Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã đăng tải thông tin, hình ảnh cảnh báo về hiện tượng giả mạo thông tin của bệnh viện nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, trên một số hội nhóm mạng xã hội facebook tại Tuyên Quang có đăng tải thông tin kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để quyên góp từ thiện. Nội dung thể hiện bệnh nhân 8 tuổi do bị té xe nên trong não có máu bầm, giờ bác sĩ yêu cầu phải mổ gấp.
Tài khoản này còn đăng tải hình ảnh giấy "xác nhận nằm viện" thể hiện do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cấp với nội dung: Bệnh nhân có tên là Hoàng Trọng Hà, sinh năm 2015. Người thân là Hoàng Công Trường. Bệnh nhân nhập viện ngày 5.2.2023, được chẩn đoán máu bầm trong não, hôn mê lúc nhập viện. Phương pháp điều trị Phẫu thuật lấy máu bầm; chi phí phẫu thuật 20 triệu đồng, đã tạm ứng 15 triệu đồng. Cuối bài viết là số điện thoại gia đình và số tài khoản nhận ủng hộ.
Qua xác minh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang khẳng định toàn bộ thông tin kêu gọi là sai sự thật. Bệnh viện không tiếp nhận và điều trị nội trú cho bệnh nhân nhi nào tên là Hoàng Trọng Hà; không cung cấp giấy xác nhận nằm viện như trong ảnh (chữ ký giám đốc và con dấu của bệnh viện là giả mạo; bệnh viện không có bác sĩ nào đang công tác tên là Huỳnh Minh Thu).
Ngay sau khi nhận được thông tin và xác minh thông tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã liên hệ với cơ quan chức năng để điều tra làm rõ hành vi lừa đảo trên.
Trước đó, Báo Lao Động đã đăng tải thông tin các đối tượng trục lợi bằng cách làm giả giấy tờ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, sau đó đăng tải lên mạng xã hội để quyên góp tiền chữa bệnh.
Qua xác minh, bệnh viện không có bác sĩ nào tên là Huỳnh Minh Thu, không có bệnh nhân Hoàng Trọng Hiếu (SN 2015) như giấy xác nhận đăng tải trên mạng xã hội. Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Văn Mẫn cũng đã chuyển công tác lên Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên.
"Hiện chúng tôi đang phối hợp để làm rõ cũng như có giải pháp xử lý, ngăn chặn", ông Phạm Giang Nam - Giám đốc Sở Y tế Điện Biên thông tin.
Nhìn nhận ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết, hành vi đăng tải thông tin kêu gọi từ thiện nhưng người bệnh không có thật nhằm mục đích nhận tiền của nhà từ thiện có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm.
Cụ thể: Trường hợp quyên góp tiền của người khác với lý do làm từ thiện nhưng lại không dùng khoản tiền đó cho mục đích từ thiện mà nhằm chiếm đoạt thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, căn cứ Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP "Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác", người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng; áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu số tiền đã quyên góp được.
Ngoài ra, người vi phạm có thể bị xử phạt bổ sung bằng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Cũng theo luật sư Nghĩa, ngoài xử hành chính, người ăn chặn tiền tự thiện nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, để có căn cứ xử lý hình sự đối tượng kêu gọi góp tiền từ thiện nhằm mục đích trục lợi, cơ quan chức năng cần có chứng cứ chứng minh người bị lừa đã chuyển tối thiểu 2 triệu đồng vào tài khoản cho đối tượng. Trường hợp số tiền chuyển dưới 2 triệu đồng thì phải xét thuộc những trường hợp được liệt kê tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Việc chuyển tiền có thể chứng minh bằng các tin nhắn chuyển tiền điện tử hoặc sao kê của ngân hàng… Người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Như vậy, mức phạt đối với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí là tù chung thân. Ngoài ra, tội phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần tài sản hoặc toàn bộ tài sản.
Người ăn chặn từ thiện cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 175 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt tù cao nhất lên đến 12 năm. Ngoài ra, tội phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa khuyến cáo, nếu muốn từ thiện, các nhà hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể; quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để tránh bị kẻ xấu lợi dụng lòng tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nếu phát hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hoạt động từ thiện, cần báo cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.