Mệt mỏi với cuộc sống liên tục bị gián đoạn vì các biện pháp phòng dịch cùng mong muốn được tự do, nhiều người trẻ Trung Quốc đang tìm cách ra nước ngoài sinh sống.
Cô Zhu Aitao (35 tuổi) là người gốc ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc nhưng hiện sống ở quận giàu có nhất tại thủ đô Bắc Kinh cùng chồng và 2 con nhỏ. Hai vợ chồng có nhà riêng cùng 2 chiếc ô tô BMW và Lexus. Họ đều có công việc ổn định khi vợ quản lý phòng quan hệ công chúng của công ty ô tô đa quốc gia, còn chồng làm việc cho một tờ báo của chính phủ.
Cô Zhu Aitao tới Anh năm 2019 trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. (Ảnh: Washington Post) |
Quá mệt mỏi với cuộc sống bị gián đoạn liên tục vì các biện pháp phòng dịch Covid-19 khi thường xuyên phải thi hành lệnh phong tỏa, những lần xét nghiệm không có hồi kết, cô Zhu hy vọng có thể đưa cả gia đình sang Thái Lan sinh sống càng sớm càng tốt, hoặc di cư sang châu Âu hoặc Mỹ.
“Tôi cảm thấy mình bị suy nhược thần kinh. Tôi cảm thấy bất lực. Nó giống như chuyện bố bạn nói rằng tất cả mọi chuyện là vì lợi ích của chính bạn. Việc bạn cần làm là lắng nghe và không đặt câu hỏi”, Washington Post dẫn lời cô Zhu.
Cô Zhu là một trong số ngày càng nhiều người người trẻ có chuyên môn làm việc ở thành thị của Trung Quốc tham gia bàn luận về “runxue” hay nghiên cứu cách bỏ chạy khỏi nước nhà.
“Xu hướng di cư này xuất phát từ sự vỡ mộng”, ông Xiang Biao, Giám đốc tại Viện Nhân chủng học xã hội Max Planck ở Đức cho hay.
“Người dân không chỉ rời đi để tránh virus. Người dân rời đi vì những biện pháp phòng dịch khắt khe và vì không được coi trọng cảm xúc và quyền cá nhân”, ông Xiang nói thêm.
Nhu cầu tìm hiểu thông tin về hoạt động di cư đã tăng mạnh ở Trung Quốc, sau khi các biện pháp phòng dịch khắt khe như phong tỏa kéo dài được thi hành ở thành phố đông dân nhất là Thượng Hải vào tháng Tư.
Thuật ngữ “runxue’ nhanh chóng thu hút sự chú ý và được cư dân ở Thượng Hải cùng hàng chục thành phố khác của Trung Quốc sôi sục tìm kiếm trên mạng trong giai đoạn thi hành lệnh phong tỏa.
Vào ngày 3/4, khi một quan chức cấp cao Trung Quốc tới thăm Thượng Hải và khẳng định chính phủ vẫn kiên định thi hành chính sách “zero Covid-19”, tần suất tìm kiếm cụm từ “di cư” đã tăng hơn 400% trên nền tảng mạng xã hội WeChat so với một ngày trước đó. Tới ngày 17/5, thời điểm các quy định hạn chế phòng dịch tiếp tục được thi hành, tỷ lệ này đã tăng lên gần 500%.
Nhiều người tìm kiếm trên mạng thông tin di cư tới Canada và Malaysia, cũng như đặt ra câu hỏi về “các địa điểm lý tưởng để di cư” tăng gấp 20 lần trong khoảng thời gian từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư, theo dữ liệu của Baidu.
Biết được thông tin này, cô Luna Liu vốn sinh trưởng ở thành phố Thiên Tân nhưng đang theo học Tiến sĩ ở Anh, đã đăng lên diễn đàn Douban về việc cô có thể đưa ra lời khuyên miễn phí cho những ai muốn tới Anh sinh sống. Số người đặt chỗ xin tư vấn của cô Liu đã kéo dài tới tận tháng 11.
“Sau khi Thượng Hải bị phong tỏa, sự ảo tưởng đã vỡ vụn. Họ nhận ra rằng, nếu họ muốn sống tự do, họ cần phải rời đi”, cô Liu nói.
