Trao đổi về đề xuất nâng 5 bệnh viện hạng đặc biệt, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nói: “Đây là chiến lược rất hay, rất đúng của Đảng, Chính phủ, Bộ Y tế. Trình độ chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam hiện nay rất cao, chúng ta hoàn toàn tự tin có tiềm lực xây dựng các bệnh viện mang tầm ảnh hưởng quốc tế”.
Thực tế cho thấy hàng năm các bệnh viện hạng đặc biệt tiếp nhận hàng trăm Việt kiều, bệnh nhân từ Mỹ, Anh, Úc, Thái Lan và nhiều nước khác sang khám và điều trị, thu về vài tỷ USD/năm.
Ngoài tay nghề y học cao, chi phí điều trị bệnh ở Việt Nam thấp hơn các nước này từ 3 - 4 lần, đây là lý do các bệnh nhân quốc tế đến Việt Nam điều trị ngày càng lớn.
Ông Thức mong đề xuất quy hoạch trên sớm đi vào thực hiện, làm càng sớm càng tốt để tạo cơ chế bứt phá cho 5 bệnh viện. Những bệnh viện này đang bị bó buộc bởi một số cơ chế về mua sắm trang thiết bị y tế, xây dựng cơ sở vật chất.
“Nếu được cởi trói, chắc chắn Việt Nam sẽ có 5 bệnh viện mang tầm lớn. Tương lai gần, các chuyên gia, bác sĩ quốc tế sẽ đến đây để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm”, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói.
Chi phí xây dựng, đầu tư để nâng hạng bệnh viện hạng đặc là điều ông Thức trăn trở nhất. Theo ông để nâng cấp các bệnh viện thành hạng hiện đại quốc tế cần chi phí khổng lồ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, thiết bị, trong khi ưu thế duy nhất chúng ta là trình độ chuyên môn bác sĩ giỏi.
Cho rằng ngân sách nhà nước rất khó có thể nhận chi cho đề án khổng lồ này, chưa kể mỗi bệnh viện sẽ có xuất phát điểm riêng, chí phí khác nhau, nên ông Thức đề xuất ngoài ngân sách nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế có thể xem xét hình thức hợp tác công tư. Trong đó, đảm bảo cơ chế, hành lang pháp lý vững chắc để bệnh viện hợp tác theo hướng 3 bên đều có lợi bệnh nhân là người nhận được nhiều lợi.
Đưa ra so sánh cụ thể về giá điều trị giữa Việt Nam và các nước, PGS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia cho hay, trong kỹ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông, Việt Nam và các nước có mức phí tương đương nhau (khoảng 20.000 USD, gần 480 triệu đồng) cho trọn bộ trang thiết bị. Tuy nhiên vấn đề tiền công cho toàn bộ ca can thiệp có khoảng cách lớn. Ở Nhật Bản, tổng mức chi phí cao gấp 5 lần Việt Nam, Singapore gấp 4 lần.
Như vậy, nếu các bệnh nhân nước ngoài lựa chọn Việt Nam sẽ tiết kiệm kha khá chi phí điều trị bệnh. Hiện lượng bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam còn hạn chế do chưa có nhiều thông tin quảng bá, một số máy móc kỹ thuật còn thô sơ, chưa đảm bảo chuẩn hiện đại như quốc tế, các nước láng giềng trong khu vực.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng cho rằng, bác sĩ Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật điều trị cao, điển hình là các kỹ thuật phức tạp về răng - hàm - mặt, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán.
Cùng với làm chủ kỹ thuật, y tế trong nước có lợi thế là chi phí thấp hơn các nước, trong khi chất lượng lại không thua kém. Thực tế thời gian qua, các bệnh viện lớn đều tiếp nhận thăm khám và điều trị cho nhiều người nước ngoài, nhất là các bệnh viện đầu ngành như: K Trung ương, Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức... thường xuyên tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng, bệnh khó là người nước ngoài được điều trị, cấp cứu thành công.
"Nâng cấp bệnh viện là điều tất yếu, nhất là khi nâng cấp thành bệnh viện hiện đại chính là đầu tư cho người dân hưởng lợi, phục vụ người dân nước mình. Một hệ thống y tế tốt sẽ nâng cấp sức khoẻ cho toàn dân", ông Hoàng nói.
Tại hội nghị triển khai công tác năm 2019, Bộ trưởng Y tế thời điểm đó là bà Nguyễn Thị Kim Tiến lần đầu tiên công bố con số gây choáng váng: "Mỗi năm người Việt chi khoảng 2 tỷ USD ra nước ngoài khám chữa bệnh". Trong khi đó, Việt Nam có 5 bệnh viện đặc biệt với đầy đủ trang thiết bị cũng như rất nhiều bác sĩ giỏi, tiếp cận, làm chủ được nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến, hiện đại của thế giới, chưa kể đến việc ra nước ngoài chữa bệnh rất tốn kém, gấp 4 - 10 lần ở Việt Nam..
Trong dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Bộ Y tế dự kiến nâng cấp 5 bệnh viện hạng đặc biệt thành hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực và quốc tế, gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Quân đội 108, Chợ Rẫy và Trung ương Huế.
Việc nâng cấp 5 bệnh viện nhằm mục đích nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe, giảm số người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị, đồng thời thu hút người nước ngoài đến khám chữa bệnh tại Việt Nam.
Tính riêng 6 tháng cuối năm 2022, cả nước có hơn 100.000 lượt người nước ngoài khám bệnh và hơn 15.000 người nước ngoài điều trị nội trú tại bệnh viện các tuyến.
Các bệnh viện tuyến trung ương được người nước ngoài tìm đến khám chữa bệnh nhiều nhất gồm Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trương ương Quảng Nam… Bệnh nhân nước ngoài chủ yếu điều trị các bệnh về da, viêm phổi, viêm phế quản, chấn thương do tai nạn giao thông, gãy xương, khám sức khỏe, sản phụ khoa, ung bướu, tim mạch…