"Nín thở" nhìn giá xăng dầu gas tăng liên tục
Trong lần tăng thứ 5 liên tiếp vào 10/11, giá xăng đứng ở mức kỷ lục trong vòng 8 năm trở lại đây, tác động đến đời sống của người dân cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Sau lần tăng này, giá bán xăng E5RON92 không cao hơn 23.669 đồng/lít, xăng RON95-III không cao hơn 24.996 đồng/lít. Một bình xăng của loại xe thông thường giờ đầy bình chính xác đã là 100.000 đồng không hơn không kém.
Với mức giá này, xăng RON95 đã tiến gần sát mức đỉnh lịch sử 25.070 đồng/lít hồi tháng 7/2013. So với cách đây 2 tháng, giá xăng RON95 đã tăng thêm gần 3.900 đồng và E5RON92 thêm gần 3.800 đồng, tương ứng mức tăng gần 19%.
Không chỉ xăng tăng giá, mà thời gian qua, giá dầu, gas cũng theo chiều hướng đi lên khi đây được xem là phụ phẩm quan trọng.
Từ ngày 1/11/2021, giá gas thống kê sơ bộ đã tăng thêm 17.000 đồng, kéo theo giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tăng lên mức kỷ lục 500.000 đồng cho loại bình dung tích 12kg. Đây cũng là lần thứ 9 trong năm nay gas tăng giá, ảnh hưởng mạnh mẽ đến từng hộ gia đình.
Ghi nhận tại thị trường Vĩnh Long, giá gas Pacific, Vimexco Gas và City Petro đều tăng. Giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng cho loại 12kg dao động từ 505.000 đồng đến 540.000 đồng. Với loại bình 50kg giá tối đa là trên dưới 2,1 triệu đồng.
Cùng với gas, xăng, mặt hàng dầu cũng tăng giá trong thời gian qua mà chưa có dấu hiệu ngừng lại. Cụ thể, dầu diesel cũng tăng 8,48%, dầu hỏa tăng 7,39% tương đương mức giá bán lần lượt là 19.060 đồng/lít và 17.630 đồng/lít.
Sản xuất, kinh doanh, buôn bán bị ảnh hưởng vì giá xăng dầu gas tăng 'phi mã'
Theo chị Gia Hân (Vĩnh Long), giá gas lên mạnh khiến chi tiêu gia đình tăng theo, trong khi thu nhập giảm vì ảnh hưởng COVID-19.
"Nếu cắt giảm sử dụng gas chuyển qua nấu bằng điện thì cũng không hơn gì khi giá điện cũng đang không hề rẻ", chị Hân chia sẻ.
Giá xăng tăng cũng khiến ngành dịch vụ vận chuyển bị ảnh hưởng nặng vì chiếm phần trăm chi phí khá nhiều.
Điển hình như anh Hùng (Đồng Nai), nhà có 3 chiếc xe cho thuê chạy dịch vụ nhưng mấy nay đắp chiếu vì COVID-19, nay ổn ổn lại thì không có khách.
Giá xăng ảnh hưởng trực tiếp giá thành nên chi phí cao ngán chân hành khách rất nhiều, đành ra anh vẫn phải cầm chừng, thậm chí còn tốn thêm tiền bãi.
Cùng tình trạng như anh Hùng, một chủ doanh nghiệp đang khai thác tuyến xe khách TP.HCM - Vĩnh Long - Sa Đéc cũng đang đứng ngồi không yên khi xăng dầu đã chiếm 30% chi phí vận hành.
"Mỗi chuyến xe hiện chỉ được trên dưới 10 khách doanh nghiệp cầm chắc lỗ khi giá xăng dầu tăng liên tục kiểu này mà giá vé không thể tăng vì COVID-19", doanh nghiệp cho biết.
Chi phí xăng dầu tăng không chỉ ảnh hưởng lên loại hình vận tải hành khách công cộng mà còn cả xe chở hàng.
Theo anh Duy (ngụ Trà Vinh), mỗi ngày anh đều phải vận chuyển hải sản từ Trà Vinh ngang Vĩnh Long - Tiền Giang và về TP.HCM để phân phối. Với việc giá xăng dầu tăng cao, không chỉ khiến chi phí lên cao mà còn khiến các mặt hàng đi kèm tăng giá, khách hàng sẽ bị ảnh hưởng theo khi bán ra thị trường.
Không chỉ vận chuyển, kinh doanh buôn bán cũng được cho là ảnh hưởng nhiều khi giá gas tăng. Một chủ quán ăn tại Bình Tân, TP.HCM mấy nay đang ngao ngán vì gas tăng giá.
Cụ thể, vì gas là nhiên liệu không thể thiếu đối với dịch vụ ăn uống nên mỗi bình tăng sẽ ảnh hưởng dây chuyền.
"Gas tăng nhưng mình không thể tăng giá món ăn được, trong khi dịch bệnh kéo dài thì bữa được bữa không lại càng thêm ảm đạm. Làm ăn trong mùa dịch đã khó, nay gas tăng giá thì coi như đã khó càng thêm khó”, chủ quán ăn thở dài.