Thi tốt nghiệp THPT: Kĩ năng viết đoạn văn nghị luận “lấy lòng giám khảo”

Minh An (t/h)| 31/05/2021 11:07

Việt BáoTiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã có một số chia sẻ về phương pháp triển khai nội dung dành cho nghị luận về hiện tượng xã hội giúp thí sinh “lấy lòng giám khảo” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Theo cô Trịnh Thu Tuyết, dạng bài viết một đoạn văn nghị luận về một hiện tượng xã hội có dấu hiệu nhận biết là trong đề bài thường xuất hiện từ “hiện tượng” đứng trước một khái niệm hoặc một cụm từ ngữ. Phương pháp triển khai viết đoạn văn với dạng đề này vẫn theo cấu trúc 3 phần như sau:

Mở đoạn: Học sinh giới thiệu hiện tượng xã hội cần nghị luận.

Thân đoạn:

Giải thích khái niệm (nếu có): Để giải thích khái niệm có nhiều cách, cách thứ nhất là giải thích bằng lí lẽ, cách thứ 2 là giải thích bằng câu chuyện. Cô Tuyết lưu ý các em khi giải thích cần tránh lan man, kể lể dài dòng.

Sau khi giải thích cặn kẽ về khái niệm, học sinh cần trình bày, mô tả sự việc, hiện tượng thông qua các biểu hiện phổ biến trong thực tế xã hội. Trong phần này các em lưu ý tiết chế việc đưa các hiện tượng, tốt nhất là nên chọn 1-2 hiện tượng cụ thể, điển hình.

Cô Trịnh Thu Tuyết

Lý giải nguyên nhân của hiện tượng. Ví dụ như vận động phong trào sống tử tế, sau khi giải thích khái niệm và chỉ ra một số biểu hiện của việc sống tử tế, học sinh cần lý giải nguyên nhân của việc sống tử tế bắt nguồn từ truyền thống trọng nghĩa tình lâu đời của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, học sinh cần thấy được nguyên nhân sâu xa do sự tử tế trong cuộc sống hiện tại đã hao hụt đi rất nhiều nên cần phải hô hào, vận động phong trào sống tử tế. .

Đánh giá về hiện tượng: Trong phần này, học sinh cần đánh giá hiện tượng đó là tiêu cực hay tích cực, có tác động như thế nào đến tính cách, tâm hồn của con người và sự phát triển của cộng đồng. Tại sao cần ủng hộ hay tại sao cần lên án, phê phán với hiện tượng xã hội này,...

Bàn luận về hiện tượng: Thứ nhất, các em có thể đặt ra những câu hỏi lật ngược vấn đề là có phải lúc nào hiện tượng xã hội này cũng tiêu cực/tích cực. Thứ hai là đánh giá về tính lịch sử, tính thời đại của hiện tượng xã hội. Thứ ba là cần có sự tham gia của lực lượng xã hội nào để duy trì, phát triển hiện tượng hoặc lên án để hướng tới xóa bỏ hiện tượng đó.

Kết đoạn: Học sinh rút ra bài học nhận thức và hành động từ những hiện tượng xã hội vừa bàn luận.

Thông qua những nội dung kiến thức vừa chia sẻ, cô Tuyết hi vọng các em học sinh có thể ghi nhớ kĩ năng viết đoạn văn của hai dạng nghị luận xã hội để có hướng triển khai các luận điểm, luận cứ, luận chứng trong bài một cách hợp lí và thuyết phục nhất.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thi tốt nghiệp THPT: Kĩ năng viết đoạn văn nghị luận “lấy lòng giám khảo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO