Trên cơ sở điều hành của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt giảm giá bán xăng dầu từ 15h ngày 11/8.
Theo đó, giá xăng RON95 giảm 940 đồng/lít, giá bán còn 24.660 đồng/lít. Xăng E5 giảm 1.000 đồng/lít, giá bán là 22.900 đồng/lít.
Giá dầu diesel 0.05S-II giảm 900 đồng/lít, giá bán còn 23.720 đồng/lít.
Theo Bộ Công Thương, kỳ điều hành này, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu có xu hướng giảm nhẹ (riêng dầu mazut tăng). Để hỗ trợ cho đời sống và sản xuất của người dân và doanh nghiệp, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu để tiếp tục giảm giá các mặt hàng xăng dầu và giữ ổn định giá đối với mặt hàng dầu mazut (mặt hàng có biến động tăng so với kỳ điều hành trước).
Bộ Công Thương lý giải, phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý...
Cụ thể, ngoài việc ngừng chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu, liên Bộ quyết định thực hiện trích lập quỹ đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 700 đồng/lít (kỳ trước là 800 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 750 đồng/lít (kỳ trước là 850 đồng/lít), dầu diesel ở mức 350 đồng/lít (kỳ trước là 450 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 650 đồng/lít (như kỳ trước) và dầu mazut ở mức 716 đồng/kg (kỳ trước là 787 đồng/kg).
Trước đó, ngày 8/8, Chính phủ quyết định giảm thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng về 10% để đa dạng hóa nguồn cung trong nước.
Cụ thể, theo đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%. Việc giảm thuế góp phần đa dạng nguồn cung nhập khẩu xăng dầu, nhưng không có nhiều tác dụng trong việc hỗ trợ giảm giá.