Học phí ĐH Y dược cao: Tự chủ tài chính thì thu cao là tất yếu?

Thanh Thanh| 03/06/2020 18:47

Việt BáoNếu trường đào tạo về y dược mà tự chủ tài chính thì việc thu học phí cao là tất yếu. Học phí khoảng 1,5 triệu/tháng thì khó có thể đào tạo nếu nhà trường không bù lỗ. Lỗ 1 năm thì được chứ nếu lỗ mãi thì chi phí đâu ra để tiếp tục đào tạo có chất lượng?

Mới đây, Trường ĐH Y dược TP.HCM công bố phương án tuyển sinh 2020 đáng chú ý nhất là học phí tăng chóng mặt, từ mức 13 triệu đồng/năm lên 70 triệu đồng/năm với ngành Răng – Hàm – Mặt.

Cụ thể, từ năm 2020, học phí với ngành Răng - Hàm - Mặt lên tới 70 triệu đồng/năm thay vì 13 triệu/năm như trước đó, ngành Y khoa là 68 triệu đồng/năm, ngành Kỹ thuật phục hình răng là 55 triệu đồng/năm, ngành Dược học là 50 triệu đồng/năm.

Các ngành Điều dưỡng, Điều dưỡng chuyên ngành hộ sinh, Điều dưỡng chuyên ngành gây mê hồi sức, Kỹ thuật xét nghiệp y học, Kỹ thuật phục hồi y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng là 40 triệu đồng/năm, ngành Y học dự phòng và Y học cổ truyền 38 triệu đồng/năm; ngành Dinh dưỡng và Y tế cộng đồng thấp nhất là 30 triệu đồng/năm.
Học phí ngành y dược đang khiến nhiều người choáng váng

Thông tin này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Đa số đều tỏ ra rất sốc trước việc học phí tăng chóng mặt.

Chị Dương Phương Liên (Quận 1, TP.HCM) cho hay: “Năm nay con trai tôi dự định thi vào ngành y đa khoa của ĐH Y Dược TP.HCM. Tuy nhiên, khi thấy đề án tuyến sinh cũng như mức học phí của nhà trường áp dụng từ năm 2020 gia đình tôi phải bàn với con và cân nhắc lại phương án thi vào trường này.


Bởi lẽ, những năm trước học phí chỉ dao động khoảng trên dưới 10 triệu/năm nhưng năm nay nhà trường nói được tự chủ hoàn toàn, nhà nước không cấp kinh phí đào tạo nếu thu với mức như năm trước thì nhà trường phải bù lỗ rất lớn, khó vận hành hệ thống.

Với mức học phí tăng từ hơn 10 triệu/năm lên 68 triệu/năm là điều nhiều phụ huynh và thí sinh khó có thể “chống đỡ” được, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như bây giờ”.

Một lãnh đạo ĐH Y Dược Thái Bình cho chia sẻ, đào tạo ngành y rất đặc thù. “Hiện nay đào tạo với ngành y đa khoa, khó để tính đúng, tính đủ nhưng chi phí cho đào tạo một bác sĩ là rất lớn. Quan trọng nhất với ngành y là thời gian sinh viên học thực hành rất nhiều với những phương tiện vật tư, nguyên liệu khá tốn kém.

Có những nguyên liệu như ngành răng chỉ có thể dùng một lần là bỏ đi chứ không thể dùng lại được. Nếu trường đào tạo về y dược mà tự chủ tài chính thì việc thu học phí cao là tất yếu, còn học phí khoảng 1,5 triệu/tháng thì khó có thể đào tạo nếu nhà trường không bù lỗ. Lỗ 1 năm thì được chứ nếu lỗ mãi thì chi phí đâu ra để tiếp tục đào tạo có chất lượng cao?”.

Vậy câu chuyện đặt ra là những sinh viên nghèo mà yêu thích ngành y liệu có phải chia tay mơ ước chỉ vì chuyện học phí quá cao? Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng đào tạo ĐH Y Dược TP.HCM cho biết: “Nhà trường luôn có chính sách hỗ trợ, đảm bảo không có sinh viên nghèo, học giỏi trúng tuyển mà bị bỏ lại.

Chắc chắn chúng tôi không để một sinh viên nghèo học giỏi, có ước mơ làm bác sĩ trúng tuyển vào trường mà bị bỏ lại.

Theo quy định, các trường dành 8% nguồn thu làm quỹ học bổng nhưng Trường ĐH Y dược TP.HCM thường trích lại tới 10%. Quỹ học bổng này cùng với sự ủng hộ từ các doanh nghiệp, đơn vị bên ngoài sẽ dùng để hỗ trợ sinh viên học giỏi, có hoàn cảnh khó khăn.

Trường đưa mức thu này để một phần tích lũy cho phát triển, giúp sinh viên được thụ hưởng, sử dụng thiết bị hiện đại, những gì tốt nhất trong quá trình học. Nhà trường cũng công khai học phí từ đầu năm để xã hội biết, học sinh và phụ huynh cân nhắc”.

Học phí ngành Răng  - Hàm – Mặt tại ĐH Y Dược TP.HCM là 70 triệu/năm, mỗi năm tăng 10% như vậy tổng 6 năm sau đào tạo sinh viên mất khoảng gần 540 triệu tiền học phí.

Nếu sinh viên phải đi vay ngân hàng để trả số học phí đó thì một bác sĩ sau khi ra trường phải ôm nợ khoảng 540 triệu, đó là chưa tính chi phí ăn ở. 

Một bác sĩ ra trường tầm 2 năm với mức lương hơn 10 triệu (trừ chi phí ăn ở khoảng 5 triệu/năm) thì bác sĩ này cũng mất nguyên gần chục năm để trả nợ học phí học đại học…
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Học phí ĐH Y dược cao: Tự chủ tài chính thì thu cao là tất yếu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO