Nhiều tháng nay, Anh Lê Văn Hiệp, nhà xe Trung Dũng chạy tuyến Mỹ Đình Điện Biên đứng ngồi không yên vì giá xăng liên tục leo thang trong khi lượng khách vẫn kém xa so với trước đại dịch, khiến thu không đủ bù chi. Để không mất "lốt", doanh nghiệp này buộc phải giảm 50% số chuyến cho 6 xe khách vì càng chạy càng lỗ.
Việc giá xăng dầu tiếp tục tăng mới đây càng khiến anh Hiệp rối trí. Gương mặt buồn thiu, anh Hiệp cho biết, xe 30 giường nằm mỗi chuyến đi/về Mỹ Đình - Điện Biên hết 350 lít dầu, với giá dầu diesel tăng 1.210 đồng/lít (lên 26.740 đồng/lít) kể từ chiều 11/5, chỉ tính riêng chi phí dầu đã tăng thêm gần 425.000 đồng mỗi chuyến.
Trong khi đó, giá vé tuyến Mỹ Đình - Điện Biên xe giường nằm được quy định bán 340.000 đồng/vé, nhưng khách chủ yếu là người lao động phổ thông thuộc vùng khó khăn, đồng bào dân tộc về Hà Nội lao động mưu sinh nên nhiều khi khách mặc cả 250.000, thậm chí là 200.000 đồng/vé mà nhà xe vẫn phải chấp nhận vận chuyển để gỡ gạc “được đồng nào hay đồng đấy”. Chưa kể, nhiều khách chỉ đi một đoạn đường ngắn nên giá vé phải trả cũng thấp hơn rất nhiều.
“Vì chịu không nổi các chi phí phát sinh nên từ Tết đến giờ chúng tôi đã phải bán 2 xe khách để trả nợ ngân hàng và lấy kinh phí hoạt động cho 4 xe còn lại. Chúng tôi bán được xe cũng còn may, bởi tại Điện Biên hiện có hàng trăm xe khách để dầm mưa dãi nắng, rao bán mãi cũng không ai mua”, anh Hiệp nói.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh Hoàng Văn Kiên, nhà xe Ka Long chuyên chạy tuyến Mỹ Đình - Móng Cái (Quảng Ninh) cho biết, giá xăng dầu tăng cao đã gây rất nhiều khó khăn, áp lực lên các nhà xe. Mọi chi phí đều tăng, khách đi lại ít nhưng nhà xe không chạy cũng không được vì không chạy là chấp nhận phá sản vì mất thị phần.
“Xe giường nằm 30 chỗ nhưng trung bình mỗi chuyến cũng chỉ có 10 - 15 khách đi. Với giá vé 250.000 đồng, mỗi chuyến nhà xe chỉ thu về hơn 3,7 triệu đồng gọi là duy trì hoạt động để cầm cự. Từ sau Tết đến nay chúng tôi đã đề xuất tăng giá vé để giảm bớt khó khăn, tránh phá sản vì xăng dầu chiếm 45-50% trong cơ cấu giá cước. Tuy nhiên, đây là khó khăn chung nên chúng tôi chưa được chấp thuận tăng giá”, anh Kiên nói.
Cũng là doanh nghiệp đề xuất tăng giá vé, anh Hoàng Văn Hanh đến từ nhà xe Ngọc Cường chạy tuyến Mỹ Đình - Hà Giang cho biết, từ sau Tết, doanh nghiệp đã đề xuất với Sở GTVT Hà Giang tăng giá vé vì giá xăng tăng nhưng được cơ quan chức năng cho biết, lộ trình điều chỉnh cước phí vận tải phải được cân nhắc kỹ càng, đặc biệt trong giai đoạn này lượng hàng hóa rất ít.
“Với giá dầu diesel tăng thêm 1.210 đồng/lít, mỗi chuyến Mỹ Đình - Hà Giang và ngược lại, nhà xe phải trả thêm một khoản 317.000 đồng. Thời gian tới, nếu giá xăng dầu không giảm thì chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất điều chỉnh giá cước để bù lỗ”, anh Hanh cho biết.
Anh Trần Văn Hưng, nhà xe Bảo Yến, chuyên chạy tuyến Tuyên Quang - Mỹ Đình băn khoăn: "Nếu không tăng giá thì chúng tôi chỉ còn cách bán xe đi để ăn dần. Nhưng nếu tăng thì chúng tôi thêm một nỗi lo khác là mất khách. Thật không biết tính thế nào để hồi phục sau ảnh hưởng của COVID-19".
Theo tính toán của ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, xăng dầu chiếm 45-50% tổng chi phí của ngành vận tải. Do đó mỗi lần xăng dầu tăng giá là doanh nghiệp “khốn đốn” theo, nhiều đơn vị đi đến bước đường cùng và nguy cơ đứng bên vực phá sản.
“Trong bối cảnh chưa thể hồi phục sau COVID-19 thì việc xăng dầu liên tục tăng giá là một đòn giáng mạnh vào các doanh nghiệp vận tải. Doanh nghiệp không thể mãi bù lỗ mà họ phải tính đến phương án tăng giá, đẩy giá các dịch vụ, hàng hóa khác tăng theo, tác động lớn đến nền kinh tế. Do đó, các ngành chức năng cần cân nhắc, tính toán hợp lý để doanh nghiệp không cảm thấy bị tổn thương trong quá trình phục hồi”, ông Liên nói.
PHẠM DUY