14 năm làm nghề, đây là năm đầu tiên cô giáo Trần Thị Thanh Hương (36 tuổi, Trung tâm giáo dục Thường xuyên quận Thanh Xuân, Hà Nội) không đến trường vào ngày Nhà giáo Việt Nam.
Một ngày lễ tri ân 20/11 khác biệt với chị, không tham gia hoạt động sôi nổi trên trường như mọi năm, những bông hoa và lời chúc nhận qua điện thoại.
Ngồi trong căn nhà đi thuê trên phố Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân), nữ giáo viên bật khóc khi đọc những dòng tin nhắn của phụ huynh và học sinh, sau biến cố lớn nhất cuộc đời mình: "Em tin cô giáo của em sẽ có đủ nghị lực vượt qua tất cả", "Cô ơi khi nào cô quay lại trường chủ nhiệm các con ạ?".
"Nhiều lần tôi mơ quay lại bục giảng gặp học sinh và đồng nghiệp. Sang tháng 12, nếu sức khỏe cho phép, tôi sẽ đi làm", cô Hương nói.
"Tôi mong tất cả chỉ là một giấc mơ và mình sớm tỉnh"
Vụ hỏa hoạn hồi giữa tháng 9 tại chung cư mini ngõ 29/70 Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), nơi gia đình chị Hương sinh sống hơn 7 năm qua, đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với nữ giáo viên. Chị không thể quên được mùi khét đậm từ đám cháy, từ sau nhạy cảm và khó chịu với khói, lửa.
Chị Hương và chồng là anh Dương Quyết Thắng (41 tuổi) là những người đầu tiên mua nhà tại đây sau khi sinh con thứ hai. Căn hộ rộng 52m2, giá 900 triệu đồng, là chốn an cư cho gia đình trẻ sau nhiều năm thuê trọ ở Hà Nội.
Điều kiện kinh tế còn hạn chế, hai vợ chồng vay mượn người thân và họ hàng. Trong quá trình tìm mua nhà, cặp đôi ưu tiên quận trung tâm, gần trường chị Hương công tác để tiện chăm con và làm việc, trong khi anh Thắng làm nghề lái xe du lịch thường xuyên đi xa.
Nhớ lại đêm định mệnh 12/9, nữ giáo viên đang soạn giáo án thì nghe tiếng tri hô "cháy, cháy". Chị tắt máy tính, mở cửa ra ngoài, thấy khói lửa bốc lên ngùn ngụt, hốt hoảng chạy vào gọi chồng.
Anh Thắng quyết định để con gái Dương Thùy Linh (9 tuổi) dẫn em trai Dương Khánh Thiện (8 tuổi) chạy lên tầng thượng với hy vọng hai đứa trẻ chạy được lên cao, tránh ngạt khói, chờ cảnh sát đến cứu.
Vợ chồng anh cùng bé út 2 tuổi ở lại tìm chăn mềm, quần áo nhúng nước bịt các khe hở, ngăn khói xộc vào căn hộ. Một lúc sau, khói vẫn không ngừng "chiếm" toàn bộ không gian, ba thành viên trong gia đình kéo nhau chạy ra lô gia tìm đường thoát từ phía chuồng cọp.
Từ cửa thoát hiểm tầng 3, anh Thắng ném chiếc chăn ướt xuống mái tôn nhà bên cạnh, ôm chặt con gái nhảy xuống trước. Va đập mạnh khiến anh choáng váng, chống tay trái thấy đau nhói mới biết đã gãy. Cố nhịn đau, anh bình tĩnh hét lớn với vợ: "Em cứ nhảy xuống, anh đứng đợi dưới này".
Khoảng cách giữa hai căn nhà khoảng 2,5m, đứng trước khoảnh khắc sinh - tử, chị Hương nghĩ "không nhảy thì cũng chết". Đôi mắt mở to nhìn lên bầu trời đen sì, phía dưới là cột khói đen cuộn trào, người phụ nữ cảm nhận được ánh sáng đèn đường hắt lên từ xa như một tia hy vọng.
"Tôi đã luôn lạc quan, tích cực như thế", chị tự nhủ, gào lên 3 lần: "Xin cảm ơn cuộc đời", rồi nhảy dứt khoát.
Cú nhảy của vợ chồng anh Thắng khiến mái tôn nhà hàng xóm vốn đã võng, chịu thêm vật nặng liền thủng. Chị Hương may mắn rơi trúng chỗ để nguyên vật liệu của người thuê nhà làm nghề chế tác dây đồng.
Mở mắt, chị không biết đang ở đâu, không nghĩ mình còn sống, cảm nhận cơ thể đau từ cột sống xuống đùi. Anh Thắng để con gái sang một bên, kéo vợ từ đống nguyên liệu xuống mặt đất. Chị chúc đầu xuống, lê bằng hai bả vai, đẩy chân, ưỡn người di chuyển ngược. Mỗi lần lê thân là một lần đau - cơn đau không thể diễn tả bằng bất cứ ngôn từ nào.
