Hình minh họa. CDC Bà Rịa - Vũng Tàu
Theo thông tin trên Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm (Thông tư 54/2015/TT-BYT), 10 tháng đầu năm 2022, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm xoắn khuẩn vàng da tại huyện Châu Đức, các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Bệnh xoắn khuẩn vàng da, thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Bệnh lây truyền từ động vật sang người với đặc điểm lâm sàng rất đa dạng, gồm 3 thể: nhiễm khuẩn thể ẩn (khoảng 15-40%); thể nhẹ không có biểu hiện vàng da hoặc không có biểu hiện viêm màng não (khoảng 90% số người có biểu hiện triệu chứng) và thể lâm sàng cấp tính điển hình, vàng da nặng gọi là hội chứng Weil (khoảng 5-10%) có thể dẫn đến tử vong.
Ổ chứa trong thiên nhiên là động vật hoang dã (các loài gặm nhấm hoang dã, hươu, sóc, cáo, chồn hôi, gấu trúc...) và súc vật gần người (chuột, lợn, trâu, bò, chó, gấu trúc...).
Xoắn khuẩn vàng da ở môi trường nước hoặc đất ẩm ướt bị ô nhiễm nước tiểu súc vật xâm nhập vào cơ thể qua da, đặc biệt là chỗ da bị xước và có thể chui qua lỗ chân lông của da hoặc qua niêm mạc ở các hồ bơi bị nhiễm xoắn khuẩn. Có thể bị nhiễm xoắn khuẩn vàng da do tiếp xúc trực tiếp với nước tiểu hoặc mô súc vật bị nhiễm xoắn khuẩn, hoặc do ăn phải thức ăn bị nhiễm nước tiểu của động vật nhiễm xoắn khuẩn.
Để phòng, chống bệnh xoắn khuẩn vàng da trên người, hạn chế ghi nhận ca mắc và tử vong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố triển khai những nội dung sau:
Tuyên truyền về bệnh xoắn khuẩn vàng da cho người dân, nhất là ở nơi có bệnh đang lưu hành tại địa phương, nơi có ổ dịch tiềm tàng và môi trường lao động có nguy cơ nhiễm xoắn khuẩn vàng da từ nước tiểu súc vật nuôi hoặc quần thể chuột đối với ngành nông nghiệp, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp... để nhân dân biết cách tự phòng bệnh và biết phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ.
Các chuồng trại chăn nuôi súc vật, lò mổ… phải cao ráo, có nền cứng dễ thoát nước, thường xuyên được cọ rửa sạch sẽ và khử trùng tẩy uế khi cần thiết. Những người làm việc trong môi trường lao động hoặc nghề nghiệp có nguy cơ bị nhiễm bệnh xoắn khuẩn vàng da phải được trang bị bảo vệ da, niêm mạc như quần áo lao động, tạp dề, ủng, găng tay, kính mắt…
Tại các cơ sở chăn nuôi súc vật, các lò mổ, bể bơi… cần thiết phải kiểm tra thường xuyên hoặc định kỳ quần thể chuột, các chất thải để xử lý kịp thời phòng chống chuột và vệ sinh môi trường.
Giám sát các trường hợp nghi ngờ/xác định nhiễm xoắn khuẩn vàng da và lập danh sách các trường hợp tiếp xúc gần để điều trị dự phòng cho người tiếp xúc và phối hợp với ngành Thú Y triển khai các hoạt động chống dịch.
Xử lý môi trường: vệ sinh khử khuẩn, tẩy uế với các đồ vật bị nhiễm máu, nước tiểu bệnh nhân và khu vực bị nhiễm nước tiểu súc vật bằng dung dịch khử trùng có chứa Clo với nồng độ Clo hoạt tính là 0,5%.