Kinh doanh kiểu... bất lương
Khi người dân miền Tây đang chuẩn bị lúa đông xuân, các chủ cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN), thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) liền chớp cơ hội. Một bộ phận chủ cơ sở kinh doanh kiểu bất lương bán những sản phẩm như thuốc trừ sâu không rõ nguồn gốc, phân bón kém chất lượng... tràn lan. Người nông dân một nắng hai sương trên đồng bị thất mùa do sử dụng VTNN kém chất lượng và giả. Trước thực trạng trên, lực lượng tuần tra kiểm soát tuyến biên giới Tây Nam luôn tăng cường lực lượng chốt chặt các địa bàn, đồng thời kiểm tra những cơ sở nghi vấn ngăn chặn VTNN kém chất lượng tung ra thị trường.
Lúc 9 giờ ngày 9-10, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp Đội quản lý thị trường số 1, thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra cửa hàng kinh doanh phân bón, thuốc BVTV Đức An (ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú, An Giang) do ông Trần Văn An (SN 1970) làm chủ. Tại đây, Tổ công tác phát hiện nơi trưng bày và kho có chứa trên 12.180 chai, gói thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón... đã hết hạn sử dụng. Tổ công tác lập biên tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và giao cho Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang thụ lý để tiếp tục xác minh, điều tra xử lý.
Thực tế, thuốc BVTV hết hạn sử dụng giảm tác dụng diệt sâu bọ, ảnh hưởng đến mùa màng. Người dân không cảnh giác vừa mất tiền lại sử dụng sản phẩm không hiệu quả. Hiện nay, nhiều cơ sở VTNN và kinh doanh thuốc BVTV nhu cầu mặt hàng lớn tung ra thị trường. Lực lượng công an tăng kiểm tra các cơ sở kinh doanh.
Kiểm tra cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Phúc Hưng (tổ 5, ấp Phú Hòa, xã An Phú, huyện Tịnh Biên) do ông Lưu Tư Trí (SN 1983) làm chủ, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phát hiện trên 15.700 chai, gói các loại thuốc trừ bệnh, trừ cỏ, diệt chuột và phân bón lá có xuất xứ nước ngoài. Ngay thời điểm kiểm tra chủ cửa hàng kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa.
Tương tự, tại cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc BVTV Phương Thúy (tổ 8, ấp Trung Bắc Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang) do bà Nguyễn Phương Thúy (SN 1977), lực lượng chức năng phát hiện trên 3.200 chai, gói thuốc BVTV và phân bón nhiều nhãn hiệu khác nhau nhưng chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa trên. Tổ công tác lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở về hành vi "kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ" và bàn giao Công an huyện Tịnh Biên làm rõ.
Số lượng "khủng" hóa chất, hàng điện tử
Ngoài VTNN và thuốc BVTV giả, kém chất lượng, các địa phương lo lắng trước việc nhập lậu hóa chất. Những lô hóa chất không rõ nguồn gốc sẽ gây tác hại lớn đối với môi trường. Lúc 11 giờ ngày 3-10, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang kiểm tra hành chính cơ sở kinh doanh do bà Phạm Thị Mỹ Phương (SN 1969, ngụ ấp Thạnh Phú, xã Khánh An, huyện An Phú) được ủy quyền làm đại diện. Trong kho của cơ sở có 68 thùng kim loại in chữ nước ngoài. Bên trong các thùng kim loại trên chứa chất lỏng; trên ghe gỗ có 600 bao hóa chất nhãn mác nước ngoài, 200 thùng nhựa màu trắng và 132 thùng kim loại màu xanh in chữ nước ngoài chứa chất lỏng. Tất cả, số hàng hóa trên không có nhãn phụ kèm theo. Riêng 600 bao hóa chất, đại diện cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, khoảng 18 giờ 30 ngày 2-10, Tổ liên ngành chống buôn lậu của tỉnh tiến hành kiểm tra xe tải BS: 67C1-033.38 do Lê Hoài Đức (SN 1994, trú An Giang) điều khiển, vận chuyển 400 can nhựa màu đen in chữ nước ngoài không có nhãn, tem phụ theo quy đinh, bên trong chứa chất lỏng (loại hoá chất HNO3). Tài xế không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp các thủ tục nhập khẩu hàng hóa nước ngoài.
Công an TP.Châu (An Giang) phối hợp cùng Công an phường Châu Phú B kiểm tra hành chính nhà bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt (SN 1962, trú tổ 15, khóm Châu Thới 1, phường Châu Phú B, TP.Châu Đốc), phát hiện nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc và đã qua sử dụng gồm: 24 máy điều hòa mini, máy lọc không khí; 16 bếp gas, bếp điện từ, nồi cơm điện; 18 máy xay sinh tố; 42kg chảo, nồi inox các loại và 54kg đồ sành xứ...
Tràn lan mỹ phẩm không nguồn gốc
Bên cạnh việc thu giữ số lượng lớn thuốc BVTV, hóa chất, hàng điện tử... các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra cơ sở làm đẹp, các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cũng như các mặt hàng khác, khi kiểm tra tới đâu thì phát hiện sai phạm tới đó. Chiều 2-10, các cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh Yến Hồ (ấp Vĩnh Lộc, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) do bà Hồ Hải Yến (SN 1987) làm chủ, phát hiện khoảng 600 chai, hộp, lọ dầu gội, dầu xả, dưỡng tóc, dưỡng da, xịt tóc, mặt nạ, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc xuất xứ và một số hàng hóa nhãn mác ngước ngoài không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Trước đó, lực lượng kiểm tra cửa hàng kinh doanh Vạn Sống (phường Châu Phú A, TP.Châu Đốc), lập biên bản tạm giữ trên 2.400 sản phẩm là nước xịt tóc, nước sơn móng tay, máy xấy tóc, mặt nạ... không nguồn gốc xuất xứ và có xuất xứ nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Tại cửa hàng kinh doanh Thanh Hà 1 (phường Châu Phú A), lực lượng lập biên bản tạm giữ trên 600 chai keo xịt tóc, nước hoa, nước sơn móng tay; 53 máy cắt, uốn tóc và 120 hộp sáp vuốt tóc, không rõ nguồn gốc xuất xứ và có xuất xứ nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
Tại TP.Long Xuyên, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Long Xuyên phối hợp cùng Công an phường Mỹ Long và các Đội nghiệp vụ kiểm tra cơ sở kinh doanh Trần Lan (phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên) do bà Trần Thị Nhật Lan (SN 1978) làm chủ, phát hiện trên 13.800 sản phẩm là quần áo và trên 670 sản phẩm là túi xách, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhập lậu... Tổng giá trị hàng hóa hơn 1 tỷ đồng... Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Long Xuyên lập biên bản vi phạm hành chính chủ cơ sở về hành vi "kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập lậu" và lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên.