Dữ liệu từ Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 5/7 cho thấy, giá bán lẻ tại thị trường Singapore với xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON92) là 138,39 USD/thùng, xăng RON 95 là 147,38 USD/thùng. Trong khi đó, dầu diesel là 154,52 USD/thùng, dầu hỏa 148,14 USD/thùng, dầu mazut 551,72 USD/tấn. Mức giá này tăng không đáng kể so với bình quân giá xăng dầu tại ngày 1/7.
Liên quan điều hành giá xăng dầu, từ 11/7 đến hết năm 2022, thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ được giảm thêm 1.000 đồng/lít, dầu giảm 500 - 700 đồng/lít (riêng dầu hỏa giữ nguyên 300 đồng/lít do đây là mức sàn trong khung thuế).
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu dự báo trong kỳ điều hành ngày 11/7, giá xăng dầu trong nước có thể sẽ giảm khá mạnh. "Với xu hướng giá dầu thế giới hiện nay, cộng thêm việc giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu có thể giảm trên 1.500 đồng/lít", vị này nói.
Vẫn theo đại diện doanh nghiệp, trong kỳ điều hành giá lần này, Liên bộ Công Thương - Tài chính có thể không trích lập Qũy bình ổn giá để góp phần hạ nhiệt giá xăng dầu.
Tại kỳ điều hành ngày 1/7, xăng E5 RON92 giảm 411 đồng/lít, giá bán ra 30.891 đồng/lít; còn xăng RON95 giảm 110 đồng, giá bán ra 32.763 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 404 đồng, bán ra không cao hơn 29.615 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 432 đồng, xuống 28.353 đồng/lít. Dầu mazut giảm 1.013 đồng, bán ra không cao hơn 19.722 đồng/kg.
Vẫn cần giảm thêm thuế
Chia sẻ với VTC News, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh, cho rằng, giá xăng dầu hiện vận neo cao, do đó ngoài việc giảm thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn khung thuế, cơ quan quản lý cần sớm giảm thêm các sắc thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT… Có như vậy mới làm “nguội” bớt sức nóng của giá mặt hàng chiến lược quan trọng này.
“Trường hợp giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến tiêu cực, việc tính toán giảm thêm các loại thuế là cần thiết để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước”, ông Trinh nói.
Theo chuyên gia, khi đà tăng của thế giới chưa dừng lại, Quỹ Bình ổn (BOG) đã cạn, việc giảm thuế phí là giải pháp cần phải tính đến để “hạ nhiệt” giá xăng dầu trong nước. Hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra gánh khoảng 34 - 35% các loại thuế, chi phí trong cơ cấu giá bán. Nói cho dễ hiểu, với mỗi lít xăng giá khoảng 30.000 đồng, 1/3 trong đó là thuế, phí.
Trong 4 sắc thuế đang được đánh trong mỗi lít xăng, dầu (gồm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt), TS Bùi Trinh cho rằng, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu là bất hợp lý, cần sớm bãi bỏ.
"Xăng dầu là mặt hàng dùng cho cả sản xuất và tiêu dùng. Trong khi giá xăng dầu đang rất cao, việc gánh hàng loạt thuế phí, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt, là không hợp lý. Tôi cho rằng nên xóa bỏ sắc thuế này với xăng dầu, đồng thời tiếp tục giảm thuế nhập khẩu”, TS Trinh nói.
Theo chuyên gia, Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô, không lý do gì người dân lại phải chịu quá nhiều thuế phí trên mỗi lít xăng. Chính phủ nên có phương án trợ giá cho người dân và doanh nghiệp. Nguồn ngân sách lấy từ chính nguồn lợi từ xuất khẩu dầu thô, vì đây là tài sản của người dân, người dân được quyền hưởng lợi.
PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng trong bối cảnh hiện nay nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu.
“Xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu, không phải xa xỉ phẩm nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng này không hợp lý. Hơn nữa đây là thời điểm cần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau khi kiệt quệ vì dịch COVID-19”, ông Long nói.
Theo quy định, 11/7 là ngày điều chỉnh giá xăng dầu tiếp theo và thông thường, giá mới được áp dụng từ 15h. Tuy nhiên, đây cũng là kỳ điều hành mà chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường được áp dụng.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng có thể Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ ra quyết định điều chỉnh vào cuối ngày hôm nay để mức giá mới được áp dụng ngay từ 0h ngày 11/7.