Giáo dục là một cây cầu nối liền con người với nhau

First News| 19/08/2022 11:09

Một vị thầy phải biết thích nghi với sự nảy nở của đứa trẻ, phải tiếp xúc với những giai đoạn phát triển của đứa trẻ để dạy bảo và dìu dắt đúng với khả năng tiếp nhận của nó.

Vào thời xa xưa, phần lớn các Pharaoh đều là những tu sĩ được dạy dỗ cẩn thận và phát nguyện sống theo những lý tưởng phụng sự cao đẹp. Khi già yếu, họ thường chọn những người tài giỏi trong nước thay họ làm Pharaoh để tiếp tục truyền thống phụng sự tốt đẹp này. Theo thời gian, một số Pharaoh thiếu giáo dục đã đặt ra tục lệ thừa kế thiêng liêng để giành địa vị cho con cháu, cho người trong dòng họ nên từ đó nền giáo dục cũng thay đổi đi rất nhiều.

Thay vì được hướng dẫn dạy dỗ về những điều cao thượng, tốt lành để trở thành những con người chân thật thì các Pharaoh được giáo dục biệt lập trong nhung lụa, hưởng thụ những tiện nghi vật chất. Chính lối dạy dỗ thoải mái, sung túc đó đã khiến họ trở nên thụ động, không thể tự mình giải quyết những vấn đề nan giải được nữa. Do đó, họ dựa vào sự giúp đỡ của các quan lại để tuyển lựa người từ các đạo viện. Việc lựa chọn này đã vô tình khuyến khích sự tranh đua, giành giật hơn kém.

88.gif

Vì căn bản giáo dục suy đồi như thế nên hầu hết quan lại đều có tham vọng riêng và hậu quả là việc cai trị được đặt trên tinh thần bộ lạc, phe nhóm, môn phái khiến tình trạng tranh cướp, chém giết lẫn nhau đã xảy ra. Tranh giành nhau chưa đủ, họ quay qua chiếm đoạt tài sản của nước khác, gây chiến tranh khắp nơi. Cuộc chiến đã dẫn dắt con người vào những hố thẳm, phá hủy con người tận gốc rễ, làm mất đi những hạt giống thiện, những căn bản đạo đức.

Phần lớn những người thành công nhờ chiến tranh chỉ biết đến chém giết, tranh cướp, giành giật như lối sống duy nhất. Nếu một quốc gia mà đa số người dân không còn biết phải trái, tốt xấu vì các mầm mống cao thượng đã bị thui chột thì làm sao có thể phát triển và tiến bộ cho được? Nếu cha mẹ là những người chỉ biết đến hận thù, tranh đấu thì làm sao con trẻ có thể học được lòng tha thứ, thương yêu?

vietbao_giao-duc.gif

Giáo dục không phải là một bức rào ngăn cách con người, mà là một cây cầu nối liền con người với nhau. Nếu một cái cây còn non phải được che chở, uốn nắn để sau này có thể chịu đựng được những đổi thay về thời tiết, những cơn mưa gió phũ phàng thì con người cũng thế. Một đứa trẻ phải được giáo dục cẩn thận từ nhỏ để nó có đủ sức đương đầu với những thử thách của cuộc đời. Thiếu giáo dục thì đứa trẻ sẽ thua trước khi lâm trận, và thiếu hiểu biết thì nó sẽ bị lôi kéo vào những sa ngã vì những ảnh hưởng xấu xa mà nó không biết phân biệt.

Giáo dục là điều quan trọng nhất trong việc đổi thay, phục hồi những đức tính cao thượng, tốt lành vẫn ẩn tàng trong tất cả mọi con người. Giáo dục là một tiến trình tổng quát và linh động, chứ không thể gò bó trong những quy luật cứng ngắc hay các giáo điều, vì nó là một nghệ thuật cần được phát triển từng ngày, từng giờ, từng phút.

8.gif

Vì giáo dục là một nghệ thuật nên nhà giáo dục không những phải là người có kiến thức mà còn phải là những nghệ sĩ, những người có tâm hồn rộng mở với tự nhiên, biết rung động theo nhịp điệu của thời tiết, vui buồn với thế thái nhân sinh. Họ phải là những con người hoàn toàn tự do trong việc nuôi dưỡng, huấn luyện những tâm hồn còn non dại, ngây thơ này. Một vị thầy phải biết thích nghi với sự nảy nở của đứa trẻ, phải tiếp xúc với những giai đoạn phát triển của đứa trẻ để dạy bảo và dìu dắt đúng với khả năng tiếp nhận của nó.

Này Sinuhe, ta đã cho xây cất tại Tell el-Amarna những vườn cây, những con suối, những hồ nước để sau này nó trở thành một trung tâm giáo dục quan trọng của toàn vùng. Không gì hữu ích cho con người bằng những ảnh hưởng của thiên nhiên, và không đứa trẻ nào lại không thích thú những gì sống động như cây cỏ, hoa lá, chim chóc, thú vật. Theo chương trình đã vạch sẵn, ta sẽ đưa tất cả con trẻ về đây để thụ hưởng một nền giáo dục toàn vẹn, không phân biệt đứa trẻ đó phát xuất từ đâu hay gia cảnh như thế nào. Ngày xưa, việc giáo dục chỉ dành riêng cho các gia đình quý tộc, nhưng ta không chấp nhận một sự phân biệt như thế. Đối với ta, bất cứ đứa trẻ nào cũng đều phải được đối xử công bình như nhau, và ta sẽ giao phó cho ngươi trọng trách chỉ huy trung tâm giáo dục này.

Trích sách Dấu chân trên cát - Nguyên Phong.

Mua sách tại đây:
Dấu chân trên cát: https://bit.ly/Dauchantrencat-...
Bộ sách 15 cuốn đầy đủ của Nguyên Phong: https://bit.ly/tronboNguyenPhong15cuontiki

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục là một cây cầu nối liền con người với nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO