Giá dầu Brent giảm 16,84 USD, tương đương 13,2%, xuống mức 111,14 USD/thùng. Đây là mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ ngày 21/4/2020.
Trong khi đó dầu thô WTI giảm hơn 12%, tương đương 15 USD, xuống 108,7 USD/thùng, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 26/11/2021. Hồi đầu tuần, WTI đạt mức 130 USD/thùng, mức cao nhất 13 năm, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang.
"Chúng tôi ủng hộ việc tăng sản lượng và sẽ khuyến khích OPEC xem xét mức sản xuất cao hơn", Đại sứ UAE Yousuf Al Otaiba thông báo trên Twitter của Đại sứ quán UAE tại Washington. UAE và nước láng giềng Ả-rập Xê-út là một trong số ít thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ có năng lực dự phòng, giúp họ có thể tăng sản lượng.
Trước đó, Mỹ đã kêu gọi các nhà sản xuất dầu trên toàn thế giới tăng nguồn cung. "Trong thời điểm khủng hoảng này, chúng tôi cần nhiều nguồn cung hơn", Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói.
Mới chỉ một tuần trước, OPEC và các đồng minh, được gọi là OPEC +, cho rằng giá dầu tăng do địa chính trị chứ không phải vì thiếu nguồn cung và không ủng hộ việc tăng sản lượng.
Sản lượng bổ sung từ OPEC có thể bù đắp một phần thiếu hụt do gián đoạn hoạt động bán dầu của Nga. Nga - nước xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu hàng đầu thế giới, vận chuyển khoảng 7 triệu thùng/ngày, tương đương 7% nguồn cung toàn cầu.
Trong khi đó, Giám đốc Cơ quan năng lượng quốc tế Mỹ (IEA) Faith Birol cho biết: “Nếu các chính phủ của chúng tôi quyết định như vậy, chúng tôi có thể đưa nhiều dầu hơn vào thị trường”. Tuần trước, IEA đã quyết định giải phóng 60 triệu thùng dầu từ nguồn dự trữ chiến lược.
Phương Anh(Nguồn: Reuters, CNBC )