Ảnh minh họa |
Sau 3 ngày bỏ nhà ra đi, chồng chị đã trở về. Từ khe cửa, chị thấy anh bước ngập ngừng rồi khẽ gọi: “San đâu rồi con?”.
Ngày nào anh cũng quấn quýt với con bé, nên chắc anh đang nhớ nó. Con bé nhanh chóng xuất hiện ở bậc cửa, nhưng rụt rè quay lại phía chị, ánh mắt có vẻ sợ sệt. “Con ghét bố!”, nó hét lên rồi chạy ngược vào nhà, bỏ lại mình anh đứng như trời trồng. Chị khẽ nhếch mép.
Đây không phải lần đầu San phản ứng như thế. Chị muốn con ghét anh, hận anh. Bởi thế, những lúc chồng vắng nhà, chị không tiếc lời kể tội anh. Như lần này chẳng hạn. Vì giận chị, anh bỏ đi mấy ngày không một dòng tin nhắn. Trong thời gian anh đi, chị kể lại đủ thứ chuyện xấu xa về anh cho con nghe, đôi lúc còn thêu dệt thêm vài chi tiết.
Hồi yêu nhau, chị dịu dàng và hiền lắm. Giữa hàng chục cô gái vây quanh, anh “chấm” chị cũng vì điều đó. Thời gian đầu sau khi cưới, cuộc sống vợ chồng anh cũng hạnh phúc viên mãn. Nhưng khi chị mang thai bé San, mọi chuyện đổi khác. Anh không vượt qua được cám dỗ trai gái, chị vác bụng bầu đến tận khách sạn định làm cho ra nhẽ. Cái cô cướp chồng kia không chút xấu hổ, lại còn nhìn chị nguýt dài: “Vợ anh đây sao? Người đâu mà…”. Từ đó, chị hận anh ghê gớm.
Người đời bảo “gái một con trông mòn con mắt”, ấy vậy mà sau khi sinh chị lại tự ti vì ngoại hình thô kệch của mình. Càng mặc cảm, chị càng muốn gây gổ. Thế là, bao nhiêu cái tốt bị cơn giận che mắt, cái xấu thì được “khoe” ra một cách hồn nhiên đến tội nghiệp.
Khi bé San lên 3, con tự nhiên trở thành nơi trút mọi tâm sự của chị. Chị kể về nỗi buồn của mình, kể về lần anh phản bội, kể về sự lạnh lùng của anh. San thấy mẹ khóc cũng khóc theo, rồi lau nước mắt cho mẹ. Nhưng đứa trẻ 3 tuổi thì đã ý thức được gì. Bé đâu biết giận ba, thậm chí ba đi đâu bé cũng đòi đi theo, làm gì cũng muốn làm theo.
Ý định “lôi kéo đồng minh” của chị thất bại. Những lúc ở nhà một mình, chị hay tưởng tượng ra cảnh cha con đang vui chơi cùng nhau, cười đùa tíu tít. Thế là chị có cảm giác bị cô lập, bị bỏ rơi.
Chị còn yêu anh. Chị không muốn ly hôn, nhưng lại muốn anh bị dằn vặt, muốn anh phải đau khổ như chị đã từng. Bé San càng lớn càng biết thêm nhiều tính xấu của bố, nhờ chị.
Chị hỏi: “Con có ghét bố không? Có thương mẹ không?”. Nếu bé trả lời “có” thì chị thở phào. Nhiều lúc, chị thấy mình ích kỷ, nhỏ nhen, quá đáng… Nhưng biết làm sao được, nói xấu anh trở thành một thói quen mới để chị giải toả tâm lý, để con yêu chị nhiều hơn yêu anh.
Thói quen ấy lắm khi khiến chị đi quá đà. Có lúc nổi đoá, chị còn “đồng hoá” con với chồng. Lau cái nhà không sạch, chị mỉa mai: “Ở bẩn như bố mày ấy”. Rửa cái bát bị vỡ, chị trách: "Sao mày hậu đậu giống bố vậy?”. Đi về muộn không nhắn tin báo trước, chị than: “Có biết mẹ ở nhà lo thế nào không? Học cái tính vô trách nhiệm của bố mày từ khi nào thế?”.
Thậm chí, thấy con gái mới tí tuổi đầu đã mê phim tình cảm, chị nhìn về phía anh, giọng chì chiết: “Coi mà yêu sớm đi. Chắc rồi cũng lăng nhăng như bố mày”…
Cũng sau những lần như thế, anh không chịu nổi kiểu bạo hành tinh thần ấy nên bỏ đi. Ở nhà, chị thoả sức vẽ ra cho con thấy những việc “bố nó” làm trong thời gian xa mẹ con chị. Những tật xấu của anh (theo lời chị) đã ăn sâu vào đầu óc của cô bé. Quyền tự hào ngày trước về bố dần dần bị chị tước đi. Chị có chút hả hê khi thấy con gái lạnh nhạt với bố. Nhưng hình như, nó cũng đang dần lạnh nhạt với chị.
Căn phòng nhỏ của San gần đây hay khoá trái cửa. Đến giờ ăn cô bé mới xuất hiện, xong lại lủi thủi lên phòng. Bé trầm tính hơn, thậm chí lầm lì. Đôi lúc, bé cãi lại bố mẹ rồi giương mắt lên thách thức. Cũng đôi lúc, bé ngại ngần khi chị sai đi rửa bát: “Nhỡ con hậu đậu, làm vỡ thì…?”.
Ảnh minh họa |
Một ngày, anh chìa đơn ly hôn trước mặt chị. “Đáng lẽ người viết đơn phải là tôi chứ? Tôi đâu có đàn đúm, ăn chơi, phản bội anh?”, chị rít qua kẽ răng.
Anh chỉ lắc đầu: “Sao cũng được. Em muốn thì đi viết tờ khác. Anh ký!”.
Chị ngồi thụp xuống, khóc nấc lên. Vì buồn, vì hận, vì bất lực. Chị chạy vào bếp lấy con dao rồi nhìn chằm chằm vào cổ tay. Bỗng chị sững lại. Đứa con gái ngồi thu mình trong góc bếp, ánh mắt vừa van lơn, vừa sợ hãi. Con dao trên tay chị rơi xuống. Chị chạy đến ôm con vào lòng, khóc nức nở. Vòng tay bé nhỏ ấy quàng qua người chị, bờ vai rung lên…
Mỗi người đều mang trên vai một gánh nặng. Nhưng vì không biết cách yêu thương nên họ trút gánh nặng đó cho người khác, để rồi trên vai họ vẫn không vơi nhẹ đi bao nhiêu.
Chị muốn bắt đầu lại, muốn bù đắp cho con. Chị không muốn cướp đi quyền tự hào của con. Vì gia đình, lần này chị sẽ cố. Chị dự định sẽ hòa giải nghiêm túc với anh...
Vũ Hoài