Theo VOV, Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai sửa đổi thay thế Luật Đất đai 2013, trong đó, quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình (sổ đỏ).
Vì sao phải ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ?
Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một Giấy chứng nhận ghi tên đại diện hộ gia đình trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện hộ gia đình. Trường hợp các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một Giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
Trả lời Vietnamnet, ThS Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia Luật Đất đai cho rằng, quy định ghi đầy đủ tên thành viên hộ gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi là phù hợp với pháp luật dân sự. Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, quy định "trường hợp có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một giấy chứng nhận ghi đầy đủ tên thành viên trên giấy chứng nhận và trao cho người đại diện".
Trong bài viết trên, ThS Nguyễn Văn Đỉnh cũng phân tích, điều 3 dự thảo Luật Đất đai đã đưa ra giải thích từ ngữ: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất”.
Cách giải thích này kế thừa từ Luật Đất đai năm 2013 nhưng bỏ quy định “đang sống chung”, để phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay (các thành viên hộ gia đình có thể đi nơi khác để làm ăn và không còn sống chung, tuy nhiên vẫn duy trì tài sản chung).
Vậy việc ghi tên tất cả thành viên trong gia đình vào sổ đó có lợi gì? Có gây ra những bất cập hoặc phát sinh phức tạp về sau?
Trả lời báo Tuổi trẻ, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường - cho hay việc ghi tên đầy đủ các thành viên hộ gia đình trên "sổ đỏ" nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, có lợi cho người dân.
"Việc ghi tên tất cả các thành viên trong gia đình khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được Bộ Tài nguyên và môi trường đưa vào thông tư 33 năm 2017 hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013", ông Thọ cho biết.
Ai sẽ được ghi tên ai được lợi khi vào "sổ đỏ"?
GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, cho hay khi chọn lọc ghi tên ai vào "sổ đỏ" sẽ chính xác hóa được quyền tài sản thực sự với thửa đất đó.
Quy định này cũng nhằm không để người có quyền tài sản với thửa đất bị gạt ra rìa hay người không có quyền tài sản lại tự nhiên đứng vào nhóm được ghi trên "sổ đỏ".
Tuy nhiên, ông Võ cho rằng dù có lợi nhưng cũng có khó khăn đó là phát sinh thêm thủ tục hành chính, bởi nếu không phát sinh thêm sẽ không thể chứng minh được tài sản đó thuộc về ai.
Theo ông Võ, việc ghi tên từng thành viên hộ gia đình đã được thực hiện theo thông tư 33/2017 nhưng ở nhiều địa phương không hiểu hết dẫn đến nhập nhằng giữa hộ gia đình theo khái niệm sổ hộ khẩu với hộ gia đình trên "sổ đỏ" (bao gồm những người cùng gia đình có quyền tài sản với thửa đất).
Chẳng hạn, lẽ ra chỉ ghi tên vợ chồng người có quyền tài sản với thửa đất thì có địa phương lại ghi tất cả người của hộ gia đình trong sổ hộ khẩu vào. Từ đó, tạo ra những phức tạp, vướng mắc.
Do vậy, ông Đặng Hùng Võ đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể để làm rõ thế nào là quyền tài sản, quyền tài sản chung và khi ghi vào "sổ đỏ" phải ghi thế nào cho chính xác.
Tương tự, trong bài viết của báo Tuổi trẻ cũng dẫn ý kiến của LS Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật ANVI, cho hay nếu như đất Nhà nước giao cho hộ gia đình nông nghiệp, nông dân, ngư nghiệp thì tất cả các thành viên đều có quyền được đứng tên trên sổ đỏ.
Nhưng đối với đất hình thành từ nguồn gốc khác thì những thành viên trong hộ gia đình phải xác định ai được ghi tên trên "sổ đỏ".
Chẳng hạn, nếu bố mẹ thấy con cái có đóng góp vào xây nhà, mua đất thì việc con cái cùng đứng tên là hợp lý, hoặc con cái nhỏ thì không có quyền đứng chung vào "sổ đỏ" của gia đình.