Giá xăng dầu trong nước hôm nay 22/2/2024
Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay (22/2) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu, trong kỳ điều hành hôm nay, giá xăng dầu trong nước có khả năng giảm theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới.
Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể giảm từ 330-520 đồng/lít. Còn giá dầu diesel có khả năng giảm từ 320-420 đồng/lít.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm ít hơn, thậm chí giữ nguyên.
Tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 15/2), giá xăng dầu đồng loạt được điều chỉnh tăng. Trong đó, giá xăng RON 95 tăng mạnh, lên sát mức 24.000 đồng/lít.
Cụ thể, giá xăng E5 tăng 710 đồng/lít, giá bán là 22.830 đồng/lít. Giá xăng RON95 tăng 650 đồng/lít, giá bán là 23.910 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 660 đồng/lít, giá bán là 21.360 đồng/lít. Giá dầu hoả tăng 640 đồng/lít, giá bán là 21.220 đồng/lít.
Giá xăng dầu thế giới hôm nay 22/2/2024
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay 22/2 tiếp tục đi xuống theo đà giảm từ đầu tuần.
Trong phiên ngày 21/2, giá dầu tiếp đà giảm sau khi mất hơn 1% vào phiên giao dịch trước đó.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 19h48' ngày 21/2 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,11 USD/thùng, giảm 0,23 USD, tương đương 0,28% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 76,84 USD/thùng, giảm 0,2 USD, tương đương 0,26% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu vẫn đang chịu áp lực đi xuống do các nhà đầu tư tỏ ra lo lắng về nhu cầu dầu toàn cầu suy giảm.
Đáng chú ý, hoạt động bảo trì theo mùa của các nhà máy lọc dầu tại Mỹ đang hạn chế nhu cầu dầu thô tại nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới này.
Các nhà phân tích dự đoán tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 16/2 có khả năng tăng 4,3 triệu thùng. Vào tuần trước đó, tồn kho dầu thương mại của Mỹ tăng tới 12 triệu thùng.
Bên cạnh đó, có nhiều lo ngại về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chậm cắt giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Vào tháng trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bác bỏ khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 3. Trong khi đó, dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tuần trước tăng mạnh hơn dự kiến có thể khiến Fed giữ lập trường cứng rắn hơn đối với chính sách tiền tệ trong thời gian tới.
Mới đây, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay sẽ giảm xuống còn 1,22 triệu thùng/ngày, bằng khoảng 1/2 mức tăng trưởng của năm ngoái, thấp hơn so với dự báo 1,24 triệu thùng/ngày trước đó.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn nhận được sự hỗ trợ trước mối lo ngại về nguồn cung, khi căng thẳng tại Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.