PGS.TS.BS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương hiện là một trong những chuyên gia sản khoa hàng đầu của Việt Nam. Ông cũng là người có đóng góp lớn trong việc phát triển lĩnh vực sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sản bệnh lý của nền y học nước nhà, là người đưa chẩn đoán trước sinh từ Pháp về Việt Nam.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, việc đến ngành y của PGS Cường như một "cơ duyên lạ" và con đường trở thành bác sĩ sản khoa lại bắt đầu từ…"một sự cố".
Cuộc gặp mặt trước thềm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 với vị Giám đốc Bệnh viện Phụ Trung ương bắt đầu một cách giản dị và gần gũi cũng như con người ông: "Hôm vừa rồi con của em trai tôi nhập học trường Dược. Bố mẹ nó mất 2 ngày để chuẩn bị túi lớn, túi bé, cơm lứt, gạo trắng, gạo đỏ. Tôi bảo, chúng mày sướng thật. Năm 1982, tao đi học Đại học Y Hà Nội có đúng một cái chiếu và một cái túi".
Câu chuyện bất ngờ bị gián đoạn khi vị bác sĩ đã gần tuổi lục tuần nghẹn lại, xúc động nhớ về hành trang những ngày đầu lên Hà Nội từ 40 năm trước.
Hành trình ngược dòng thời gian gần nửa đời người được gói gọn trong cuộc trò chuyện kéo dài chưa đầy một giờ đồng hồ. Với PGS Cường, mỗi khoảnh khắc, kỷ niệm như vừa chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.
Chiếc chiếu và cái túi của cậu học trò nghèo
"Thực sự tôi cũng không nghĩ mình sẽ đi theo nghề y đâu, nhưng ý thức về nghề này có từ trong tôi rất sớm và nó đến như một cơ duyên lạ", ông nhớ lại. "Tôi có ông chú đi bộ đội được về phép kể chuyện, trong bộ đội bác sĩ là sướng nhất. Khi đánh nhau thì chạy sau, rút quân được đi ô tô, quần áo lúc nào cũng trắng tinh. Trẻ con lúc đó có biết gì đâu, cứ nghĩ như thế sướng thật".
Câu chuyện phiếm của người chú lại tình cờ trở thành nguồn động lực thôi thúc ông lựa chọn ngành y và sau đó đỗ vào Đại học Y Hà Nội.
Năm 1982, cậu học trò nghèo từ quê lên Hà Nội với hành trang: một cái túi và một chiếc chiếu.
"Học để làm gì?" là câu hỏi được ông tự đặt ra từ ngày đầu bước chân vào giảng đường đại học. Ông đã dành 6 năm miệt mài trên ghế nhà trường và hơn 30 năm cống hiến quên mình cho ngành y để trả lời cho lời tự vấn này.
"Tôi chỉ có đúng một mục tiêu khi đi học: Học để có chuyên môn làm thầy thuốc chữa bệnh cứu người", PGS Cường nói. "Nhưng lại có một vấn đề nữa là khi mình học có nghề rồi mình sẽ làm ở đâu. Nếu học có nghề để cống hiến cho mọi người, để khẳng định bản thân mình không có cách nào khác ngoài làm việc ở bệnh viện lớn. Gia đình rất nghèo, con đường duy nhất của tôi là phải học được nội trú".
Suốt thời gian học trường y, ông phấn đấu hết sức có thể để thi bằng được nội trú. Bản thân có xuất phát điểm rất thấp khi là con nhà nông từ quê ra phố. Thế nhưng có một lợi thế rất lớn để có thể thực hiện được mục tiêu này, được PGS Cường gọi là "thứ trời cho": Ông học rất giỏi.
Thành Cường "sản" vì… không có xe đạp
Là "bậc thầy" trong ngành siêu âm, chẩn đoán và sàng lọc trước sinh nhưng PGS Cường tiết lộ, Sản khoa không phải là phương án đầu tiên khi ông lựa chọn chuyên ngành học nội trú.
"Tôi cực kì thích Ngoại khoa, được mổ phóng khoáng từ đỉnh đầu đến gót chân. Thế nhưng khi tôi sang Bệnh viện Việt Đức xin học Ngoại khoa, các thầy nói bên này đã có 2 người rồi, các em đi ngành khác", ông nói.
Chuyên khoa Mắt là phương án tiếp theo mà PGS Cường, khi đó, nghĩ đến.
Bước ra khỏi cánh cổng Bệnh viện Việt Đức, ông cùng một bạn học hỏi người bảo vệ đường lên viện mắt.
"Nghe bác ấy chỉ đường hết rẽ phải rồi rẽ trái, hình dung thôi đã thấy quá xa. Trong khi đó, chúng tôi lại không có xe đạp, đi học toàn đi bộ, đường phố thì không biết, lại rủ nhau sang viện bên cạnh BV Việt Đức, nếu thầy cô nhận thì ở lại, không thì đi tiếp", PGS Cường kể.
Nơi ông cùng bạn học quyết định "thử vận may" không đâu khác, mà chính là nơi ông sẽ gắn bó cả sự nghiệp sau này: Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh (nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương).
Vị giám đốc bệnh viện nhớ như in khoảnh khắc mình chính thức bước chân vào con đường trở thành một bác sĩ Sản khoa: "Lại là một cơ duyên, hôm đó, chúng tôi vào văn phòng bộ môn được gặp GS Dương Thị Cương, trong khi bình thường cô rất bận ở bệnh phòng. Cô gọi chúng tôi vào hỏi về thành tích, tôi thưa thi lâm sàng và lý thuyết đều được 9 điểm, cô chọn luôn, còn anh bạn đi cùng lại thêm một điểm đến nữa".
"À thì ra là nghề chọn người, chứ người không chọn nghề. Bản chất tôi không thích Sản khoa nhưng vì không có xe đạp lại trở thành ông Cường "sản" hiện tại", ông cười.
Quyết tâm có được nghề thật tinh thông, trong suốt thời gian học nội trú từ năm 1987, gần như 24/24h PGS Cường ở trong bệnh viện.
Thậm chí, có một giai đoạn ông về trường học chứng chỉ, đến lúc lên lại bệnh viện, ông bị bảo vệ đuổi vì nhận không ra, khi họ chỉ quen với hình ảnh "cậu bác sĩ Cường mặc áo blouse".
Chuyến đi Pháp và sứ mệnh "nối dài cánh tay bác sĩ"
Một trong những bước đệm quan trọng nhất trong sự nghiệp y khoa của PGS.TS Trần Danh Cường chính là thời gian du học tại Pháp.
Ông may mắn được một vị giáo sư người Pháp tuyển đi học bác sĩ nội trú ở Pháp chỉ sau lần gặp gỡ đầu tiên.
Sau hơn một năm học tiếng, năm 1995 ông bắt đầu sang Pháp.
Tại nơi PGS Cường theo học có một vị giáo sư rất nổi tiếng về siêu âm. Xuất phát từ băn khoăn "Vì sao người Tây siêu âm giỏi thế?", ông đề đạt thầy để học về lĩnh vực này và sau đó trở thành một trong những người Việt đầu tiên có bằng bác sĩ siêu âm, có thể được làm việc ở tất cả các nước nói tiếng Pháp.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia sản khoa, PGS Cường nhận định, siêu âm có tầm quan trọng rất lớn và là một công cụ hỗ trợ không thể thiếu trong sản khoa.
"Trước đây, siêu âm ở nước ta cực kì đơn giản, dường như không phát hiện được gì, khi phát hiện được bất thường là điều gì đó rất ghê gớm. Tuy nhiên, giờ đây siêu âm là phương pháp chẩn đoán cực kì quan trọng, giúp nối dài bàn tay của người thầy thuốc sản khoa và ngày càng được hiện đại hóa", PGS Cường nhấn mạnh.
Những năm 90 của thế kỷ trước, tại Việt Nam, các sản bệnh lý khiến nhiều bà mẹ và em bé tử vong.
Thời điểm đó, PGS Cường nhận định phát triển khoa học công nghệ, máy móc sẽ là chiếc chìa khóa để giải quyết vấn đề này.
Vì thế, ông quyết tâm đi sâu vào học siêu âm, các phương pháp thăm dò, chẩn đoán trước sinh. Khi mang những kiến thức này về Khoa Sản bệnh đã giúp giảm hẳn tỷ lệ thai nhi tử vong và các sản phụ bị biến chứng.
"Trước kia, các cụ dùng ống nghe, bàn tay là không sai, nhưng giờ bàn tay được nối dài bằng công nghệ, máy móc, trang thiết bị. Càng dài bệnh nhân càng có lợi, phát hiện sớm, điều trị hiệu quả. Tay các cụ cũng chuẩn, nhưng tay cộng với máy, phương tiện, trang thiết bị thì tay đó càng siêu hơn nhiều", ông nói.
"Mọi thứ tôi phấn đấu là vì mẹ"
Xuyên suốt cuộc trò chuyện, có 2 lần vị bác sĩ nổi tiếng nghiêm khắc phải bật khóc. Lần thứ nhất là khi nhắc về chiếc chiếu và cái túi thuở mới nhập học và lần thứ hai là khi ông nhắc về mẹ.
Nước Pháp, năm 1995, PGS Cường nhận được bức thư từ quê nhà của mẹ.
"Trong bức thư thằng em viết mặt trước, mẹ viết mặt sau, chỉ với 4 chữ to đùng đoàng "Con có khỏe không?". Lá thư ấy đến nay tôi vẫn còn giữ", PGS Cường nghẹn giọng.
Mẹ là nông dân "chính hiệu", chữ nghĩa không nhiều nhưng với vị phó giáo sư này, bà là người ông thần tượng và kính trọng nhất.
Ông tâm sự: "Mọi thứ tôi phấn đấu là vì mẹ, dành cho mẹ. Vì cụ còn sống nên tôi vẫn còn cố gắng. Ít nhất cũng để bà khoe: Mình đẻ được thằng con đáng để tự hào".
Không nhận phong bì bệnh nhân kể cả khi trong túi không có một đồng
Năm 1991, PGS Cường tốt nghiệp nội trú. Sau đó, ông được GS Cương nhận về làm cán bộ giảng dạy nhưng không có biên chế nhà nước.
Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1998 được vị bác sĩ này mô tả là quãng thời gian "khổ tận cam lai" của cuộc đời mình, khi ông đi làm mà không hề có lương. Ông chật vật sống bằng phụ cấp, tiền làm thủ thuật và tiền mổ.
Trong những ngày mới vào nghề hết sức gian khó đó, PGS Cường vẫn giữ vững một lập trường mà đến thời điểm hiện tại, ông tin rằng, đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời làm nghề y của mình.
PGS Cường chia sẻ: "Tôi không bao giờ nhận phong bì của bệnh nhân, kể cả khi tôi nghèo đến mức trong túi không có một đồng nào. Mổ xong, khám bệnh xong là đi; nhiều hôm làm siêu âm ở phòng khám, nhiều bệnh nhân đến cảm ơn nhưng tôi không nhận".
Không nhận quà "cảm ơn" của người bệnh, thời điểm đó, nhiều người bảo ông "dại", nhưng ông luôn khẳng định suy nghĩ của mình đúng và tin vào luật nhân quả.
Sang giai đoạn theo PGS Cường mô tả là "sướng" và " làm được rất nhiều tiền", quan điểm của người thầy thuốc này vẫn rất "lạ".
PGS Cường bộc bạch: "Tôi ít khi tiêu gì cho mình. Có tiền tôi lại lo cho gia đình, anh em, hỗ trợ cho đồng nghiệp. Còn bệnh nhân nghèo tôi giúp đỡ nhiều lắm. Những người đó họ rất khổ, đều ở vùng sâu vùng xa, mình giúp đỡ được chừng nào hay chừng đấy".
Ông nhớ lại thời kì làm Trưởng khoa Sản bệnh năm 2010, trong đầu luôn nghĩ cách tạo điều kiện tối đa để phục vụ bệnh nhân thật tốt. Trong một lần, một bệnh nhân "sống chết" đòi cảm ơn bác sĩ 200 triệu, ông báo cáo lãnh đạo Bệnh viện, rồi dùng số tiền này, góp thêm tiền túi 300 triệu cải thiện toàn bộ nhà vệ sinh, lắp điều hòa toàn bộ khu phòng bệnh.
"Lắp điều hòa xong bật cả khu bệnh phòng mát rượi, có bệnh nhân còn lau sạch nền nhà nằm dưới đất. Sướng!", PGS Cường cười khoái chí.
Ông giám đốc "không nhà"
Trong những câu hỏi xoay quanh khoảng thời gian sau khi nhận nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, PGS Cường nhiều lần nhấn mạnh: "Không bao giờ tôi nghĩ tôi làm quản lý, lãnh đạo. Thực sự không phải tôi phấn đấu vì cái đó. Tôi nói rất thật".
Ông tự nhận mình là một người bác sĩ và được nhận thêm một nhiệm vụ làm giám đốc được nhà nước giao cho trong một thời hạn.
Ít ai biết rằng, là một giám đốc bệnh viện trung ương, đến bây giờ PGS Cường vẫn chưa có căn nhà của riêng mình. Với ông, một căn phòng nhỏ có cái ghế, TV, bàn làm việc, chỗ ngủ là đủ, bởi "mình ở sướng cũng không để làm gì".
PGS Cường bày tỏ quan điểm của mình về một "Ông giám đốc": "Nhiều người quan niệm giám đốc là phải có phòng riêng, ô tô riêng, lái xe phục vụ hàng ngày… Sai! Nhiệm vụ của tôi là quản lý bệnh viện, chăm lo cho đời sống cán bộ, viên chức. Khi vừa nhận nhiệm vụ giám đốc, điều đầu tiên tôi suy nghĩ là từng đó con người đều có cuộc sống, gia đình mình cần phải chăm lo như thế nào? Chuyên môn nghề nghiệp phát triển như thế nào? Đấy mới làm câu chuyện".
Với ông, làm giám đốc có nhiều cái khổ. Khổ vì mình được đào tạo làm bác sĩ chứ không được đào tạo làm giám đốc; khổ vì khối lượng công việc quá lớn nên phải gác những thú vui riêng...
Thế nhưng, theo ông, làm giám đốc cũng không thiếu điều sướng.
"Gia đình sướng, bạn bè sướng, quê hương sướng. Bố mẹ tôi sẽ tự hào vì đẻ ra được thằng con làm giám đốc; ông thầy tôi ở quê cũng sướng vô cùng đi đâu cũng nhắc có thằng học trò làm giám đốc bệnh viện trung ương", ông cười.
Trong ngành y, không phục vụ người bệnh là thất bại
Hơn 30 năm đóng góp quên mình cho nền y học nước nhà, người thầy thuốc này vẫn còn đó nhiều trăn trở về sứ mệnh phục vụ người bệnh.
"Không có nơi nào bệnh viện xấu hơn khách sạn, hình ảnh bệnh viện xập xệ, vào nhà vệ sinh bệnh viện thì bẩn khủng khiếp nhưng được coi là bình thường như ở ta", giọng ông trầm xuống.
Ông quan niệm, trong ngành y, nếu không phục vụ người bệnh là thất bại. Chữa bệnh là một phần, phục vụ người bệnh lại là chuyện khác. Người bệnh luôn cần đẹp hơn, tốt hơn.
Trên cương vị là giám đốc bệnh viện, kì vọng lớn nhất của PGS Cường là làm sao để bệnh viện phải thật đẹp, thật sạch, phục vụ thật tốt cho người bệnh.
"Lương y như từ mẫu" là một lời răn dạy luôn còn vẹn nguyên giá trị. Nghĩa vụ của những người đã khoác lên mình chiếc áo blouse trắng là làm sao để quan hệ với bệnh nhân ở mức độ thân tình, chia sẻ thực sự .