Ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương đang trở thành một vấn đề cấp bách toàn cầu, đe dọa đến các hệ sinh thái, chất lượng môi trường và môi trường sống của con người và các loài sinh vật trên thế giới. Thực tế đó đòi hỏi thế giới phải chung tay khẩn trương hành động để giải quyết thách thức nghiêm trọng này trước khi quá muộn. Tổ chức bảo tổn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam đang đồng hành cùng Bộ TN&MT thực hiện các giải pháp cụ thể để hướng tới một môi trường tốt đẹp hơn trong tương lai.
Để hiểu hơn hoạt động này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc gặp gỡ ông Phạm Mạnh Hoài, Giám đốc quan hệ đối tác & chính sách nhựa Giảm thiểu rác thải nhựa biển ở Việt Nam thuộc WWF -Việt Nam.
Ông Phạm Mạnh Hoài, Quản lý hợp phần quan hệ đối tác và chính sách về nhựa |
Thưa ông, rác thải nhựa đại dương được biết đến là một “vấn nạn” ô nhiễm trắng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển. Để có một môi trường sinh thái tốt hơn cho tương lai, Tổ chức WWF đã cùng Việt Nam thực hiện dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam. Vậy xin ông cho biết rõ hơn về hoạt động này?
Ông Phạm Mạnh Hoài: Như chúng ta đã biết, tình trạng chất thải nhựa phát thải vào đại dương trên thế giới đang ở mức báo động. Rác thải nhựa và hạt vi nhựa được ghi nhận xuất hiện mọi nơi trong môi trường biển của trái đất. Vì vậy vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương có liên qua đặc biệt đến tất cả các quốc gia, Việt Nam với nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ cũng không ngoại lệ. Là tổ chức đi đầu trong công tác bảo tồn thiên nhiên, WWF-Việt Nam đã luôn đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong các hành động giảm rác thải nhựa.
Cụ thể chúng tôi đang cùng Việt Nam triển khai Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”. Dự án được chính thức phê duyệt theo Quyết định số 1426/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 07 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, được thực hiện từ năm 2019 đến 2023 từ nguồn kinh phí của Bộ Môi trường bảo tồn thiên nhiên và an toàn hạt nhân CHLB Đức.
Dự án được thực hiện với 4 hợp phần cụ thể, đó là: Truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa ở cả cấp trung ương và địa phương; Xây dựng và thực hiện chính sách đảm bảo cải thiện công tác quản lý chất thải rắn, bao gồm cơ chế hỗ trợ Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong sản xuất và sử dụng bao bì nhựa; Xây dựng các mô hình thí điểm giảm thiểu rác thải nhựa tại bảy thành phố/quận (huyện) tham gia Dự án, thông qua việc cam kết và triển khai chương trình Đô thị giảm nhựa của WWF; Quản lý hiệu quả và giảm lượng tồn đọng rác thải nhựa tại ba khu bảo tồn biển quan trọng: Phú Quốc, Cù Lao Chàm và Côn Đảo.
Việc triển khai Dự án sẽ góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.
Một trong những hợp phần quan trọng mà ông đã nói ở trên đó là tham vấn chính sách quản lý và trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Vậy xin ông/bà cho biết hiện chúng ta đã có kết quả nghiên cứu gì về vấn đề này và đã tham vấn gì cho Bộ TN&MT, đặc biệt trong bối cảnh Bộ TN&MT đang xây dựng Dự thảo quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất?
Ông Phạm Mạnh Hoài: Đúng là muốn đưa hoạt động giảm rác thải nhựa vào khuôn khổ, tăng tái chế, áp dụng hiệu quả mô hình tuần hoàn, giảm chôn lấp thì việc thiết lập hệ thống chính sách về vấn đề này phải đặt lên hàng đầu. Trong đó, việc đặt ra thể chế để quản lý sản phẩm nhựa thải bỏ gắn trách nhiệm với nhà sản xuất là một nội dung rất quan trọng. Trong năm 2020, WWF đã phối hợp với liên doanh INTECUS và cyclos, với sự hỗ trợ của Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường (Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh), hoàn thiện một nghiên cứu đánh giá cơ chế, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với chất thải bao bì tại Việt Nam.
Các kết quả của báo cáo này cung cấp thông tin tới các nhà hoạch định chính sách và các chủ thể tham gia vào quá trình chuyển đổi của Việt Nam theo hướng quản lý chất thải bền vững hơn, với định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu này cũng xác định cụ thể tình hình quản lý chất thải tại Việt Nam và dự thảo các kiến nghị về một cơ chế EPR phù hợp.
Trong đó, cung cấp cơ sở tài chính đáng tin cậy để thu gom, phân loại và tái chế bao bì ở quy mô lớn, điều này rất quan trọng để tạo ra tiềm năng kinh tế dọc theo chuỗi giá trị cho tất cả các vật liệu bao bì tiêu dùng và mặt hàng nhựa không phải bao bì. Bao gồm tất cả các vật liệu như (nhựa, giấy, kim loại, vật liệu composit) từ các hộ gia đình và những điểm phát sinh tương đương, nhằm tạo cơ sở tài chính và tổ chức để xử lý các sản phẩm thiết yếu và tránh các tác động thay thế không mong muốn trong thiết kế bao bì.
Nghiên cứu này cũng đề xuất mức thu phí để cho phép thúc đẩy thị trường tái chế thông qua việc áp dụng giảm các khoản phí EPR đối với bao bì tái chế có giá trị cao (tiền thưởng) và tăng phí EPR (tiền phạt) đối với bao bì có giá trị thấp hoặc không tái chế được do các công ty có nghĩa vụ chi trả. Từ đó, giúp khuyến khích nhà sản xuất sử dụng các loại vật liệu bền vững hơn, thiết kế sản phẩm và bao bì dễ tái sử dụng và tái chế hơn.
Nghiên cứu cũng đưa ra một Hệ thống giám sát và thực thi nghiêm ngặt để tránh gian lận, sẽ được các cơ quan chính phủ như Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện nhằm đảm bảo sự tuân thủ của tất cả các bên. Điều này đòi hỏi phải có sự minh bạch về thông tin và tài chính, cũng như đủ năng lực về đội ngũ cán bộ cũng như giáo dục và đào tạo. Hơn nữa, các tiêu chuẩn về kỹ thuật, môi trường và phúc lợi xã hội cần hướng dẫn hoạt động của mỗi chủ thể tham gia quản lý chất thải đối với bao bì và mặt hàng nhựa được bao gồm trong hệ thống.
Hiện tại, WWF đang tiếp tục tham vấn cùng Bộ TN&MT thông qua nghiên cứu bổ sung về độ sẵn sàng của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực hiện EPR, và cung cấp chuyên gia luật và môi trường để phân tích các giải pháp, lựa chọn trong việc xây dựng hướng dẫn và thực thi EPR tại Việt Nam.
Để thực hiện được giải pháp tăng tái chế, tuần hoàn vòng đời của nhựa, gắn trách nhiệm quản lý sản phẩm bao bì thải bỏ đối với nhà sản xuất thành công, theo ông vấn đề khó nhất hiện nay của Việt Nam là gì? Và chúng ta có giải pháp gì cho vấn đề này?
Ông Phạm Mạnh Hoài: Thực trạng quản lý chất thải bao bì ở Việt Nam có sự khác biệt đáng kể, đáng chú ý nhất là giữa khu vực thành thị và nông thôn: trong khi ở một số khu vực thành thị, việc phân loại và thu gom chất thải được thực hiện đạt hiệu quả cao, thì một số khu vực nông thôn thậm chí không có bất cứ hình thức thu gom chất thải nào, dẫn đến hiện tượng đổ rác trái phép và đốt ngoài trời. Việc chuyển đổi sang quản lý chất thải bền vững đòi hỏi một cách tiếp cận đủ linh hoạt nhằm giải quyết tất cả những khác biệt và định hướng các khoản đầu tư và hành động phù hợp với nhu cầu của từng khu vực.
Bên cạnh đó, năng lực tái chế của Việt Nam vẫn còn hạn chế đối với các loại vật liệu tái chế được thải ra trong phạm vi quốc gia và có giá trị cao, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng tầng lớp trung lưu và mức tiêu thụ bao bì bình quân đầu người. Một số nhà tái chế và vựa thu gom đang nhập khẩu và xử lý vật liệu tái chế được nhập khẩu, chiếm phần lớn tổng công suất.
Mặt khác, lĩnh vực quản lý và tái chế của Việt Nam có nhiều bộ, ban ngành cấp quốc gia, cấp tỉnh, và địa phương thuộc Chính phủ tham gia dẫn đến một khung thể chế rất phức tạp. Những trách nhiệm này thường được dàn trải giữa các bộ, kéo theo sự chồng chéo trong một số trường hợp.
Vì vậy, để sớm vận hành các hệ thống EPR thành công thì không thể thiếu việc phân công chính xác, đồng thời tuyên truyền, phổ biến sâu rộng vai trò và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan nhằm đảm bảo rằng không có những lỗ hổng gây cản trở hoặc thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình vận hành.
Với Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang được xây dựng dự thảo hướng dẫn thực hiện, được xem là cơ sở pháp lý, thì điều quan trọng là phải xây dựng một nền tảng trong đó có trách nhiệm được xác định rõ ràng nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Với tình hình dịch bệnh covid đang làm chậm đi quá trình nỗ lực giảm phát thải nhựa và có nguy cơ gia tăng loại chất thải nhựa khó tiêu huỷ như hiện nay, ông có đề xuất gì cho những vấn đề ưu tiên và lộ trình phù hợp giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam?
Ông Phạm Mạnh Hoài:Đúng là thời gian qua, dịch bệnh đã làm đảo lộn cuộc sống và gây ra không ít thiệt hại cho nền kinh tế của cả Việt Nam và thế giới, đang kéo chậm những kế hoạch, hành động mà chúng ta đang thực hiện nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, tích cực từ phía Bộ TN&MT và Chính phủ Việt Nam, chúng tôi được biết, Bộ TN&MT vẫn đang tiến hành rất khẩn trương việc xây dựng các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, đặc biệt là việc thực hiện cơ chế EPR được đề xuất là một cơ chế bắt buộc, tuân theo mô hình của Luật BVMT sửa đổi đã được thông qua.
Việc tuân thủ các yêu cầu pháp lý có thể kiểm soát một cách chính xác quá trình tuần hoàn của rác thải nhựa. Chính vì vậy tôi cho rằng, vấn đề then chốt vẫn là hoàn thiện thể chế trong thời điểm hiện nay.
Đồng thời cũng cần cải tiến, đưa ra cơ chế khuyến khích và lộ trình cụ thể cho việc thay đổi sản xuất và tiêu dùng không bền vững, hướng đến kinh tế tuần hoàn cho nhựa; Tăng cung ứng số lượng và chất lượng phế thải nhựa có thể tái chế; Nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ và tăng cường tuyên truyền, giáo dục.