Sau 3 phiên tăng giá kỷ lục, từ chiều 8/3 đến sáng nay 11/3, giá vàng miếng trong nước quay đầu giảm giá mạnh. Tuy vẫn ở mức cao nhưng so với mức giá cao kỷ lục 74,4 triệu đồng/lượng, hiện mỗi lượng vàng mất hơn 4 triệu đồng/lượng (giá bán).
Còn nhớ, thời điểm tháng 8/2020, khi giá vàng thế giới đạt đỉnh trên 2.063 USD/ounce, giá vàng trong nước khi đó cũng chỉ giao dịch quanh vùng 60 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, ngày 8/3 vừa qua, giá vàng SJC giao dịch ở mức 74,4 triệu đồng mỗi lượng, trong khi giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 2.004 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá tương đương khoảng 55 triệu đồng/lượng.
Như vậy, vàng trong nước đã cao hơn thế giới tới 19 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức cao chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.
Theo nhiều chuyên gia, giá vàng trong nước đã có sự chênh lệch với giá thế giới từ nhiều năm trước đây, tuy nhiên mức chênh lệch này thường không quá 10% nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng. Trong vòng 1 năm trở lại đây, giá vàng trong nước thường cao hơn thế giới 10 - 15%. Nhiều chuyên gia nhận định mức chênh lệch “khủng khiếp” như trên sẽ đẩy rủi ro rất lớn về phía nhà đầu tư.
Trước câu hỏi, nhà đầu tư có nên “lướt sóng” vàng vào thời điểm giá đang hạ nhiệt không, nhiều chuyên gia cùng đưa ra nhận định đầu tư vàng được cho là kênh trú ẩn nhưng cũng tương đối rủi ro vì giá của kim loại quý biến động rất mạnh. Trước diễn biến hiện nay, người dân không nên đầu cơ và đặc biệt không nên đi vay tiền để đầu tư vàng trong giai đoạn này. Người dân cũng thận trọng khi tập trung đầu tư vào vàng miếng bởi với nguồn cung giới hạn, nếu thị trường chỉ nhắm vào mỗi loại vàng này sẽ khiến giá bị đẩy lên cao.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, giá vàng trong nước tăng lên ngưỡng cao kỷ lục do chiến sự căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Do giá vàng tăng mạnh không dựa trên nền tảng của sự phát triển kinh tế nên chỉ mang tính nhất thời, không bền vững.
“Khi xảy ra xung đột địa chính trị, chứng khoán và giá vàng sẽ biến động mạnh. Tuy nhiên, căng thẳng nào rồi cũng sẽ hạ nhiệt, điều này sẽ kéo theo đà giảm của vàng. Vì vậy, tôi cho rằng, giá vàng hôm nay tăng chỉ có tính cục bộ, nên mua vào hay bán ra đều cần phải rất cẩn trọng”, ông Thịnh cảnh báo.
Giá vàng hiện đang hạ nhiệt so với phiên giao dịch ngày 8/3, nhưng các nhà đầu tư trong nước không nên mua vàng để “lướt sóng” lúc này bởi lẽ hiện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang quá cao. Nếu găm vàng, người mua phải trả với mức giá đắt hơn gần 20 triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu thị trường đảo chiều.
“Nhà đầu tư chỉ nên mua vàng với món nhỏ khi thực sự cần thiết. Hiện nay không phải thời điểm thích hợp để mua vàng đầu tư dài hạn. Người dân chỉ nên nên mua khi chênh lệch giá thị trường vàng trong nước và thế giới ở mức hợp lý, với mức 2-3 triệu đồng/lượng,” ông Thịnh khuyến cáo.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, các nhà đầu tư không nên "lướt sóng" vàng lúc này, vì rủi ro rất cao, có ngày giá vàng lên cao, nhưng có ngày lại xuống thấp.
Những ngày gần đây, giá vàng thế giới có lúc vượt lên 2.000 USD/ounce, nhưng ngay sau đó lại rơi xuống dưới 2.000 USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng vậy, có thởi điểm vượt lên trên ngưỡng 74 triệu đồng/lượng, nhưng hiện tại lại xuống 70 triệu đồng/lượng.
“Nhà đầu tư không nên nhảy vào cuộc chơi giá vàng lúc này, vì biến động mạnh sẽ dễ thua lỗ, nhất là những nhà đầu tư mua đi bán lại để hưởng lời sẽ rất dễ trở tay không kịp, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên.
“Tôi có 3 lời khuyên cho nhà đầu tư. Thứ nhất, không nên bỏ trứng vào 1 giỏ, nếu có tiền nhàn rỗi thì nên mua vàng, nhưng chỉ mua một phần, phần còn lại mua vàng, đầu tư bất động sản và ngành nghề khác.
Thứ hai, không đầu tư theo phong trào, phải có sự nghiên cứu, hiểu thị trường vàng đang diễn biến thế nào, để đưa ra quyết định khôn ngoan.
Thứ ba, không bao giờ đi vay tiền đi chơi vàng vì khi giá vàng xuống không những lỗ mà còn chịu áp lực về tài chính để trả lại số tiền đã vay”, ông Hiếu khuyến cáo thêm.
Ngọc Vy