Cuộc đua giảm giá đã vượt ra khỏi Trung Quốc
Dựa trên báo cáo của công ty phân tích thị trường Rho Motion, doanh số bán xe điện (BEV) và xe hybrid cắm điện toàn cầu đã đạt 1,1 triệu chiếc trong tháng đầu tiên của năm 2024.
Dù tăng trưởng 69% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thực tế doanh số xe điện toàn cầu đang có dấu hiệu chậm lại, giảm 26% so với tháng 12/2023. Nguyên nhân đến từ việc cắt giảm trợ cấp hoặc các quy định chặt chẽ hơn ở Đức và Pháp, cùng sức mua yếu từ thị trường Trung Quốc trước dịp Tết Nguyên đán.
Tuy vậy, theo khảo sát của S&P Global Mobility, ngoài các yếu tố về chính sách, cơ sở hạ tầng và trạm sạc, một yếu tố quan trọng khác khiến tốc độ tăng trưởng của xe điện bị chậm lại chủ yếu đến từ giá bán. Giá xe điện còn cao ở thời điểm hiện tại đã khiến người tiêu dùng vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với loại phương tiện này.
Chính vì vậy, các nhà sản xuất ô tô của châu Âu là Stellantis và Renault cho biết họ đang cố gắng phát triển những mẫu xe điện có giá bán phải chăng. Tất nhiên, so với các loại xe sử dụng động cơ đốt trong, chúng vẫn đắt hơn một chút. Trong khi những gã khổng lồ của ngành sản xuất ô tô Mỹ là General Motors (GM) và Ford cũng đã đề cập đến khả năng hợp tác cùng nhau nhằm giảm chi phí sản xuất xe điện.
Theo Reuters, trước đây các nhà sản xuất ô tô của châu Âu và Mỹ từng phải phải vật lộn để theo kịp đà tăng trưởng của Tesla, và giờ đây họ tiếp tục phải đối mặt với áp lực không nhỏ từ các mẫu xe điện giá rẻ của Trung Quốc.
Nhất là khi thị trường xe điện nội địa đang ở tình trạng cung vượt cầu, BYD và các nhà sản xuất xe điện giá rẻ khác của Trung Quốc đang đẩy nhanh xuất khẩu xe sang châu Âu và các khu vực khác. Điều đó khiến các nhà sản xuất ô tô Mỹ lo ngại những công ty này sẽ thành lập các nhà máy sản xuất ô tô ở Mexico để làm bước đệm đưa xe điện của họ thâm nhập thị trường Mỹ.
"Nếu tôi là người theo chủ nghĩa ngắn hạn, ưu tiên các kết quả trước mắt, tôi có thể ngay lập tức tăng doanh số bán xe điện của mình chỉ bằng cách để tỷ suất lợi nhuận trượt dốc", ông Carlos Tavares, Giám đốc điều hành của Stellantis nói sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh cả năm và cảnh báo về một năm mới đầy biến động phía trước.
Còn ông Luca de Meo, Giám đốc điều hành của Renault cho rằng việc giảm giá sẽ dễ dàng hơn đối với các mẫu xe điện cỡ nhỏ, do chỉ cần cắt giảm kích thước bộ pin. Được biết, một bộ pin thường chiếm khoảng 40% chi phí của một chiếc xe điện đang bán trên thị trường. Còn Ford cũng đang đánh giá chiến lược pin của mình và đã thành lập một nhóm chuyên trách để thiết kế một loại xe điện giá rẻ hơn có thể cạnh tranh với BYD.
Cần một hành động cân bằng
Cả các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và châu Âu đều muốn giảm giá bán xe điện, song để làm được điều này họ trước tiên phải cắt giảm chi phí để tạo ra lợi nhuận mà các nhà đầu tư tìm kiếm. Ford và GM cũng phải đối mặt với áp lực từ các nhà đầu tư trong việc hạn chế chi tiêu cho xe điện. Trước đó, hai nhà sản xuất ô tô của Mỹ đã dự kiến sẽ lỗ từ 5-5,5 tỷ USD trong năm nay cho những phương tiện "không khói" này.
Tháng 10 năm ngoái, tập đoàn Stellantis đã trình làng chiếc SUV chạy điện Citroen e-C3 mới, một mẫu xe giá rẻ có giá khởi điểm 23.300 Euro (khoảng 616 triệu đồng) nhằm cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc trên thị trường xe điện có giá bán phải chăng.
Nhờ chi phí nguyên liệu thô cho pin giảm, ông Carlos Tavares cho biết tỷ suất lợi nhuận giữa các mẫu xe điện và xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tiến gần tới "điểm hội tụ" và vị CEO của Stellantis muốn đẩy nhanh quá trình đó.
Fiat 500 hiện có giá khởi điểm là 16.790 bảng Anh (khoảng 517 triệu đồng) tại Anh, dựa trên trang web Fiat của Stellantis, trong khi chiếc e500 chạy điện có giá khởi điểm là 28.195 bảng Anh (khoảng 871 triệu đồng).
Giám đốc tài chính của Renault, Thierry Pieton, cho biết mẫu Scenic chạy điện sắp ra mắt trong năm nay sẽ có giá khởi điểm dưới 40.000 euro (khoảng 1 tỷ đồng). Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào sự cạnh tranh, bao gồm cả sự cạnh tranh của Trung Quốc, Scenic sẽ có vị trí rất tốt”.
Tất cả những điều trên cho thấy rằng sự xuất hiện của các mẫu xe điện giá rẻ của Trung Quốc đã tạo ra động lực mới thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô châu Âu và Mỹ buộc phải phát triển các mẫu xe điện có giá bán rẻ hơn.
Theo Reuters, S&P Global Mobility