Giúp bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng
Khảo sát tại một số siêu thị, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, sau khi Nghị định 15/2022/NĐ-CP chính thức được áp dụng từ 1/2, đến nay, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ lớn đã hoàn tất điều chỉnh các mặt hàng theo mức giá mới nhờ giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) xuống 8%. Người tiêu dùng khi mua sắm tại hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market, Saigon Co.op… đều có thể kiểm tra thông tin thuế GTGT mới trên hóa đơn với mức thuế đã giảm từ 10% xuống còn 8%.
"Mình ở chung cư nên mua hàng thiết yếu chủ yếu ở siêu thị. Đợt này mình thấy trong hóa đơn đa số là những sản phẩm có VAT 5% hoặc 8%, chỉ có nhóm hàng chất tẩy rửa, xà phòng là VAT vẫn còn 10%. Tuy mức giảm không nhiều, nhưng đây cũng là sự chia sẻ rất ý nghĩa trong thời điểm dịch bệnh khó khăn như hiện nay", chị Hoàng Hải, ở Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ.
Tuy nhiên, vẫn có một số hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích cộng gộp thuế vào giá sản phẩm nên người dùng chưa rõ mức hưởng lợi cụ thể.
“Tôi cũng nghe báo chí nói giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% nhưng đi mua hàng thấy nhiều cửa hàng vẫn cộng gộp giá tiền sản phẩm và VAT nên cũng không rõ là họ đã giảm thuế hay chưa”, chị Phan Cẩm Minh, ở phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội băn khoăn.
“Đòn bẩy" giúp vực dậy nền kinh tế
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.Hà Nội, với chính sách giảm thuế GTGT, ngoài việc giảm được số thuế bản thân các doanh nghiệp phải nộp thì điều quan trọng nhất là góp phần kích cầu tiêu dùng. Bởi lẽ, trong 2 năm trở lại đây, tổng cầu đang giảm, trong khi đó tổng cung lại tăng đột biến. Khi giảm thuế GTGT, ngoài doanh nghiệp thì người dân, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi. Với thực tế hiện nay, mặt bằng hàng hoá đã có chất lượng, giá cả cạnh tranh thì người dân sẽ càng có lợi khi được mua hàng hoá với một mức giá hợp lý hơn.
Trong khi đó, đối với ngân sách, khi kích cầu thì ngân sách sẽ tăng thu. Đặc biệt, trong một chuỗi giá trị cung ứng, nhiều nhà đầu tư sẽ tự tìm đến với thị trường Việt Nam khi nước ta có các chính sách miễn, giảm thuế, phí, đặc biệt là thuế GTGT.
“Nhiều nước đã thực hiện đánh thuế GTGT 7-8% từ cách đây 5-10 năm. Chính vì vậy, động thái giảm thuế GTGT là vô cùng quan trọng vì nó phù hợp với thực tiễn khi mà chúng ta đang cần tới một sự kích cầu lớn. Chính sách này đã đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về tài chính đối với cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp trong năm 2022 và những năm tiếp theo”, ông Mạc Quốc Anh đánh giá.
Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, ngay sau khi chính sách được ban hành sẽ giúp các doanh nghiệp có các khoản tài chính tương đối tốt. Với các khoản tiền được giảm, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn để đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương hiệu, đổi mới khoa học công nghệ trong chuỗi tăng sản lượng, giúp tăng cường giá trị doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như trên thị trường quốc tế.
“Với nền kinh tế, các chính sách giảm thuế sẽ giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài đang có nhu cầu đầu tư, thu hút thêm được các tiềm lực kinh tế mới cho thị trường Việt Nam. Nhờ đó, giúp vực dậy mạnh hơn nữa nền kinh tế giai đoạn bình thường mới”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Xử lý nghiêm các trường hợp không giảm thuế GTGT
Liên quan tới một số trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chưa xuất hóa đơn giá trị gia tăng áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8%, bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách, Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay, Tổng cục Thuế đã ban hành Công điện yêu cầu các cục trưởng cục thuế chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý; bám sát địa bàn, người nộp thuế để hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện giảm thuế GTGT trên địa bàn để thực hiện đúng quy định về giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022 theo quy định.
“Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, Nghị định về giảm thuế GTGT, trên tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, người dân, cơ quan Thuế các cấp sẽ kiểm tra, giám sát về giá bán hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn. Trường hợp phát hiện các hiện tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước để tăng giá bán của các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT, cơ quan Thuế sẽ tham mưu các biện pháp xử lý với cơ quan có thẩm quyền”, bà Phạm Thị Minh Hiền khẳng định./.