vụ lợi và buôn bán trên thân xác người, vì điều này là vô nhân đạo, và vi phạm những chuẩn mực nhân văn trong hiến, ghép mô, tạng người" - ông nói.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/giao-su-danh-ca-su-nghiep-hoi-sinh-nhieu-benh-nhan-suy-than-giai-doan-cuoi-1307188.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/giao-su-danh-ca-su-nghiep-hoi-sinh-nhieu-benh-nhan-suy-than-giai-doan-cuoi-1307188.ldo
    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Giáo sư dành cả sự nghiệp hồi sinh nhiều bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO