Đây là câu chuyện được Trưởng Ban chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Văn Phúc kể lại tại hội nghị cung cấp thông tin chuyên đề về bảo hiểm y tế sáng 8/7/2022. Tại hội nghị, ông Phúc dành trao đổi về vấn đề thời sự, cấp thiết hiện nay là chuyện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trong hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Xác nhận tình trạng đang diễn ra, ông Phúc thông tin nguyên nhân của việc này là do chậm đấu thầu cung cấp thuốc, thiết bị, vật tư. Thực tế, có những gói thầu từ năm ngoái đến nay vẫn chưa hoàn thành, thực hiện được. Trong đó, lý do dễ thấy nhất là do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp thời gian trước gây khó khăn cho các hoạt động.
Với vấn đề này, ông Lê Văn Phúc nhận định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm chính đối với việc thực hiện quy định đấu thầu thuốc theo Nghị định 63, tham gia vào cả quy trình đấu thầu ở cấp Trung ương (các gói thầu lớn, giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên ở các bệnh viện hạng đặc biệt ở Trung ương) và đấu thầu tập trung tại địa phương.
"Bộ Y tế mới đây thông báo đã mở được gói thầu tập trung, hi vọng trong tháng 7 này sẽ có được kết quả để công bố với dư luận. Gói thầu của Bộ Y tế rất lớn, trị giá tới 10.000 tỷ đồng, trong đó riêng phần mua sắm thuốc là 4.000 tỷ đồng, chiếm đến 1/4 chi phí thanh toán khám chữa bệnh, mà đều là những loại thuốc quan trọng, cơ bản, thuộc nhóm 1, nhóm 2. Theo đó, đây chính là nút thắt lớn cần tháo gỡ để giải quyết việc thiếu thuốc điều trị cho người bệnh hiện nay" - Trưởng Ban chính sách Bảo hiểm y tế nói.
Ông Phúc cũng cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản gửi các địa phương chỉ đạo bám sát hoạt động đấu thầu để thúc đẩy việc mua sắm thuốc, khắc phục tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân bảo hiểm y tế. Quan điểm của cơ quan bảo hiểm là giám định nhanh nhất có thể với đề xuất để các bệnh viện để có thể nhanh chóng mua sắm thuốc.
Về việc đấu thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế, ông Lê Văn Phúc giải thích, quy trình quy định liên quan khó hơn việc mua sắm thuốc vì không có nhiều tỉnh thành thực hiện đấu thầu tập trung nội dung này mà nhu cầu chủ yếu nằm ở các bệnh viện. Quy định về đấu thầu vật tư y tế cũng đang còn những vướng mắc, khó khăn mà Bộ Tài chính đang phải mổ xẻ, tìm hướng tháo gỡ.
Trưởng Ban Chính sách bảo hiểm y tế dẫn chứng bằng câu chuyện thực tế, họp với Bộ Tài chính, Giám đốc bệnh viện Bạch Mai - PGS.TS Đào Xuân Cơ đưa đến 2 dụng cụ hút dịch mũi cần mua sắm, một của Trung Quốc, một của Đài Loan. Hai dụng cụ có tiêu chuẩn kỹ thuật như nhau, nằm trong cùng một danh mục thiết bị nhưng giá lại chênh nhau mấy chục ngàn. Theo nguyên tắc thì loại hàng giá thấp sẽ trúng đấu thầu nhưng nếu dụng cụ có mức giá rẻ hơn đó được mua sắm, đưa về các bệnh viện thì cũng không dùng được vì thiết bị đó cứng, sử dụng gây chảy máu với nhiều bệnh nhân.
Ông Lê Văn Phúc nhấn mạnh, có nhiều vướng mắc thực tế như vậy cần tháo gỡ mới giải quyết được chuyện thiếu vật tư y tế khám chữa bệnh.
Với việc đặt máy, mượn máy từ các doanh nghiệp tư nhân tại bệnh viện công, Trưởng Ban chính sách bảo hiểm y tế khẳng định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, đang tiếp tục thanh toán cho người bệnh. Ông cũng nêu nguyên tắc theo Nghị định 151, cơ sở dịch vụ công không được mượn máy cũng không được để doanh nghiệp tư nhân đặt máy để sử dụng hóa chất do đơn vị này cung cấp.
Cơ quan bảo hiểm cũng đã báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc này để có hướng chỉ đạo, xử lý.