Lúc 14h, giá vàng miếng đang được SJC niêm yết ở mức 86,8 - 89,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 1,6 - 1,7 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay. Mức giá này đã lật đổ kỷ lục 88,5 triệu đồng/lượng vừa lập được trong sáng nay.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng được Doji niêm yết ở mức 86,8 - 88,3 triệu đồng/lượng, tăng 1,6 triệu đồng/lượng.
Như vậy, từ sau lễ 30/4 - 1/5 giá vàng trong nước đã liên tục thiết lập nhiều đỉnh cao kỷ lục khi chinh phục lần lượt mốc 87 - 88 - 89 triệu đồng/lượng. Nhiều ý kiến còn cho rằng, giá kim loại quý có thể lập đỉnh 90 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng trong nước đang có diễn biến lạ. Trước khi Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu bán vàng miếng, giá thường xuyên sụt giảm, thậm chí nhiều lúc bị vàng nhẫn lấn lướt.
Nhưng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước gọi thầu lần đầu tiên vào ngày 23/4, giá vàng miếng SJC lại liên tục tăng nhanh, bất chấp giá quốc tế, nhiều khi đi ngược nhiều.
Gần đây nhất là phiên đấu thầu hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã bán thành công 3.400 lượng vàng cho 3 doanh nghiệp. Nhưng điều này chưa đủ bình ổn giá kim loại quý. Minh chứng là giá hôm nay vẫn tăng sốc.
Điều này có thể làm mục tiêu đấu thầu tăng cung vàng miếng để giảm chênh lệch giá với thế giới gặp thách thức.
Trả lời về nguyên nhân của việc giá vàng miếng tăng phi mã sau mỗi phiên đấu thầu, chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích, mặc dù giá vàng trong nước chịu tác động tới 70 - 80% từ giá thế giới nhưng việc khan hiếm nguồn cung vẫn có thể khiến giá bị đẩy lên cao. Vì thế, dù giá thế giới giảm nhưng giá trong nước vẫn đi lên là điều dễ hiểu.
Tuy NHNN đã liên tục tổ chức đấu thầu vàng nhưng đa số là không thành công. Đến nay mới chỉ có 2 phiên bán được 6.800 lượng vàng - chưa đủ để bình ổn thị trường. Những đơn vị trúng thầu thực chất là mua để bù vào lượng vàng đã bán, chứ không phải mua để tăng cung ra thị trường.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, việc giá vàng miếng không ngừng tăng trong những ngày qua là do vấn đề cung - cầu.
“Chúng ta đang thực hiện đấu thầu vàng miếng để tăng nguồn cung trên thị trường, đúng ra là giá vàng miếng phải giảm. Nhưng trên thực tế, khi Ngân hàng Nhà nước tung vàng ra bán thì phần lớn đơn vị không tham gia được, khiến mục tiêu không đạt được. Cung không đổi mà cầu tăng lên thì chắc chắn giá sẽ lại tăng", ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, theo ông Thịnh, nguyên nhân trên chỉ là một phần. Nguyên nhân quan trọng hơn là do tâm lý của người mua
"Họ nghĩ rằng đấu thầu không thuận lợi tức là không tăng được cung. Cung không tăng thì giá tăng lên, vì thế yếu tố tâm lý kích thích nguồn cầu ngày cao, làm giá đi lên. Ngoài ra, cũng có thể doanh nghiệp đẩy giá do chịu sức ép của việc thiếu hụt nguồn cung, chi phí nhập vàng cao", ông nói.