Giá vàng trong nước
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/3, giá vàng 9999 trong nước được SJC và Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau:
SJC Hà Nội: 78.200.000 đồng/lượng - 80.720.000 đồng/lượng
Doji Hà Nội: 78.000.000 đồng/lượng - 80.500.000 đồng/lượng
SJC TP.HCM: 78.200.000 đồng/lượng - 80.700.000 đồng/lượng
Doji TP.HCM: 78.000.000 đồng/lượng - 80.500.000 đồng/lượng
Giá vàng quốc tế
Tới 19h30 tối 13/3 (giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay giao ngay trên thị trường thế giới tăng lên 2.165 USD/ounce. Vàng giao tháng 4 năm 2024 trên sàn Comex New York ở mức 2.172 USD/ounce.
Giá vàng thế giới đêm 13/3 cao hơn khoảng 4,9% (102 USD/ounce) so với cuối năm 2023. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 65,4 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 15,3 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 13/3.
Trong phiên giao dịch ngày 13/3, giá vàng miếng SJC đã giảm khoảng 2,1 triệu đồng/lượng chiều bán ra và giảm 2,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào so với phiên liền trước, xuống còn tương ứng 80,7 triệu đồng/lượng và 78,2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn bốc hơi khoảng 2,7-2,8 triệu đồng/lượng so với hôm 11/3, xuống còn 66,55 triệu đồng/lượng (mua) và 68,15 triệu đồng/lượng (bán), với vàng nhẫn của Bảo Tín Minh Châu.
Rủi ro với vàng miếng SJC giảm bớt khi chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới quy đổi chỉ còn 15,3 triệu đồng (tính theo tỷ giá ngân hàng), so với mức chênh 17 triệu đồng/lượng phiên 12/3.
Tuy nhiên, theo kế hoạch, trong quý I, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố những đánh giá đối với Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng và có những biện pháp để ổn định thị trường này.
Giá vàng trong nước hiện nay có mức chênh rất lớn so với giá thế giới. Nếu nguồn cung vàng miếng SJC được cải thiện, nhiều khả năng giá vàng miếng SJC sẽ tụt giảm sâu hơn nữa. Giới đầu tư hiện khá thận trọng với vàng, đặc biệt trong hai tuần tới. Gần đây, áp lực chốt lời đối với mặt hàng này khá lớn.
Tuy nhiên, có một thực tế là, giá vàng thế giới giảm không nhiều trong phiên vừa qua và đang có xu hướng tăng trở lại.
Mở cửa phiên giao dịch 13/3 trên thị trường New York (tối 13/3 giờ Việt Nam), giá vàng trên thế giới quay đầu tăng.
Vàng thế giới tăng trở lại cho dù Mỹ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cao hơn so với kỳ vọng của thị trường. Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết CPI tháng 2 tăng 0,4% so với tháng trước đó và tăng 3,2% so cùng kỳ năm ngoái - mức tăng cao nhất trong 5 tháng.
Dự báo giá vàng
Trong phiên trước (12/3), giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đã giảm khoảng 20-25 USD về mức 2.150 USD/ounce trong bối cảnh nhiều người lo ngại với dữ liệu CPI như vậy, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể hoãn cắt giảm lãi suất đến nửa cuối năm.
Dù vậy, trên thực tế, thị trường đã đánh cược vào khả năng Fed sẽ không giảm lãi suất trong cuộc họp vào 21/3 và trong tháng 5. Fed được dự báo sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 6.
Do vậy, đây không phải là điều quá bất ngờ. Bước điều chỉnh giảm khá khiêm tốn của giá vàng trên thị trường quốc tế đã cho thấy điều này.
Tính tới ngày 13/3, chỉ báo từ thị trường theo tín hiệu từ công cụ CME Fedwatch cho thấy, có 64,7% khả năng Fed hạ lãi suất trong cuộc họp ngày 12/6 với mức cắt giảm từ 25 đến 50 điểm phần trăm, thấp hơn đôi chút so với mức 68,7% ghi nhận hôm 6/3.
Khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 21/3 lên tới 99%, còn khả năng không giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 5 là 89,6%.
Trong nửa cuối năm, Fed được dự báo sẽ vào chu kỳ giảm lãi suất và mặt hàng kim loại quý sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ. Vàng được dự báo sẽ lên mức 2.200-2.400 USD/ounce trong năm 2024 (tương đương 66,4-72,5 triệu đồng/lượng).
Nếu mức chênh với giá thế giới giả sử 12 triệu đồng/lượng, thì giá vàng miếng SJC sẽ ở mức khoảng 78-84 triệu đồng/lượng.