Xuống dưới tầng một của căn nhà, vợ chồng chị nghe tiếng la hét, tiếng bước chân người chạy sầm sập, tiếng còi cứu hỏa. Anh Thắng kêu cứu trong bất lực, rồi đi tìm một cây búa, phá cửa lao ra ngoài.
"Tôi dặn hai bố con đi trước, còn mình ở lại chờ cứu hộ", nữ giáo viên nói, sau được nghe kể về hình ảnh chồng cố chạy ra đầu ngõ 29 Khương Hạ, một tay bế con, một tay gãy lủng lẳng. Hai bố con sau đó được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Khi lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường, chị Hương còn tỉnh, tình trạng khá, được chuyển đến Bệnh viện Đống Đa. Kết quả chụp X-Quang và siêu âm thể hiện tiên lượng nặng, bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên là Bệnh viện Xanh Pôn trong đêm.
Nhận tin báo cháy, người thân của anh Thắng, chị Hương chia nhau tìm kiếm hai bé Thùy Linh, Khánh Thiện tại chung cư và các bệnh viện.
Bé trai chạy lên tầng 6, được một người dân kéo vào phòng tránh khói độc, chờ đội cứu hộ đến và được giải cứu thành công lúc 2h sáng. Bé được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai đoàn tụ bố và em gái - nơi ông bà đã đợi sẵn lúc 3h30.
Con gái lớn lại không may mắn, thất lạc rồi tử vong, thi thể được tìm thấy khoảng 16h30 ngày 13/9 tại Bệnh viện 103. Gia đình thống nhất giấu chị Hương, dù chị cảm nhận "con không còn", nhưng chọn tin mọi người, hy vọng điều mình cảm nhận là không đúng.
Trước ngày xuất viện, chị nằng nặc gọi chồng: "Khi bác sĩ cho về, việc đầu tiên em sẽ qua Bệnh viện Bạch Mai thăm con".
"Thôi, em không phải ra đâu. Con mất từ hôm đấy rồi", câu trả lời của anh Thắng khiến vợ khóc nhiều, tim đập nhanh, khó thở. Từ hôm đó, ngày nào chị cũng âm thầm khóc, nghĩ về con, chưa thể vượt qua nỗi mất mát.
Nhiều lần đi qua trường học, chị không dám nhìn vào bên trong. Cứ đi bộ đến ngã ba, thấy tụi trẻ con trong xóm, nước mắt chị lại rơi. Chị nhớ ngày trước, mỗi lần tan học sớm, hai con lớn đi bộ sang trường mẹ công tác, chờ cùng về nhà.
Mái trường đó, là nơi đứa trẻ 9 tuổi chạy khắp khuôn viên, ngồi xem ti vi cùng bác bảo vệ, giờ chỉ còn quá khứ. "Tôi mong tất cả chỉ là một giấc mơ và mình sớm tỉnh", người phụ nữ nói.
Giấc mơ quay lại bục giảng
Biết tin chị Hương xuất viện, người thân và bạn bè gấp rút tìm thuê và dọn dẹp nhà cửa, sơn toàn bộ tường với gam màu tươi sáng, đi lại đường điện, nước…
Sau 12 ngày điều trị chấn thương cột sống tại Bệnh viện Xanh Pôn, nữ giáo viên là thành viên đầu tiên về nhà mới. Những ngày tiếp theo, chồng và hai con cũng lần lượt xuất viện, cả gia đình đoàn tụ trong nhiều thiếu thốn, nhưng sẽ là một khởi đầu mới sau biến cố.
Để bắt nhịp cuộc sống, chị tập phục hồi chức năng: đi, đứng, ngồi… như một đứa trẻ, tuân thủ các chế độ dinh dưỡng tăng khả năng chống chọi bệnh tật. Chị làm tất cả với quyết tâm sang tháng 12 sẽ quay lại trường học.
"Từ sự quan tâm của mọi người, cả thân quen lẫn xa lạ, tôi biết rằng mình phải cố gắng vì họ. Động lực thứ hai là vì các con. Tôi không muốn mình là gánh nặng cho chồng con, không muốn tuổi già và những năm tháng về sau chỉ nằm trên giường bệnh", chị nói.
Cô giáo Hương nhớ ngày 20/10 vừa rồi chỉ dám gửi thiệp chúc mừng vào nhóm lớp, rồi khóa chức năng bình luận. Chị sợ học sinh bận tâm, mong ngóng ngày cô giáo trở lại.
Trong những ngày chị nằm viện, các thế hệ đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh đều đến thăm. Người cố kìm nước mắt, không dám ngồi trong phòng bệnh mà chạy ra hành lang vì "không thể chịu nổi nỗi đau".
Người đến thăm hai - ba lần, dắt theo con.
Người gọi điện khóc nức nở, đến cửa phòng bệnh lại khóc lớn vì thương cảm.
Những dòng tin nhắn thăm hỏi, động viên từ học sinh và phụ huynh (Ảnh: Minh Nhân).
Chị nhớ nhất câu nói của một học sinh kiệm lời, hạn chế giao tiếp. Em đến bệnh viện, chia sẻ với chị: "Cô chịu khó bồi dưỡng sức khỏe, nhanh chóng trở lại dạy bảo chúng con nhé".
"Đó là câu nói dài nhất từ trước đến nay của em ấy", nữ giáo viên xúc động, cho biết tại trường giáo dục phổ thông thường xuyên, học sinh xuất thân từ những hoàn cảnh, mảnh đời khác nhau, nên cách thể hiện tình cảm cũng khác nhau.
"Học sinh đến từ những gia đình khó khăn vật chất lẫn tinh thần, hiếm nói lời yêu thương. Chỉ cần cái gật đầu, ánh mắt đồng tình của các em đã khiến tôi hạnh phúc. Khi tôi gặp khó khăn, phụ huynh và học sinh đều quan tâm, là tình cảm đáng trân quý", chị Hương tâm sự.
Sau biến cố, chị càng trân trọng và cảm ơn cuộc đời cho mình thêm một cơ hội nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Ngay khi còn nằm trên giường bệnh, chị đã luôn cố gắng để phục hồi, cầu nguyện: "Nếu còn sống và khỏe mạnh trở lại, tôi sẽ làm từ thiện, trả ơn cuộc đời".
Nhìn bức ảnh gia đình hồi Tết 2023 mà ban đầu các thành viên tính không chụp. May mắn thay, đó là khoảnh khắc cuối cùng của gia đình đủ 5 thành viên.
Bức ảnh cũng vì thế trở thành tài sản vô giá đối với họ!
"Chúng em rất vui chào đón cô giáo quay lại trường học"
Trong vụ hỏa hoạn chung cư mini khiến 56 người tử vong, cô giáo Đặng Thị Hải Yến (trường THPT FPT) và anh Hà Trung Đức, cùng 31 tuổi và con trai Hà Minh Hoàng (3 tuổi) may mắn thoát nạn.
Cách đây hơn một năm, hai vợ chồng tìm mua nhà gần các trường học, bệnh viện, tiện đi lại giữa hai cơ quan. Thời điểm đó, chung cư mini ngõ 29 Khương Hạ với họ là một sự lựa chọn hoàn hảo, giá cả phải chăng, hoàn thành giấc mơ "có nhà Hà Nội".
Trong giấc ngủ tối 12/9 tại căn hộ tầng 8, anh Đức bị đánh thức bởi tiếng hô hoán báo cháy. Anh xuống dưới kiểm tra, vẫn không nghĩ là chung cư nơi mình sinh sống phát hỏa. Xuống đến tầng 6, anh nghe mọi người nói cháy lớn ở tầng một, vội chạy lên gọi vợ con dậy.
Cả gia đình chạy theo hàng xóm xuống tầng một rồi lại lên sân thượng. Tuy nhiên, khói lửa càng lúc càng dày đặc, thang máy ngừng hoạt động, thang bộ không thể đến gần, mọi lối thoát đều bị "hỏa thần" phong tỏa.
Họ quyết định quay lại nhà trú ẩn, đóng chặt cửa, kéo ra ngoài lô gia chờ cứu hộ. Vận dụng kiến thức và kỹ năng phòng cháy được tập huấn tại cơ quan trước đó một tuần, anh Đức dùng một chiếc chăn vắt qua dây phơi quần áo làm thành lều trú tạm. Cả nhà chui vào trong, liên tục xịt nước hạn chế lượng khói hít vào.
Với 10% pin còn lại, anh gọi cứu trợ, nhờ một người bạn báo với lực lượng cứu hộ trên tầng 8 có người, nhờ xịt nước lên. Trong khi đó, chị Yến xả vòi nước liên tục phía ngoài ban công.
Khi đội cứu hỏa bơm nước từ ao gần chung cư để xịt vòi rồng lên tầng cao, anh Đức và chị Yến chấp nhận uống nước ao, động viên con trai "phải uống nước thì các chú cứu hỏa mới lên cứu con được".
"Không có sự lựa chọn nào khác, thà uống nước bẩn còn hơn chết ngạt", chị nói.
Họ cầm cự đến 3h30-4h, lửa đã dập, khói tan dần, trời bắt đầu đổ mưa. Anh Đức lấy xô hứng nước mưa để vợ con tiếp tục uống - "một trong những biện pháp tự cứu mình tránh bị bỏng hô hấp, tổn thương phổi".
Gia đình cố thủ ngoài lô gia suốt 6 tiếng, đến khi lực lượng chức năng tiếp cận tầng 8. Đây là khu vực nhiều nạn nhân tử vong, lính cứu hỏa không nghĩ còn người sống sót. Họ rọi đèn, tìm kiếm các thi thể, thì bất ngờ nghe tiếng kêu cứu của anh Đức.
"Nhìn thấy lính cứu hỏa, chúng tôi vỡ òa hạnh phúc. Trước đó, tôi đã rất sợ hãi, cả nhà ôm nhau khóc, nghĩ rằng sẽ bỏ mạng tại đây", nữ giáo viên kể, nhớ lại cảnh con trai Minh Hoàng vốn sợ người lạ, trong hoàn cảnh đó sẵn sàng sà vào vòng tay của người lính cứu hỏa.
Khi được đội cứu hộ đưa ra ngoài, chị Yến nhìn thấy người chết la liệt. Căn phòng đối diện có 20 chiếc điện thoại trên bàn trước đó reo liên hồi, nhưng không lời hồi đáp, tắt dần, rồi im lặng tang tóc.
Gia đình chị Yến là những người sống sót cuối cùng ra khỏi chung cư "tử thần", được chuyển đến Bệnh viện Xanh Pôn điều trị bỏng hô hấp. Riêng chị đang mang thai tháng thứ 3 nên hạn chế các xét nghiệm và thuốc, chỉ truyền nước để lọc khí CO khỏi cơ thể.
Những ngày nằm trong bệnh viện, người vợ khóc nhiều, nghĩ hai vợ chồng trẻ tiết kiệm, vay mượn thêm họ hàng, bạn bè, mua được căn nhà ở Hà Nội, nhưng mất tất cả chỉ sau một đêm. Chị lo nếu không may mình chết, bố mẹ sẽ thế nào, rồi thầm cảm ơn "bây giờ được sống đã là điều may mắn".
Thời gian này, nhiều đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh tổ chức đến thăm hỏi và nhắn tin động viên nữ giáo viên. Chị Yến nhớ mãi một phụ huynh sống tại Hà Tĩnh đã vượt quãng đường hơn 400km ra Hà Nội, trực tiếp vào bệnh viện hỏi thăm tình hình gia đình.
"Tôi không ngờ bản thân nhận được nhiều yêu thương đến thế", chị tâm sự.
Sau 10 ngày điều trị, cô giáo Yến xuất viện, chuyển đến sống tại một căn hộ chung cư đi thuê trên đường Mậu Lương (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông). Chị trở nên nhạy cảm với bóng tối, giấc ngủ chập chờn, sợ tiếp xúc với khói và lửa.
Cuối tháng 9, người phụ nữ quyết định đi làm trở lại, dù cơ thể còn mệt, khó leo cầu thang, nói bị hụt hơi. Chị chọn đi làm để được chữa lành, quên đi ký ức kinh hoàng.
Mỗi ngày, chị rời nhà từ 6h, trở về khi đã 18h30, thời gian di chuyển xa, mất khoảng 2 tiếng cho 80km/ngày. Những ngày hai vợ chồng không kịp đón con, bà nội sẽ hỗ trợ.
Buổi đầu tiên chị đứng lớp, học sinh đã tổ chức màn chào đón bằng câu nói: "Chúng em rất vui chào đón cô giáo quay lại trường học". Đồng nghiệp hỏi thăm, giúp chị "cuốn" vào công việc, đỡ suy nghĩ về những việc đã xảy ra. Học sinh, phụ huynh các khóa liên tục nhắn tin, tạo động lực giúp chị xây dựng cuộc sống mới.
Từ khoản tiền hỗ trợ do Mặt trận Tổ Quốc quận Thanh Xuân phân bổ đầu tháng 11, anh Đức và chị Yến quyết định dành ra khoản tiền chữa bệnh lâu dài, số còn lại để tìm mua căn nhà mới thuận tiện công việc của hai vợ chồng.
Ôm chầm lấy mẹ, đòi vẽ hình xe cứu hỏa, bé Minh Hoàng nói ước mơ sau này là trở thành lính cứu hỏa để cứu người.
Chị Yến nhớ ngày cả gia đình đến trụ sở Đội PCCC và CNCH Công an quận Thanh Xuân nói lời cảm ơn, các chiến sĩ tiết lộ khi chuyển bé Minh Hoàng cho bác sĩ đưa đi cấp cứu, bé cười tươi, nói: "Con cảm ơn chú ạ".
"Hai vợ chồng tôi cũng tâm sự với nhau: Thôi bây giờ cố gắng, mọi người đã giúp mình rồi, thì sau này nếu giúp được ai, mình luôn sẵn sàng để trả ơn cuộc đời", nữ giáo viên kể.