Và mới đây Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bài học rút ra từ câu chuyện này được TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với PV VOV Giao thông.
PV: Từ thực tế đang có những cảnh bảo rủi ro khi mua sắm trên Temu cũng như việc cơ quan chức năng đang rà soát và siết chặt quy định đối với sàn thương mại điện tử (TMĐT) này, ông cho rằng điều này phản ánh những lỗ hổng nào trong quy định quản lý các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay?
TS. Lê Quốc Phương: Từ khoảng đầu tháng 10/2024, sàn thương mại điện tử Temu từ Trung Quốc đã bán hàng không phép rất rầm rộ tại nước ta. Cho đến ngày 24/10/2024, Bộ Công thương mới nhận được đơn xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam của Temu, mà không chỉ có TEMU, còn một số sàn thương mại điện tử khác từ Trung Quốc đang hoạt động tại Việt Nam cũng chưa có giấy phép hoặc là còn thiếu nhiều giấy phép để hoạt động.
Việc các sàn thương mại điện tử nước ngoài có quy mô rất lớn này hoạt động công khai tại Việt Nam khi chưa được cấp phép mà mới đang thực hiện thủ tục xin cấp phép, cho thấy hiện đang có lỗ hổng trong quản lý các sàn thương mại điện tử, tức là các quy định quản lý sàn TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu và chúng ta khó xử lý.
Chúng ta đã có Nghị định số 85/2021 về thương mại điện tử, trong đó quy định các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Thế nhưng, hiện nay cơ quan quản lý nhà nước chưa có phương thức giám sát một cách chủ động và chặt chẽ để kịp thời phát hiện vi phạm và cũng có chế tài nhưng chưa thực sự hiệu quả để xử lý vi phạm.
PV: Việc người tiêu dùng phải đối mặt với nhiều rủi ro khi mua hàng trên Temu cho thấy họ cần có những thay đổi gì trong hành vi mua sắm trực tuyến để tránh các vấn đề tương tự, thưa ông?
TS. Lê Quốc Phương: Thương mại điện tử ở nước ta phát triển rất nhanh, ngày càng có nhiều người tiêu dùng tham gia vào thương mại điện tử. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, đó là rủi ro về sản phẩm, chúng ta thấy là hiện nay đang diễn ra khá phổ biến hiện tượng hàng nhái, hàng giả, hàng không đúng chất lượng quảng cáo trong thương mại điện tử.
Rủi ro thứ hai là về an toàn thông tin cá nhân, tức là thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị lấy cắp rồi bị mua bán, người tiêu dùng là bị mất tiền trong tài khoản sau khi lộ thông tin cá nhân.
Một rủi ro nữa là rủi ro không nhận được hàng mặc dù đã trả tiền rồi. Hay rủi ro không được đổi trả khi nhận hàng nhưng lại không đúng chất lượng và quy cách quảng cáo.
Để tránh được những rủi ro này, người tiêu dùng cần phải có những biện pháp gì? Theo tôi, trước hết là người tiêu dùng cần phải lựa chọn nền tảng mua sắm trực tuyến có uy tín và đã được đăng ký với Bộ Công thương, cần phải kiểm tra kỹ thông tin cho đặt hàng và nhận hàng. Cần phải liên tục cập nhật các quy định pháp lý liên quan đến mua sắm trực tuyến. Ví dụ như Luật giao dịch điện tử, Luật quảng cáo, Luật an ninh mạng hay là thậm chí là Luật dân sự.
PV: Từ bài học thực tế với Temu, ông có nhận định gì về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát và bảo vệ người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử quốc tế hoạt động tại Việt Nam?
TS. Lê Quốc Phương: Qua bài học Temu, để bảo vệ người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm nhiều việc.
Thứ nhất, phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát sàn thương mại điện tử để phát hiện các sai phạm, để tăng cường người bảo vệ người tiêu dùng. Cơ quan quản lý nhà nước phải hoàn thiện pháp luật về môi trường thương mại điện tử, trong đó có pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Cơ quan nhà nước cũng phải đưa ra những quy tắc, chuẩn mực kinh doanh trên môi trường kinh doanh mạng.
Một điểm nữa là cơ quan nhà nước phải xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử đối với người tiêu dùng. Ví dụ đưa ra yêu cầu buộc các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng và để người tiêu dùng phải hiểu rõ được là họ mua sản phẩm gì, các điều kiện giao dịch, về điều kiện thanh toán, điều kiện vận chuyển, điều kiện hoàn trả thế nào phải rõ ràng.
Ngoài ra, cơ quan nhà nước cũng phải đưa ra các giải pháp công nghệ để định danh người bán hàng tháng. Cơ quan nhà nước cũng cần phải đưa ra được giải pháp công nghệ để chủ động xác định những vi phạm của nền tảng thương mại điện tử và đưa ra được chế tài thực sự nhanh chóng và hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông.