Bí quyết thi vào lớp 10 môn Văn: Làm sao chinh phục dạng bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ?

Minh An| 17/05/2021 08:05

Việt BáoKhi làm dạng bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ, thí sinh thường mắc những lỗi sai cơ bản như: quá máy móc trong tiếp cận, viết lan man không đúng trọng tâm…

Nhằm giúp thí sinh khắc phục được những lỗi trên, cô Đỗ Khánh Phượng – Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ một vài kĩ năng giúp các em chinh phục dạng bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

Hiểu đúng về dạng bài Nghị luận về đoạn thơ, bài thơ

Để làm tốt dạng bài Nghị luận về đoạn thơ, bài thơ, trước hết các em cần hiểu đúng về dạng bài này. Theo đó, “Nghị” tức là đưa ra ý kiến, “Luận” là bàn bạc, đánh giá.

“Nghị luận” là đưa ra ý kiến của mình, bàn bạc, đánh giá để hướng đến về một vấn đề được yêu cầu trong đoạn thơ, bài thơ. 

Nắm chắc những yêu cầu khi làm bài

Trước hết, học sinh cần xác định đúng vấn đề cần nghị luận, đó là nghị luận về nội dung hay hình thức? Khi làm một bài văn, các em có nhiệm vụ phải làm nổi bật vấn đề được đặt ra trong đề bài, tìm ra trọng tâm câu hỏi để giải quyết vấn đề. 

Sau khi xác định đúng vấn đề nghị luận thì việc cần làm tiếp theo là tìm ra luận điểm. Văn nghị luận thì phải có luận điểm rõ ràng. Những luận điểm này phần lớn đều phải dựa trên những cơ sở lí luận rõ nét. Luận điểm chính là sườn giúp bạn triển khai bài viết theo đúng trọng tâm, là linh hồn liên kết các luận cứ, lý lẽ khác trong bài.

Ví dụ, đề bài yêu cầu” Nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp của thiên nhiên trong bài thơ “Sang thu” của tác giả Hữu Thỉnh?

Với đề bài này, các em có thể triển khai theo hai luận điểm: Vẻ đẹp trong thời khắc giao mùa; Những biến chuyển của thiên nhiên khi thu sang.

Cô Đỗ Khánh Phượng – Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI

Lưu ý đến nghệ thuật ngôn từ khi nghị luận

Ngôn ngữ của thơ có những đặc điểm riêng biệt, khác ngôn ngữ văn xuôi hay các thể loại khác. Các em cần ghi nhớ, muốn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ, chúng ta phải đi từ nghệ thuật rồi mới phân tích tới nội dung.  

Các yếu tố chính các em cần lưu ý khi tìm hiểu một bài thơ như: nhãn tự, các từ khóa, thần cú trong bài, hình ảnh thơ, nhịp điệu, phép tu từ,…

Đối với một bài thơ, nhãn tự là điểm sáng, làm nổi bật được ý đồ nghệ thuật của nhà thơ. Các bài thơ hay đều có nhãn tự.

Ví dụ, với câu thơ “Sương chùng chình qua ngõ/Hình như thu đã về” (Sang thu), hình ảnh “sương chùng chình” là hình ảnh đắt giá, vì tác giả đã lấy không gian để miêu tả thời gian, lấy cái hữu hình để miêu tả cái vô hình. Từ “sương chùng chình” cho ta cảm nhận rõ ranh giới mong manh giữa hạ và thu một cách rõ nét.

Bên cạnh đó, nhịp điệu của bài thơ cũng rất quan trọng. Giống như một bài hát, nhịp điệu tạo nên những tiết tấu, nhịp điệu uyển chuyển cho câu thơ. Đây là yếu tố các em không được phép bỏ qua khi nghị luận.

Ví dụ câu thơ “Ung dung buồng lái ta ngồi/Nhìn đất, nhìn trời, nhìn mây” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính) có nhịp thơ 2/2/2, tạo cảm giác ung dung, tự tại khi đọc.

Hay với câu thơ “Thình lình đèn điện tắt/Phòng buyn-đinh tối om/Vội bật tung cửa sổ/Đột ngột vầng trăng tròn” trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, ta thấy sự biến đổi linh hoạt của nhịp điệu, tạo ra cảm giác vừa bất ngờ, vừa ung dung, cũng đồng thời cho ta cảm giác, đây là mạch cảm xúc ngân lên từ chính những thanh điệu đó.

Nói đến thơ, còn phải nhắc đến hình ảnh thơ và các phép tu từ được sử dụng trong thơ. Hình ảnh thơ được tạo dựng bởi nghệ thuật ngôn từ, và nhất là trong thơ cổ. Những hình ảnh thơ mang tính ước lệ, tượng trưng, tạo nên hiệu ứng nghệ thuật độc đáo cho bài thơ.

Hoàn cảnh sáng tác 

Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ gắn với nội dung của bài thơ, phản ánh tính hiện thực bài thơ. Hiện thực ấy được nhìn qua lăng kính của nhà thơ, nhưng vẫn có những dấu vết rất rõ ràng. 

Ví dụ: Tinh thần lạc quan, hào hùng trong bài thơ “Bài thơ về Tiểu đội xe không kính” là tinh thần của thời đại “Thà đốt cháy cả dãy Trường Sơn chứ không chịu mất nước”. Cả đất nước dồn nguồn lực chi viện cho miền Nam ruột thịt, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Tổ quốc, kháng chiến chống thực dân Mỹ xâm lược.  

Sử dụng kết hợp nhiều các phép lập luận

Trong đó, thí sinh nên sử dụng linh hoạt phép so sánh để có thể liên tưởng, mở rộng vấn đề, giúp bài làm dày hơn, sâu hơn.

Ví dụ: Khi phân tích “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, chúng ta sẽ so sánh người lính thời kì chống Pháp và người lính thời kì chống Mỹ qua 2 tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” và “Đồng chí”.

Ngoài ra, thí sinh cần biết đưa các kiến thức lí luận vào nghị luận. Lí luận là khoa học về nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Việc lồng ghép các kiến thức lý luận vào bài viết sẽ giúp bài của chúng ta có chiều sâu hơn, tăng tính thuyết phục cho quan điểm trình bày. 

Ví dụ: Khi phân tích từ “chùng chình” trong bài thơ Sang thu, chúng ta có thể nói rằng: “Lựa chọn ngôn từ là yếu tố quan trọng làm nên thành công của tác phẩm thơ ca. Và Hữu Thỉnh đã rất tinh tế khi lựa chọn từ láy chùng chình cùng phép nhân hóa vào câu thơ của mình, biến hình ảnh đám mây bình thường trở nên có linh hồn, đầy cảm xúc, cũng sống động từng nhịp”.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Bí quyết thi vào lớp 10 môn Văn: Làm sao chinh phục dạng bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO