Vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh, năm 2021 sẽ không tổ chức Lễ hội hoa Dã quỳ. (ảnh Đinh Dũng) |
Mỗi độ đầu mùa khô vào chừng tháng 11, cả vùng núi Tây Nguyên lại chìm trong sắc vàng của hoa dã quỳ. Loài hoa này sinh sôi tại vùng cao nguyên, nơi luôn hòa cùng mây trắng lãng đãng bay mỗi sớm. Trong không gian lạnh buốt, chân tay tê cóng, nhiều người như được sưởi ấm với một rừng sắc vàng.
Núi lửa Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah (Gia Lai) là điểm tổ chức Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya thường niên. |
Hoa Dã Quỳ mọc nhiều ven hai bên đường đi, đó là thế giới của loài hoa này. Những sắc vàng óng ánh càng chiếm lấy cảm tình của những người từng đặt chân đến miền cao nguyên đầy nắng gió và cả những phóng khoáng Vùng đất đỏ ba - zan này. Vào mùa khô, trăm loài cỏ cây khát cháy, duy chỉ có dã quỳ vẫn bền bỉ trổ hoa. Sắc vàng óng ả như bung ra từ bản năng sức sống tiềm tàng. Chàng trai, cô gái - tượng trưng cho ước nguyện của con người cao nguyên thuở ấy, không thể khuất phục được thiên nhiên. Những con đường đất đỏ dốc chênh vênh mùa này được phủ kín bởi vạt hoa xinh xinh, rực rỡ có thể mê hoặc bất cứ người nào ghé thăm.
Buổi tối, say men bên ché rượu cần cùng điệu múa Xoang và bếp lửa bập bùng, người người lại có cảm giác như đang miên man cùng huyền thoại dã quỳ.
Biểu diễn nghệ thuật tại lễ hội hoa Dã quỳ năm 2020. (ảnh Đinh Dũng) |
Dã quỳ vàng khiến người dân nơi đây nhớ về câu chuyện tình buồn của đôi uyên ương K'lang và H'limh trong quá khứ. Sự tích về loài hoa màu vàng rực trong sắc nắng. Hoa Dã Quỳ là tượng trưng cho một sức sống mãnh liệt và một tình yêu chung thuỷ. Loài hoa này gắn với câu chuyện tình bi thảm giữa chàng K’lang và nàng H’limh xinh đẹp.
Lễ hội hoa Dã quỳ còn có những hoạt động văn hóa – nghệ thuật, thể thao, ẩm thực đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. (ảnh Đinh Dũng) |
Và ở Gia Lai, có một ngọn núi lửa đã tắt mỗi năm bừng rực dã quỳ vàng cả đất trời. Nơi ấy được chọn làm địa điểm để tổ chức lễ hội hoa dã quỳ hàng năm, thu hút rất đông người đến thăm. Mùa hoa dã quỳ thường kéo dài khoảng một tháng và đẹp nhất vào giữa tháng 11. Thời điểm bình minh ló rạng, sương vẫn còn đọng trên lá cũng chính là khoảnh khắc tuyệt vời để ngắm hoa.
Hằng năm, và tháng 11 tại tại làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah (Gia Lai) sẽ linh đình tổ chức Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya với nhiều chương trình hoạt động nghệ thuật phong phú, mang đậm màu sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Ngoài được hòa mình với bạt ngàn sắc vàng rực rỡ của loài hoa mang biểu tượng đặc trưng của mùa khô Tây Nguyên, du khách còn được trải nghiệm những hoạt động văn hóa – nghệ thuật, thể thao, ẩm thực đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Với những du khách thích khám phá, đây cũng chính là dịp để nghiên cứu, tìm hiểu sâu về không gian văn hóa cồng chiêng, các loại hình nghệ thuật đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm… của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên.
Nghệ nhân nhí biểu diễu nghệ thuật trong Lễ hội hoa dã quỳ năm 2020. (ảnh Đinh Dũng) |
Theo kế hoạch Lễ hội Hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 12 đến 14/11, đây là thời điểm hoa dã quỳ vào mùa nở rộ. Tuy nhiên, năm nay vì ảnh hưởng của dịch bệnh, năm nay Lễ hội hoa Dã quỳ sẽ không được tổ chức. Ông Nguyễn Ngọc Thanh-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) cho biết: Huyện Chư Păh sẽ không tổ chức Lễ hội Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2021 để phòng-chống nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng.