Giá vàng trong nước
Kết thúc phiên giao dịch ngày 3/4, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
SJC Hà Nội: 79.300.000 đồng/lượng - 81.320.000 đồng/lượng
DOJI Hà Nội: 78.600.000 đồng/lượng - 81.100.000 đồng/lượng
SJC TP.HCM: 79.300.000 đồng/lượng - 81.300.000 đồng/lượng
DOJI TP.HCM: 78.600.000 đồng/lượng - 81.100.000 đồng/lượng
Giá vàng quốc tế
Tới 19h50 tối 3/4 (giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay giao ngay trên thị trường thế giới ở mức 2.265 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 năm 2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.279 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 3/4 cao hơn khoảng 9,8% (202 USD/ounce) so với cuối năm 2023. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức 69 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 12,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 3/4.
Chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng quốc tế giảm từ mức đỉnh cao 18-20 triệu đồng/lượng xuống còn hơn 12 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, vàng miếng SJC vẫn ở mức rất cao, hơn 81 triệu đồng/lượng, do vàng thế giới tăng không ngừng nghỉ trong thời gian gần đây.
Sự thận trọng trước các biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ đưa ra đã khiến sức cầu đối với vàng miếng SJC không còn cao.
Giá vàng thế giới tăng dựng đứng và lên đỉnh cao lịch sử mới, ở mức 2.265-2.267 USD/ounce do căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, đồng Yen Nhật xuống thấp nhất 34 năm trong khi giá dầu lên mức cao nhất 5 tháng.
Dòng tiền trên thế giới đổ mạnh vào vàng sau khi khu vực Trung Đông ở bên bờ vực chiến tranh sau vụ tấn công đại sứ quán Iran ở Thủ đô Damascus của Syria ngày 1/4, khiến nhiều chỉ huy và quan chức cấp cao của Iran thiệt mạng.
Ngoài ra, một cuộc không kích của Israel ở Gaza đã giết chết 7 nhân viên cứu trợ, làm dấy lên mối lo ngại toàn cầu.
Vàng thế giới tăng giá mạnh còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu tăng vọt lên đỉnh cao 5 tháng khi xuất hiện căng thẳng địa chính trị mới ở Trung Đông.
Căng thẳng ở Trung Đông khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung ở khu vực giàu dầu mỏ này. Bên cạnh đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào thứ Tư để xem xét cung và cầu trên thị trường và mức độ tuân thủ chặt chẽ của các thành viên đối với việc cắt giảm sản lượng đã thỏa thuận.
Dự báo giá vàng
Tuy nhiên, đà tăng của vàng còn đang bị kìm lại bởi một đồng USD lên cao và lợi suất trái phiếu khó bạc Mỹ gia tăng trở lại. Các dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn khá mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất ISM cao hơn mong đợi.
Những thông tin này khiến nhiều người xem xét lại kỳ vọng của họ về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào tháng 6.
Theo tín hiệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME, tính tới 21h ngày 2/4 (giờ Việt Nam) chỉ còn 58% tin vào khả năng Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 12/6, thay vì mức 70% ghi nhận hôm 28/3. Có 42% tin rằng Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất 5,25-5,5%/năm như hiện tại.
Đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác. Đồng Yen Nhật thậm chí xuống mức thấp nhất trong 34 năm so với USD. Tuy nhiên, đồng bạc xanh của Mỹ vẫn khó bứt phá khi xu hướng nới lỏng tiền tệ trong trung và dài hạn là gần như không thể đảo ngược.
Nhiều chuyên gia dự báo, vàng có thể còn bứt phá lên tiếp và lập các đỉnh cao mới nếu căng thẳng lan rộng tại Trung Đông. Iran có thể sẽ đáp trả Israel theo một hướng nào đó.