Những cuốn hộ chiếu nước ngoài hay thẻ xanh lâu nay là đặc quyền của các gia đình quyền lực nhất ở Trung Quốc, bởi họ mong muốn đưa con em ra nước ngoài và có môi trường học tập tốt hơn. Nhưng nay, những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu và giới trẻ Trung Quốc cũng muốn được ra nước ngoài sinh sống.
Cô Joy Zhou (23 tuổi) đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ ở Bắc Kinh có kế hoạch tới Canada trong 1 - 2 năm tới để học tập và hy vọng có thể định cư lâu dài ở đây. Suy nghĩ chuyển ra nước ngoài sinh sống nhen nhóm trong cô Zhou vào năm ngoái, và hiện nó trở nên thôi thúc hơn.
Cô Julia Jing, nhân viên tư vấn ở Pacific Overseas Group tại Bắc Kinh chuyên hỗ trợ cho những người muốn di cư ra nước ngoài sinh sống, cho biết công ty đã nhận được số lượng yêu cầu tư vấn trong 4 tháng đầu năm nay nhiều hơn cả năm 2021.
Tránh làn sóng di cư ra nước ngoài
Hiện tại chính quyền Trung Quốc thực hiện cấp hộ chiếu cho công dân nhiều hơn so với những năm trước vốn chỉ giới hạn cho các quan chức. Tính tới giữa năm 2019, khoảng 13% dân số Trung Quốc có hộ chiếu ra nước ngoài.
Điều đáng nói, chính phủ Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp nhằm thu hút nhân tài và tránh để xảy ra tình trạng chảy máu chất xám, giữa lúc dân số ngày càng già hóa nhanh chóng. Điều này khiến nhiều người lo ngại hy vọng di cư sẽ ngày càng trở nên khó khăn.
Người dân Trung Quốc liên tục phải làm xét nghiệm Covid-19 đại trà. (Ảnh: CNN) |
Và thực tế, trong vòng 2 năm qua, số lượng hộ chiếu được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp là rất ít với lý do như hạn chế hoạt động ra nước ngoài để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan.
Điển hình, trong năm 2021, Trung Quốc đã cấp 630.000 hộ chiếu so với mức trung bình 10,8 triệu mỗi năm từ năm 2002 – 2017.
Vào tháng Năm, Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh Trung Quốc còn thông báo sẽ tiếp tục “hạn chế nghiêm ngặt hoạt động xuất cảnh không cần thiết” của công dân Trung Quốc.
Dù các nhà kiểm duyệt nội dung dường như không đặt nặng loại bỏ những bài thảo luận về “runxue”, nhưng chính quyền Trung Quốc dường như lo ngại tư tưởng này sẽ dẫn tới làn sóng người dân rời khỏi đất nước ồ ạt. Và thực tế, trên WeChat, một số bài báo về “runxue” cũng đã bị khóa với lý do “vi phạm các quy định liên quan”. Hay nhiều người dùng mạng xã hội cho biết, một số tài khoản Weibo và WeChat chia sẻ các cách để di cư cũng đã bị chặn.
Đối với cô Zhu, người đang sinh sống cùng chồng và 2 con nhỏ ở Bắc Kinh, trở ngại lớn nhất trên hành trình di cư là chồng cô. Bởi anh là người có tư tưởng truyền thống, nên chuyện từ bỏ cuộc sống ở Bắc Kinh hay Sơn Đông là câu hỏi khó. Song anh vẫn chưa đưa ra câu trả lời hoàn toàn là không đi.
Còn hiện tại, cô Zhu cố gắng để mình bận rộn hơn để không phải suy nghĩ tới những chuyện như bọn trẻ đang trải tuổi thơ khó khăn do các quy định phòng chống dịch bệnh. Chuyện mà cô Zhu xem là ác mộng.
“Tôi cố lấp đầy cuộc sống và công việc nhiều nhất có thể. Dù tôi không thích chính sách hiện thời, nhưng ai biết được ngày mai nó còn tồi tệ hơn”, cô Zhu nói.
Minh Thu (lược dịch)