Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu thế giới bất ngờ lao dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày 12/7 (theo giờ Việt Nam). Giá dầu Brent có lúc rơi thẳng đứng từ gần 105 USD/thùng xuống hơn 102 USD/thùng trong vỏn vẹn 30 phút. Tính đến 18h15, dầu Brent được giao dịch quanh ngưỡng 102,42 USD/thùng, giảm 4,68 USD/thùng so với 24 giờ trước đó, tương đương 4,37%. Trong khi đó, giá dầu WTI một lần nữa mất mốc 100 USD/thùng. Giá giảm 4,76 USD/thùng, tương đương 4,57% sau một ngày, xuống 99,29 USD/thùng.
Lực cản lớn nhất
"Giá dầu đã quay đầu giảm vì lo ngại suy thoái. Triển vọng u ám của các nền kinh tế lớn cũng ngăn cản đà tăng của giá dầu trong trung hạn", ông Craig Erlam - chuyên gia tài chính có trụ sở ở Anh - bình luận.
"Khả năng Trung Quốc tăng cường áp dụng các yêu cầu chống dịch cũng là lực cản lớn đối với thị trường dầu. Điều này có thể khiến dầu thô được giao dịch gần với mốc 100 USD/thùng hơn", vị chuyên gia nói thêm.
Nhiều thành phố tại Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp chống dịch mới, từ dừng hoạt động của một số cơ sở kinh doanh đến phong tỏa những khu vực ghi nhận ổ dịch mới. Các động thái này nhằm ngăn làn sóng dịch bệnh sau khi biến chủng BA.5.2.1 của Omicron xuất hiện tại Thượng Hải.
Khả năng Trung Quốc tăng cường áp dụng các yêu cầu chống dịch cũng là lực cản lớn đối với thị trường dầu. Điều này có thể khiến dầu thô được giao dịch gần với mốc 100 USD/thùng hơn
Chuyên gia tài chính Craig Erlam
Đây là dòng phụ hoàn toàn mới của BA.5 và Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ghi nhận. Trong cuộc họp báo hôm 10/7, ông Zhao Dandan - Phó giám đốc Ủy ban Y tế Thành phố Thượng Hải - nhấn mạnh sự xuất hiện của BA.5.2.1 báo hiệu những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt khi theo đuổi chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0).
Đến nay, Trung Quốc đã áp dụng lệnh phong tỏa và các biện pháp hạn chế di chuyển với khoảng 30 triệu người. Điều này sẽ tác động lớn lên nhu cầu dầu tại đất nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Trong năm nay, Thượng Hải và một số thành phố lớn khác của Trung Quốc cũng bị phong tỏa trong nhiều tuần. Giới quan sát nhận định các hạn chế tại đất nước 1,4 tỷ dân đóng vai trò lớn trong việc hạ nhiệt giá dầu.
Ngoài ra, theo ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Singapore, thị trường dầu cũng chịu sức ép từ nguy cơ suy thoái của các nền kinh tế lớn khác như Mỹ và châu Âu.
"Tại phương Tây, sự kết hợp giữa giá năng lượng cao và lãi suất tăng đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái, từ đó tác động nghiêm trọng tới nhu cầu dầu", Commerzbank bình luận.
Mới đây, bà Kristalina Georgieva - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đã xấu đi đáng kể kể từ tháng 4. Do đó, bà không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc suy thoái toàn cầu vào năm tới.
Theo các nhà phân tích của Citigroup, dầu thô có thể giảm xuống 65 USD/thùng trong năm nay và còn 45 USD/thùng vào cuối năm 2023 nếu suy thoái kinh tế xảy ra.
Áp lực hạ nhiệt lạm phát
Việc ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất và sức mạnh của đồng USD đi lên cũng tác động tiêu cực tới các thị trường hàng hóa. Kể từ đầu tuần, Bloomberg Dollar Spot Index ghi nhận mức tăng 1,2%.
Giới đầu tư cũng đang chờ đợi dữ liệu về lạm phát tháng 6 của Mỹ. Tỷ lệ lạm phát sẽ tác động tới động thái nâng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Số liệu lạm phát sắp được công bố của Mỹ có thể khiến Fed quyết liệt hơn trong việc nâng lãi suất vào cuối tháng này. Giới quan sát dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của Mỹ sẽ tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức cao nhất trong 40 năm.Thêm vào đó, nói với Zing, chuyên gia Erlam cho rằng giới đầu tư cũng dồn sự chú ý vào chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Saudi Arabia trong tuần này.
Thông qua chuyến thăm các lãnh đạo vùng Vịnh, Tổng thống Mỹ hy vọng những quốc gia thành viên OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) sẽ giải phóng năng lực sản xuất dư thừa. Saudi Arabia và UAE là 2 thành viên hiếm hoi của OPEC có năng lực sản xuất dư thừa lớn.
Ngay cả khi giá dầu hạ nhiệt trong những ngày qua, nguồn cung trên thị trường dầu thô thế giới vẫn eo hẹp. Dầu Nga vẫn sa lầy với hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, trong khi các thành viên OPEC còn đang chật vật để đáp ứng mục tiêu sản lượng.