Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong sáng nay, lãnh đạo thuộc 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã thành lập các đoàn công tác đến các huyện trọng điểm dự kiến có thể bị ảnh hưởng khi cơn bão số 4 đổ bộ vào để kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão lũ.
Theo ghi nhận tại tỉnh Kon Tum, Thường trực Tỉnh ủy đã huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng thực hiện công tác phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 4.
Cơ quan chức năng xác định, các huyện miền núi như: huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy và Kon Plông sẽ có ảnh hưởng khi bão số 4 đổ bộ vào bờ. Trong đó, 3 huyện: Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông có địa giới giáp 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, nơi được dự báo tâm bão đổ bộ vào đêm nay đang được chú ý đặc biệt đến công tác phòng, chống, ứng phó.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo cấp ủy và chính quyền huyện, xã, thành phố tổ chức trực 24/24 từ ngày 27/9. Huyện ủy - UBND huyện phải đi cơ sở xuống tận xã, tận thôn, tận làng kiểm tra, triển khai cho xã để xã triển khai phòng chống cơn bão số 4.
Xã, thôn phối hợp tuyên truyền vận động người dân của thôn mình, của xã mình, của làng mình biết được nguy hại của cơn bão số 4. Qua đó có ý thức tự đề phòng và phòng chống bão.
Đề nghị các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh tuân thủ quy trình vận hành hồ và liên hồ chứa. Đối với các công trình thủy điện lớn, như Plei Krông, Thượng Kon Tum… phải chủ động thông tin với Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh cũng như các sở, ngành chức năng để có phương án vận hành hồ chứa nhằm cắt lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn cho công trình.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có hàng trăm hộ dân ở gần khu vực sông, suối, núi cao… được di dời đến nơi an toàn. Điển hình như tại xã Đăk Ruồng (huyện Kon Rẫy, Kon Tum), chính quyền xã, công an, dân quân cùng với người dân thôn 10 khẩn trương giúp đỡ 30 hộ với 160 nhân khẩu, nằm sát sông Đăk Snghé lên cao. Xã cũng sử dụng loa, xe tuyên truyền lưu động để đi khắp các làng, xã để cung cấp thông tin cho bà con tình hình và cách phòng, chống bão.
A Viên (thôn 10, xã Đăk Ruồng, Kon Rẫy, Kon Tum) cho biết: "Trong năm 2009, nước lũ về khiến cho làng bị ngập cao lên gần 2m. Hầu như hoa màu, tài sản của bà con bị ảnh hưởng.
Nghe sắp có cơn bão lớn đổ bộ về nên gia đình đã mang lương thực, gia súc lên cao gửi. Mấy đứa con trong nhà cũng mang lên trường học, nhà người quen để gửi đến khi bão tan mới cho quay trở về".
Tại tỉnh Gia Lai, từ ngày 27/9, thời tiết đã xuất hiện mưa to đến rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất, sụt lún đất tại các huyện như: Kbang, Krông Pa, Kông Chro… Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân và công trình cơ sở hạ tầng, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "4 tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách, phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.
Rà soát, chủ động sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết không đảm bảo an toàn trước khi mưa, bão ảnh hưởng. Đảm bảo lương thực, thực phẩm, nguồn cung tại khu vực ngập sâu và chia cắt, không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống.
Triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính.