Xinhua đưa tin, cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời hôm nay 30/11 ở Thượng Hải vì bệnh ung thư máu và suy đa tạng. Ông hưởng thọ 96 tuổi.
Ông Giang sinh năm 1926 tại Dương Châu, tỉnh Giang Tô. Ông tốt nghiệp Đại học Giao thông Thượng Hải vào năm 1947 với tấm bằng kỹ sư điện. Sau đó, ông được cử đi học tại Liên Xô vào những năm 1950. Ông trở về nước và thăng tiến lên nhiều chức vụ cao trong chính quyền.
Ông giữ vị trí Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1989-2002 và Chủ tịch Trung Quốc từ 1993-2003. Ông được xem là nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn trong chính trường Trung Quốc kể cả sau khi đã về hưu. Ông là người sáng lập chính sách của thuyết "Ba đại diện" đã được đưa vào điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc và được cụ thể hóa vào Hiến pháp nước này.
Thuyết "Ba đại diện" có nội dung: Đảng Cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại diện nền văn hóa tiên tiến và đại diện lợi ích của đông đảo nhân dân Trung Quốc. Đây được xem là nỗ lực của đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm thay đổi một cách phù hợp trong thế kỷ 21.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh giá, ông Giang là "nhà lãnh có uy tín cao, một chính khách, nhà chiến lược quân sự và nhà ngoại giao", nhấn mạnh sự ra đi của ông là một tổn thất to lớn đối với Đảng, quân đội, nhân dân Trung Quốc".
Đưa Trung Quốc hội nhập
Theo New York Times, ông Giang được xem là nhà lãnh đạo thúc đẩy mở cửa nền kinh tế Trung Quốc với thế giới bên ngoài.
Nhiệm kỳ của ông Giang đã chứng kiến những dấu mốc lớn của đất nước như sự kiện Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997; Bồ Đào Nha trao trả Macao năm 1999; Trung Quốc giành được quyền đăng cai Thế vận hội mùa Hè năm 2008; và sự kiện quan trọng nhất là việc nước này gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.
Robert Lawrence Kuhn, tác giả cuốn tiểu sử năm 2005, "Người đã thay đổi Trung Quốc: Cuộc đời và Di sản của Giang Trạch Dân", nhận định: "Sự kiện Trung Quốc gia nhập WTO có lẽ là chất xúc tác chính cho sự tăng trưởng vượt bậc của kinh tế Trung Quốc trong một thập niên".
New York Times đánh giá, dưới sự lãnh đạo của ông Giang, Trung Quốc đã nổi lên như một cường quốc sản xuất lớn và là một đối thủ kinh tế đang lên của các nước đang phát triển.
Ông Giang từng là bí thư và thị trưởng Thượng Hải trước khi đảm nhận chức vụ cấp cao trên trung ương. CNN cho rằng, ông là một chính trị gia sắc sảo, khôn ngoan.
New York Times nhận định, nhiệm kỳ của ông Giang được xem là "thời kỳ vàng son" của Trung Quốc trong quá trình toàn cầu hóa với quan điểm ủng hộ nền kinh tế thị trường.
CNN cho hay, một dấu hiệu cho thấy chính sách cởi mở và linh hoạt của ông Giang chính là việc ông đã mở đường cho các doanh nhân ở khu vực tư nhân gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2001, ông tuyên bố đảng Cộng sản sẽ chấp nhận các doanh nhân là đảng viên, một động thái quan trọng đã tiếp thêm sinh lực cho đảng và thúc đẩy khu vực tư nhân đang phát triển mạnh của Trung Quốc.
Ông Giang được xem là người yêu thích các ngôn ngữ và nghệ thuật. "Tôi cảm thấy rằng bất kể nghề nghiệp của một người là gì, nếu họ thích đọc một số tác phẩm văn học, thưởng thức một chút âm nhạc, điều đó có thể rất hữu ích cho sự phát triển lành mạnh của con người", ông Giang nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn năm 1997.
Orville Schell, một học giả hàng đầu của Mỹ về Trung Quốc, nhận định: "Tôi nghĩ rằng ông Giang là một nhà lãnh đạo hoạt ngôn, cởi mở và thân thiện".