Sống bằng tim người khác
Tết cổ truyền Quý Mão vừa qua là cái Tết đáng nhớ của Phan D.Q. (Phú Thượng, thành phố Huế). Bởi năm nay, Q. đã có thể phụ giúp mẹ một vài công việc nhà đơn giản sau một thời gian dài bệnh nặng, có khi tưởng không sống được.
Phan D. Q. đang tràn đầy ước mơ hoài bão khi đang ở tuổi sinh viên thì phát hiện bị bệnh giãn cơ tim, suy tim giai đoạn cuối. Trong lúc tuyệt vọng nhất thì đầu năm 2022, Q. được thần may mắn gõ cửa.
Có một người chết não ở phía Bắc hiến tạng và các thông số trùng khớp với Q. Và Q. may mắn được Bệnh viện Trung ương Huế ghép tim ngay sau đó.
Quả tim hiến tặng giúp hồi sinh một cuộc đời mới. Q. ăn ngon, ngủ ngon và đặc biệt không phải chịu đựng những cơn đau như trước.
Trước đó, tháng 1.2022, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo điều phối 1 quả tim cho Bệnh viện Trung ương Huế từ người cho chết não. Thời điểm này, dịch COVID-19 diễn biến cam go. Đoàn công tác phải chạy xe xuyên đêm ra Hà Nội.
Quả tim hiến tặng được chuyển qua đường hàng không về Đà Nẵng rồi vận chuyển ra Huế. Trong công tác vận chuyển tim ghép, Vietnam Airline luôn tạo điều kiện để ê kíp di chuyển kịp thời.
Tiếp theo là một “cuộc chiến” căng não trong phòng mổ, may mắn sau 3 tiếng đồng hồ, quả tim ghép đập nhịp đầu tiên trong lồng ngực Q., đánh dấu ca ghép tim thứ 8 thành công tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Mẹ Q., bà Võ T. P. L. cho hay, sức khỏe của con đã khá hơn. Chị vẫn đưa cháu đi tái khám đều đặn. “Con có tận 2 ngày sinh nhật. Lần tôi sinh cháu ra và lần hồi sinh sau ghép tim”, chị nói. Cảm ơn người hiến tạng giúp con mình có một cuộc sống mới, cả gia đình chị P. L. đã có một chuyến đi miền Bắc cảm tạ ân nhân.
Mỏi mòn chờ ghép tạng
May mắn hơn bao bệnh nhân khác, anh T. Q. H. (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) sau hơn 2 năm ghép tim đã lao động bình thường trở lại.
Hàng tháng, anh vẫn tái khám và uống thuốc chống đào thải sau ghép. “Trở lại đời thường”, anh hăng hái làm việc cùng các đồng nghiệp ở công ty và tham gia phong trào chung.
Sau khi vào thăm gia đình người hiến tạng, anh H. có thêm những người thân mới, cả một người anh em kết nghĩa ở Hà Nội được ghép gan từ cùng một người cho.
“Cảm giác sau ghép có gì đó rất khó tả. Khi vào thăm gia đình người hiến tạng, mình cảm nhận được sự gần gũi, thân tình đến kỳ lạ. Các anh chị em trong gia đình xem mình như người nhà, thường xuyên động viên thăm hỏi.
Nhóm các anh em được ghép tạng như mình thường xuyên hỏi thăm, động viên, chia sẻ về phương pháp giữ sức khỏe, điều trị sau ghép”, anh H. kể.
GS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viên Trung ương Huế cho biết: Ghép tim là phẫu thuật khiến các ê kíp luôn lo lắng. Không có cuộc nào giống cuộc nào, phẫu thuật viên phải có kinh nghiệm, sức khỏe, thậm chí là thần kinh thép.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, bởi để có được và sự thành công của một ca ghép mô, tạng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, có khi chẳng liên quan đến chuyên môn.
Vậy nên trong dãy dài danh sách bệnh nhân chờ được ghép tạng ở Bệnh viện Trung ương Huế, số người được như Q. và anh H. rất ít, bởi tất cả phụ thuộc vào nguồn hiến tạng.
Nguồn tạng được ghép ở Huế chủ yếu xuất phát từ hai đầu đất nước, dưới sự điều phối của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.
“Hiện Bệnh viên Trung ương Huế có khoảng 20 người đang chờ ghép tim, hơn 100 người chờ ghép thận và 3 người đang chờ ghép gan.
Thời gian qua, số bệnh nhân chờ ghép gan ngày một ít đi do phần lớn họ là người nghèo, không chịu nỗi chi phí để duy trì trong khi chờ có nguồn để ghép”, GS Phạm Như Hiệp cho biết.
Bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Trung ương Huế hầu như thuộc lòng các trường hợp trước ghép và sau ghép.
Bác sĩ Cẩm Tú bảo, chỉ cần nhắc tên, chị có thể đọc ra một “file” thông tin riêng.
“Tiếp xúc nhiều, gắn bó, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tình… từng ca bệnh nên những cảnh đời ấy thấm vào chị lúc nào không hay”, bác sĩ Cẩm Tú kể.