Đề xuất dạy thêm là ngành nghề kinh doanh để quản lý chặt hơn!

Thanh Thanh| 10/06/2020 12:46

Việt Báo“Đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mục đích là để tăng cường quản lý hoạt động này”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho hay.

Mới đây, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư về việc đưa “dịch vụ dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông” vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Nêu quan điểm của mình về vấn đề này, bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng cần phải có giải pháp quản lý dạy thêm, nếu không dạy thêm sẽ tiếp tục biến tướng hơn thời gian qua tạo nên nhiều áp lực cho học sinh.

“Trong xã hội hiện nay học thêm là nhu cầu có thực và rất chính đáng. Giáo viên giỏi họ cũng có nhu cầu kèm cặp cho học sinh giống như bác sĩ được mở phòng khám tư nếu năng lực tốt và đáp ứng các điều kiện. Việc dạy thêm, học thêm đưa vào luật tôi hoàn toàn tán thành, vấn đề là làm sao để quản lý nó tốt nhất để xóa đi những biến tướng mà thời gian qua nó sinh ra.

Tôi biết có những cô không giỏi thật sự nhưng vẫn mở lớp dạy thêm, quảng cáo “một tấc lên trời”, học sinh không đi học thêm thì bị “đì” bị cô không quan tâm nữa. Vì áp lực đó nên dù không có nhu cầu thì nhiều phụ huynh vẫn nhắm mắt đưa con đến lớp học thêm vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền mà không giải quyết điều gì. Vì thế chúng ta cần quy định rõ, điều kiện dạy học, phòng học, chỗ ngồi, trình độ giáo viên thế nào thì được dạy thêm. Tức là phải sớm đưa ra chi tiết các quy định về việc này.

Khi có quy định mà giáo viên vi phạm thì sẽ có chế tài nghiêm khăc để răn đe. Có vậy mới mong quản lý tốt hoạt động này”, bà Văn Liên Na chia sẻ.

Ảnh minh họa: Internet

Cũng theo bà Na, hiện nay không ít giáo viên vẫn dạy chui. Lại sinh ra chuyện khi giáo viên đang dạy học, lại có người đến kiểm tra, vi phạm trước mặt học trò, là điều không hay trong con mắt học trò và phụ huynh khi nghề giáo vẫn được ca tụng là nghề cao quý nhất.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) thì việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm hiện nay chưa có trong danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Bộ GD&ĐT đã 2 lần gửi văn bản kiến nghị với Bộ Kế hoạch - Đầu tư đưa việc cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa theo chương trình giáo dục phổ thông vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội thông qua. Mục đích là để tăng cường quản lý hoạt động này.

Bộ GD&ĐT cũng sẽ rà soát, ban hành văn bản thay thế Thông tư số 17 quy định về dạy thêm, học thêm cho phù hợp với tình hình thực tế, sau khi hoạt động về dạy thêm, học thêm được bổ sung vào danh mục hoạt động đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Khi dạy thêm, học thêm được đưa vào luật, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu quy định chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với việc thực hiện dạy thêm, học thêm trái quy định để quản lý tốt nhất hoạt động này.

Còn theo cô giáo Nguyễn Minh Hhương – Giáo viên trường Tiểu học -THCS  Đông Tân (Thái Bình) học thêm là nhu cầu có thật khi chương trình chưa được giảm tải, loại bỏ những kiến thức hàn lâm, không cần thiết trong cuộc sống.

Để không còn dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay cần có giải pháp phù hợp thực tế; nhận diện được các hành vi ép học sinh đến lớp học thêm; có hình thức kỷ luật đích đáng với giáo viên dạy thêm như vậy.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất dạy thêm là ngành nghề kinh doanh để quản lý chặt hơn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO