Giá xăng giảm gần 400 đồng mỗi lít

07/03/2024 15:57

Giá xăng dầu trong nước hôm nay (7/3) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều hành theo hướng giảm nhẹ. Giá xăng RON95 giảm 370 đồng/lít, về dưới 24.000 đồng/lít.

Trên cơ sở điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15 giờ hôm nay (7/3).

Theo đó, giá xăng E5 giảm 240 đồng/lít, giá bán là 22.510 đồng/lít. Giá xăng RON95 giảm 370 đồng/lít, giá bán là 23.550 đồng/lít.

Giá dầu diesel giảm 300 đồng/lít, giá bán là 20.470 đồng/lít.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 6 lần tăng, 4 lần giảm.

Ở kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 29/2), giá xăng dầu được điều chỉnh theo hướng tăng giá xăng, giảm giá dầu. Cụ thể, mỗi lít xăng tăng 280-330 đồng. Ngược lại, các mặt hàng dầu (trừ dầu mazut) giảm 140 đồng/lít.

Tương tự các kỳ trước, tại kỳ điều hành hôm nay, liên bộ Tài chính - Công Thương không trích lập và cũng không chi Quỹ bình ổn đối với hầu hết các loại xăng dầu, trừ dầu mazut chi 300 đồng/lít.

xang dau a.jpg
Giá xăng quay đầu giảm. Ảnh: Nguyễn Huế

Liên quan đến thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương mới đây cho biết sẽ khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm số lượng doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương đã luôn theo dõi bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp, kiên quyết thực hiện việc phát hành hoá đơn mỗi lần bán từ ngày 31/3 đối với mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm số lượng doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu; giảm tầng cấp trong chuỗi phân phối xăng dầu…

Nhiều lỗ hổng trong quản lý kinh doanh, cấp phép xăng dầu của Bộ Công Thương đã được nêu ra tại kết luận của Thanh tra Chính phủ được công bố vào đầu tháng 1.

Theo Thanh tra Chính phủ, các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng, dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận. Nhiều đầu mối, thương nhân phân phối chỉ thuê kho, bể chứa xăng, dầu theo mùa vụ để giảm chi phí, qua mặt cơ quan quản lý. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường.

Thanh tra Chính phủ xác định đây là một trong những nguyên nhân trong khâu cấp phép, ảnh hưởng tới nguồn cung thị trường.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương đổi mới cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm đầu mối, giảm khâu trung gian nhiều hơn nữa, dễ kiểm tra, giám sát.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giá xăng giảm gần 400 đồng mỗi lít
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO