Theo bài viết của một giáo sư Đại học Thanh Hoa trên Sohu, ngày nay, bố mẹ ngày càng chú trọng đến việc nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc (EQ) của một đứa trẻ. Bởi hầu hết những người thành công đều có chỉ số EQ cao hơn người bình thường.
"Người bạn thân nhất của tôi phàn nàn với tôi rằng, đứa con thứ hai của cô ấy có trí tuệ cảm xúc thấp. Tôi nghĩ chuyện gì đang xảy ra vậy!
Bạn tôi có hai người con và tính cách chúng rất khác biệt: Trong khi bạn bè của Tiểu Bảo luôn đến nhà chơi với anh ấy thì Tiểu Dao lại thích ở nhà một mình hoặc chơi với anh trai của mình.
Ngoài ra, Tiểu Bảo thích nói chuyện, tâm sự với mọi người về các vấn đề xảy ra quanh cuộc sống. Còn Tiểu Dao thì sống nội tâm hơn, thậm chí đôi lúc còn hơi ích kỷ", tác giả viết.
Liên quan đến vấn đề trí tuệ cảm xúc của trẻ, giáo sư Đại học Thanh Hoa cho biết, EQ không phải là biểu tượng của trí thông minh mà là biểu hiện của nhiều khả năng, đây chính là lý do trẻ có EQ cao dễ thành công hơn vì trẻ có nhiều khía cạnh về khả năng của trẻ.
Vậy nên, nếu bố mẹ quan sát thấy con cái bộc lộ 5 đặc điểm dưới đây có thể là dấu hiệu cho thấy con sở hữu trí tuệ cảm xúc cao, bố mẹ đừng vội bỏ qua.
Một đứa trẻ có EQ cao sẽ dễ đi đến đích thành công hơn
Ổn định cảm xúc
Cảm xúc liên quan trực tiếp đến hoàn cảnh sống của mỗi người, nhiều người chỉ vì một điều nhỏ nhặt mà không thể kiềm chế được cảm xúc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống.
Trong khi đó, những đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc cao đặc biệt ổn định về mặt cảm xúc bất kể chúng đang ở trong thời điểm hay tình huống nào. Những đứa trẻ như vậy có thể đưa ra những đánh giá hợp lý và đưa ra những lựa chọn tốt hơn về bất cứ điều gì.
Tính chủ động cao
Trong quá trình nuôi dạy con, nhiều bậc cha mẹ mong muốn con sẽ chủ động hơn trong làm việc nhà, tự chăm sóc bản thân và học tập nhưng không phải đứa trẻ nào cũng chấp hành.
Song, riêng những đứa trẻ có EQ cao thường có tính tự giác và chủ động cao, không cần để bố mẹ phải nhắc nhở quá nhiều.
Tầm nhìn dài hạn
Trẻ có trí tuệ cảm xúc cao có tầm nhìn xa, không bị vướng vào những lợi ích trước mắt, điều này cũng liên quan đến tính cách con người, trẻ có trí tuệ cảm xúc cao rất giỏi đặt ra mục tiêu cho bản thân và sẽ nỗ lực hướng tới điều này.
Có tính đồng cảm mạnh mẽ
Trẻ có trí tuệ cảm xúc cao thường rất giỏi trong việc quan sát cảm xúc của người khác, vì thế mà trẻ có thể chia sẻ và thể hiện sự nhạy bén, tôn trọng cần thiết khi giao tiếp.
Tính cách hòa đồng, thân thiện và gần gũi này giúp cho trẻ nhận được rất nhiều sự quan tâm và yêu mến từ mọi người xung quanh, từ đó có thể xây dựng được những mối quan hệ xã hội tốt và nhận được sự hỗ trợ trong các tình huống khó khăn.
Có khả năng tự nhận thức tốt
Trẻ có trí tuệ cảm xúc cao luôn hiểu và đánh giá đúng về bản thân, trẻ sẽ không tự tin một cách mù quáng hay tự ti quá mức. Điều này giúp trẻ có nhiều cơ hội thành công hơn trong cuộc sống.
Trẻ có EQ cao thích kết bạn và dễ đồng cảm với xung quanh
Ngược lại, có một số trẻ luôn thể hiện sự tự tin một cách mù quáng nhưng thực sự thì bản thân không có đủ năng lực, trong khi đó, có những trẻ lại tỏ ra tự ti và không dám thử sức dù biết mình có khả năng. Cả hai kiểu trẻ này thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thành tựu sau khi lớn.
Làm thế nào để bố mẹ có thể nuôi dạy những đứa trẻ có EQ cao?
Trẻ em có EQ cao là điều may mắn nhưng nếu không được rèn luyện, định hướng tương lai một cách rõ ràng thì chưa chắc con đã có thể phát huy được hết những lợi thế mà mình có. Do đó, cha mẹ cần:
Hướng dẫn con cách đối mặt với những cảm xúc tiêu cực
Điều này bao gồm việc khuyến khích trẻ thể hiện và thảo luận về cảm xúc của mình một cách tự nhiên, không cảm thấy xấu hổ hay sợ hãi khi nói về những cảm xúc tiêu cực.
Bố mẹ cũng nên tạo điều kiện cho con thoải mái khi chia sẻ và mở lòng về những suy nghĩ hay cảm xúc của mình. Đồng thời, hướng dẫn con cách xử lý và giải quyết những cảm xúc tiêu cực một cách lành mạnh, hiệu quả, thay vì kìm nén hoặc tự gánh vác một mình.
Bằng cách này, trẻ sẽ phát triển khả năng tự quản lý cảm xúc của mình một cách có ý thức và làm chủ được cuộc sống của mình từ những giai đoạn sớm nhất.
Thứ hai, nâng cao sự tự tin của trẻ
Nhiều trẻ em thường thiếu sự tự tin trong cuộc sống, điều này xuất phát từ sự giáo dục của gia đình. Một số bố mẹ có thói quen luôn chê bai con, vì nghĩ rằng cách nuôi dạy này sẽ giúp kích thích sức mạnh bên trong trẻ.
Cha mẹ hãy giúp con rèn luyện để ngày càng phát triển tốt hơn
Tuy nhiên, những đứa trẻ được giáo dục theo kiểu chê bai chắc chắn sẽ dễ hình thành lòng tự trọng thấp, từ đó tỏ ra tự ti và đánh giá sai về bản thân. Nếu muốn giúp con tránh xa lòng tự trọng thấp, bố mẹ phải học cách khen ngợi con và giúp con phát triển điểm mạnh của bản thân.
Các nhà tâm lý học nhận định rằng, những đứa trẻ tự tin có xu hướng đạt được nhiều thành tựu khi trưởng thành.
Khuyến khích con kết bạn nhiều hơn
Mối quan hệ xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kỹ năng xã hội và trí tuệ cảm xúc của trẻ. Bằng cách này, trẻ sẽ học được cách tương tác, hòa đồng khi làm việc nhóm, những kỹ năng mà con sẽ áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Bố mẹ cũng có thể tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào các hoạt động xã hội, như câu lạc bộ, trại hè hoặc các lớp học ngoại khóa, để giúp con mở rộng mạng lưới bạn bè và học hỏi từ các mối quan hệ khác nhau. Từ đó, trẻ sẽ phát triển khả năng giao tiếp, xử lý mối quan hệ xã hội một cách tự tin và thành công.
Rèn luyện tính tự lập cho trẻ
Tính tự lập cũng liên quan chặt chẽ đến chỉ số EQ của trẻ. Trau dồi tính tự lập sẽ giúp trẻ phát triển khả năng đánh giá một cách đúng đắn, không bị ảnh hưởng bởi sự áp đặt của đám đông hoặc quan điểm của người khác.
Nhiều bậc bố mẹ ngày nay thường chiều chuộng con cái, điều này có thể làm giảm tính tự lập của trẻ. Hãy tự hỏi liệu bản thân có là một trong những kiểu bố mẹ như vậy không? Nếu có, hãy bắt đầu thay đổi ngay từ bây giờ để giúp con phát triển khả năng tự lập và tự đưa ra quyết định.
Theo Đời sống và Pháp luật