Học phí trường y nửa tỷ: “Bác sĩ đi ra từ nhà giàu”?

Thanh Thanh| 04/06/2020 11:58

Việt BáoThông tin Trường ĐH Y Dược TP.HCM tăng học phí gấp 5 lần so với hiện tại, với ngành cao nhất lên tới 70 triệu đồng/năm (khoảng nửa tỷ đồng/6 năm học) đang thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh.

Chị Đoàn Minh Hương (quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Mấy hôm nay không khí trong nhà tôi ảm đạm vô cùng vì thông tin trường Đh Y Dược TP.HCM tăng học phí lên cả nửa tỷ trong suốt quá trình học. Từ năm lớp 10 con trai tôi đã xác định thi ngành Y đa khoa của trường này nên thằng bé rất nỗ lực học tổ hợp môn khối B với mong muốn năm nay đăng ký nguyện vọng 1 vào trường ĐH Y Dược TP.HCM. Nhưng có lẽ đến bây giờ gia đình phải cân nhắc lại phương án lựa chọn. Một trường đại học mà học phí quá cao, học vất vả, đi làm cũng rất vất vả.

Sinh viên ngành y vô cùng vất vả so với ngành khác (ảnh minh họa)

Trong khi đó, lương khởi điểm khi ra trường của một bác sĩ là 3,7 triệu. Đó là trong trường hợp may mắn tốt nghiệp được vào các bệnh viện công. Tôi biết rất nhiều bác sĩ khi ra trường còn chấp nhận làm không lương vài năm mới được ký hợp đồng chính thức.

Vậy thử hỏi thì đầu tư hơn nửa tỷ học phí liệu có đáng? Bạn tôi là bác sĩ ở nước ngoài, học phí cao, đầu vào khắt khe nhưng họ có chính sách rõ ràng về lương bác sĩ. Anh bạn tôi là bác sĩ nội trú ở Mỹ có mức lương 10.000 USD/tháng. So sánh mức lương đó với lương bác sĩ khi ra trường ở Việt Nam thì đúng là xót xa khi con học ngành y”.

Bảng học phí năm học 2020-2021 của ĐH Y Dược Tp.HCM

Bác sĩ Nguyễn Tiến Nguyên (công tác Bệnh viện Đa khoa Phúc Anh, Thái Bình) chia sẻ: "Sinh viên Y khoa đi học là một cuộc chạy đua vất vả và có phần tàn khốc. Suốt 6 năm đại học là những ngày “mài mông” trên giảng đường và thư viện để tìm tài liệu tự học. Khi vẫn hì hục là sinh viên thì bạn bè ngành khác như kinh tế, sư phạm đã ra trường, đến khi mình ra trường thì họ ổn định với mức lương khá cao.

Khi các bạn cùng trang lứa với tôi thành đạt mua nhà tậu xe thì tôi mới học tiếp lên chuyên khoa với mong muốn có mức lương cao hơn. Việc chúng tôi không có thời gian bên vợ con, chăm sóc bố mẹ là điều thường xuyên, đó là chưa kể những đêm trực, ngày lễ trực khá áp lực…

Đó là ngày xưa khi tôi học, học phí chỉ dao động chưa đến 10 triệu/năm mà bố mẹ còn “sót vó” mỗi khi đến kỳ nộp học phí. Nếu tôi sinh ra chậm vài năm, năm nay mới vào đại học với mức học phí nửa tỷ suốt quá trình đào tạo thì đúng làm không dám mơ mặc áo blouse.

“Học phí đến 70 triệu/năm thì con em nông dân nào dám mơ. Bác sĩ có lẽ sẽ chỉ đi ra từ nhà giàu mà thôi”, bác sĩ Nguyễn Tiến Nguyên cho hay.

Cũng theo phân tích của bác sĩ Nguyễn Tiến Nguyên, với mức học phí cao như vậy khó tránh khỏi việc thí sinh có hoàn cảnh khó khăn không thể theo học. Vậy với những trường hợp này phía ĐH Y Dược TP.HCM cần phải có giải pháp để hỗ trợ cho sinh viên của mình để đảm bảo các em không phải bỏ học giữa chừng vì học phí.

Tiếp nữa, với mức “học phí trong mơ” nhà trường cần phải đưa ra cam kết về chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp. Trong quá trình học, các em phải được đảm bảo quyền lợi tiếp cận với những trang thiết bị thực hành hiện đại, đáp ứng nhu cầu việc làm sau khi ra trường.

“Thế hệ 7X của tôi đào tạo trong trường y dược Thái Bình vẫn rất chật vật về cơ sở vật chất, có những tiết học trong phòng thí nghiệm hay thực nghiệm nhưng lớp 40 sinh viên mà lượng máy móc chỉ có vài cái, thành ra chia ca học thực nghiệm nhưng cũng không khác gì cưỡi ngựa xem hoa. Phần lớn thời gian sau đó, tôi phải vào thư viện tìm thêm tài liệu, hỏi thêm các giảng viên.

Có những môn học đặc thù phải “mắt thấy, tay sờ” thì mới lĩnh hội hết được còn học trên lý thuyết mà không đi vào thực hành thì rất khó với ngành liên quan đến khám chữa bệnh vì sau này khi hành nghề chỉ một sai sót rất nhỏ thôi là nguy hiểm cho bệnh nhân nên bác sĩ hơn ai hết phải rất cẩn trọng.

Trường đại học tiến đến tự chủ tài chính thì thu đúng, thu đủ mức học phí cho đào tạo nhưng nhà trường cũng cần cam kết chất lượng và quyền lợi của sinh viên chứ không thể muốn thi bao nhiêu cũng được mà chất lượng không đến đâu”, bác sĩ Nguyễn Tiến Nguyên bày tỏ quan điểm.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Học phí trường y nửa tỷ: “Bác sĩ đi ra từ nhà giàu”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO